Vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhà văn Hoàng Văn Bổn rất được thiếu nhi miền Bắc yêu mến. Tác phẩm "Tướng Lâm Kỳ Đạt"của ông là một trong những cuốn truyện thiếu nhi được bạn đọc nhỏ "gối đầu gường". Tôi cũng là một trong những "Fan" của ông, dù lúc đó tôi chưa một lần được gặp nhà văn Hoàng Văn Bổn.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhà văn Hoàng Văn Bổn rất được thiếu nhi miền Bắc yêu mến. Tác phẩm "Tướng Lâm Kỳ Đạt"của ông là một trong những cuốn truyện thiếu nhi được bạn đọc nhỏ "gối đầu gường". Tôi cũng là một trong những "Fan" của ông, dù lúc đó tôi chưa một lần được gặp nhà văn Hoàng Văn Bổn. Trong sách trích giảng văn học cấp hai có trích một đoạn từ tiểu thuyết "Trên mảnh đất này" của ông. Bọn trẻ chúng tôi hầu như ai cũng thích và thuộc lòng đoạn trích này. Riêng tôi thì rất say mê nhưng vẫn băn khoăn tự hỏi vì sao nhà văn lại gọi nhân vật Ba Râu là "ông", còn người bạn gái thân thiết của Ba Râu là "cô"? Tôi nghĩ bụng nếu được gặp nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhất định phải hỏi cho biết...
Năm 1983, tôi vào Đồng Nai nhận công tác. Trong những ngày mới chân ướt chân ráo đến miền đất lạ, tôi và một nữ đồng nghiệp hay mang cuốn tiểu thuyết "Miền đất ven sông" của nhà văn Hoàng Văn Bổn ra đọc. Chúng tôi nhận thấy những nhân vật nữ trong tiểu thuyết được nhà văn đặc biệt ưu ái, dành cho những trang văn chan chứa tình cảm. Những tình yêu lứa đôi trong đó cũng được ông miêu tả khá mùi mẫn và táo bạo khiến tôi và cô bạn cho rằng chắc nhà văn này phải... bốc lửa lắm. Tôi lại càng nuôi ý định khi có dịp gặp nhà văn Hoàng Văn Bổn phải để ý kỹ xem ông có... khác đời không?
Thế rồi sau đó không lâu, tôi đã gặp nhà văn Hoàng Văn Bổn ở trụ sở Hội VHNT Đồng Nai. Thật bất ngờ là con người mà chúng tôi ngỡ phải rất... đa tình lại là một ông già gầy nhom và hiền khô, có lối kể chuyện tưng tửng rất có duyên, nhất là chẳng có vẻ gì đã viết ra những chuyện tình hoang dã, sôi nổi, rất tự nhiên và cũng rất "người". Khi tôi nói ra nhận xét ấy, nhà văn mỉm cười thú vị và không cải chính câu nào...
Thời kỳ nhà văn Hoàng Văn Bổn làm giám đốc NXB tổng hợp ĐN, tôi có dịp đi công tác Hà Nội cùng ông. Hôm trở về, khi đang ngồi chờ máy bay ở sân bay Nội Bài có một thanh niên cứ thỉnh thoảng lại nhìn chúng tôi. Hình như gương mặt khắc khổ với sắc da tai tái rất "đặc thù Hoàng Văn Bổn" cộng thêm bộ áo vét và chiếc mũ dạ màu đen khiến cho ông toát ra một vẻ gì đó bí ẩn, thu hút anh ta. Tôi quay nhìn nhà văn và nói "Chú ơi, trông chú người ta chỉ có thể nghĩ chú làm một trong hai nghề, hoặc là nhà văn, hoặc là mật thám. Nhưng chú có vẻ nghiêng về phía mật thám hơn". Hai chúng tôi cùng cười và nhà văn kể một câu chuyện dí dỏm thời ông còn công tác ở hãng phim Quân đội. Khi tôi giới thiệu nhà văn với chàng thanh niên nọ anh ta mừng rỡ vội lấy sổ tay ra, đề nghị ông ký tặng. Tất nhiên là nhà văn vui vẻ ký và hỏi chuyện anh ta. Thì ra "Fan" này là nhân viên tiếp thị xe máy của hãng VMEP, thích lấy chữ ký của nhà văn để có dịp thì đem ra... khoe!
Một lần nhân nói về chuyện văn chương, tôi hỏi ông: "Chú thường viết khi có cảm hứng hay là không hứng cũng cứ viết?". Ông lắc đầu bảo: "Đợi có cảm hứng mới viết thì chẳng được bao nhiêu. Ngày nào chú cũng tự bắt mình phải lao động, ví dụ mỗi ngày phải viết 30 trang". Tôi nghe ông nói mà cảm phục sự kiên trì nhẫn nại như con ong làm mật của nhà văn. Ông quả là một tấm gương sáng cho những người viết văn trẻ noi theo.
Sau này do công việc bận rộn tôi ít có dịp gặp nhà văn Hoàng Văn Bổn. Một lần tôi vào bệnh viện thăm, đúng lúc ông đang nằm một mình, có vẻ rất mệt. Ông bảo ông bị mắc bệnh tim. Tôi không dám hỏi nhà văn nhiều, chỉ đứng lặng nhìn thân hình gầy gò và nhịp thở khó khăn của ông, ngậm ngùi nghĩ chẳng mấy nữa, nhà văn sẽ xa chúng tôi, xa cõi nhân gian nhiều khổ ải và cũng vô vàn đáng yêu này...
Giờ thì đau đớn thay, chúng tôi đã xa ông thật rồi, xa mãi mãi. Đối với tôi, nhà văn Hoàng Văn Bổn mãi là người thầy, người đã góp phần vun bồi tình yêu của tôi đối với mảnh đất này - quê hương thứ hai của tôi. Chúng tôi yêu văn chương của ông, yêu những người dân quê bình dị, yêu dòng sông Đồng Nai mà trong các tác phẩm ông gọi là "con sông linh thiêng". Trong nỗi buồn tiễn đưa về thế giới vĩnh hằng một con người hiền hòa tốt bụng, cả đời dâng hiến cho văn học, người đã làm cho những nhân vật nông dân bé mọn vô danh trở thành những anh hùng cái thế, chiều mưa này tôi ngồi nhớ ông, nhớ chú Chín thân thương của chúng tôi...
Hồng Ngọc