Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấn tượng về chương trình ca múa nhạc mang tên "Mầm xanh quê hương"

10:05, 26/05/2006

Trẻ trung, tươi tắn và đầy triển vọng - đó là nhận xét chung của các thành viên Hội đồng nghệ thuật sau buổi thẩm định Chương trình nghệ thuật của Trường trung học văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai tham dự Liên hoan âm nhạc và kịch hát dân tộc của khối học sinh các trường VHNT toàn quốc.

Một tiết mục trong chương trình ca múa nhạc "Mầm xanh quê hương".

Trẻ trung, tươi tắn và đầy triển vọng - đó là nhận xét chung của các thành viên Hội đồng nghệ thuật sau buổi thẩm định Chương trình nghệ thuật của Trường trung học văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai tham dự Liên hoan âm nhạc và kịch hát dân tộc của khối học sinh các trường VHNT toàn quốc. Chương trình có thời lượng 60 phút, gồm 9 tiết mục ca múa nhạc với chủ đề  "Mầm xanh quê hương". Theo hiệu trưởng Nguyễn Quý Công, chủ đề  "Mầm xanh quê hương" nhằm thể hiện một Đồng Nai từ góc nhìn khác, không chỉ là một tỉnh công nghiệp mà còn là một Đồng Nai nông nghiệp và nông thôn khởi sắc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Cảm nhận đầu tiên về sự trẻ trung và đầy triển vọng là dàn nhạc dân tộc khá đầy đặn với các nhạc công tuổi "teen" trong 2 tiết mục hòa tấu: "Chung một niềm tin" (âm nhạc Xuân Khoát) và "Nông thôn đổi mới" (âm nhạc Tạ Phước - Tô Vũ). Đây là những tác phẩm đã được coi là "kinh điển" và là "khuôn vàng thước ngọc" của các dàn nhạc dân tộc. Tiết mục độc tấu đàn tỳ bà do em Thúy Hằng biểu diễn cũng cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng của một thế hệ diễn viên mới đầy triển vọng. Giá như ở tiết mục hòa tấu dàn dân tộc có thêm cây đàn nhị thì hẳn hiệu quả nghệ thuật sẽ còn tốt hơn.

Chương trình còn tạo ấn tượng đẹp với tiết mục múa "Trên cánh đồng quê hương" (Biên đạo Công Minh, âm nhạc Đậu Kim Luân) có tính cách điệu cao, lối thể hiện hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, phô diễn được nét điển hình của nông thôn Việt Nam. Tiết mục múa "Sức sống của rừng" (Biên đạo: NSND Lê Ngọc Canh) lại thể hiện một vẻ đẹp khác - vẻ đẹp mơn mởn đầy sức sống của rừng cây đang lên, bất chấp sự tàn phá hủy diệt. Tạo hình những bàn tay tượng trưng cho mầm xanh vươn lên rất gợi cảm và có ý nghĩa thẩm mỹ. Có thể nói, hai tiết mục múa đóng vai trò rất quan trọng trong tổng thể của chương trình.

Cũng cần nói đến những giọng ca mới đầy triển vọng của các học sinh khoa thanh nhạc thể hiện qua các tiết mục "Thương nhau chín đợi mười chờ" (nhạc và lời Văn Thành  Nho - đơn ca nữ Thanh Phương), "Cồng chiêng vang chiến khu Đ"  (nhạc và lời Khánh Hòa, song ca  nam nữ Bạch Huệ - Hoàng Chỉnh), "Em đi trồng lúa" (phát triển dân ca Mạ - nhạc và lời Trần Viết Bính, tốp ca nữ) v.v... Tuy là những ca khúc đã khá quen thuộc nhưng có sự dàn dựng sáng tạo nên các tiết mục đều sinh động, tươi mới. Chỉ tiếc tiết mục đơn ca của Thanh Phương chất giọng tốt nhưng còn chưa thật rõ lời. Thêm vào đó, màn hát múa  "Đồng Nai ngày mới"  - tiết tấu nhanh, mạnh và hiện đại khiến người xem có phần băn khoăn bởi nó gây cảm giác hơi bị "chỏi" trong một chương trình ca múa  nhạc dân tộc.

Có thể nói, đạo diễn chương trình "Mầm xanh quê hương" đã rất cố gắng làm nổi bật vẻ đẹp truyền thống trong âm nhạc và múa của người Việt, trong đó nhấn mạnh nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa ở Đồng Nai như Chơ Ro, Châu Mạ v.v... Tuy còn một vài hạn chế ở ánh sáng, trang phục, phần kết nối giữa các tiết mục cũng chưa thật liền lạc nhưng nhìn chung, chương trình "Mầm xanh quê hương" khá toàn diện, hấp dẫn, thể hiện sự nỗ lực của tập thể giáo viên và học sinh Trường trung học VHNT Đồng Nai. Được biết, khá nhiều diễn viên, nhạc công là các em học sinh sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tin rằng ở liên hoan diễn ra từ ngày 2 đến ngày 9-6 tại thành phố Đà Nẵng, sự nỗ lực của toàn đoàn sẽ được đền đáp xứng đáng.

Hồng Ngọc

               

Tin xem nhiều