Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghe "Người đàn bà hát" trên phố núi

10:04, 29/04/2006

Con đường nhỏ rẽ vào Dinh III (biệt thự của vua Bảo Đại trước đây) ở Đà Lạt hình như chẳng có tên. Nếu không chú ý có thể bạn sẽ đi qua nó mà không phát hiện ra đường lên quán. Chỉ một bảng hiệu nhỏ gắn trên một gốc thông "Cung Tơ Chiều" ngay lối vào, chung quanh quán chủ nhân của nó cũng trồng cây, trồng hoa vì đây không chỉ là nơi để trải hồn ra với những bài hát khi đêm xuống, mà cũng chính là nơi ở của ba mẹ con người đàn bà họ Mã.

Con đường nhỏ rẽ vào Dinh III (biệt thự của vua Bảo Đại trước đây) ở Đà Lạt hình như chẳng có tên. Nếu không chú ý có thể bạn sẽ đi qua nó mà không phát hiện ra đường lên quán. Chỉ một bảng hiệu nhỏ gắn trên một gốc thông "Cung Tơ Chiều" ngay lối vào, chung quanh quán chủ nhân của nó cũng trồng cây, trồng hoa vì đây không chỉ là nơi để trải hồn ra với những bài hát khi đêm xuống, mà cũng chính là nơi ở của ba mẹ con người đàn bà họ Mã.

 

Quán nhìn vào đơn sơ như căn nhà nhỏ của những cư dân Đà Lạt. Buổi tối, một chùm bóng điện quả ớt giăng trên những cành thông không đủ tỏ mặt người trên lối vào cổng. Bên trong ngôi nhà, ánh nến tỏa sáng nhè nhẹ tạo một cảm giác ấm cúng khi bên ngoài cái lạnh đang mơn man da thịt. Dường như chủ quán không cần khách đến với số đông nên quán chỉ độ 6-7 bộ bàn ghế salon nhỏ. Ai đến trễ đành đứng bên ngoài, tựa vào gốc thông mà nghe nhạc vẳng ra từ quán. Tối nào cũng vậy, một chiếc đàn guitar cho chủ quán, một chiếc đàn guitar cho khách nếu có nhu cầu hát hay đệm đàn phụ họa. Mỗi ca từ cất lên từ giọng hát khàn nhưng khỏe khắn và cũng đầy chất tự sự, mênh mang sâu lắng pha một chút hoang sơ làm cho chủ và khách như quên đi cái lạnh se sắt bên ngoài, quên đi những bon chen tính toán đời thường chỉ để biết đến tình yêu, thân phận con người trong từng nốt nhạc, lời ca. Chẳng có sự giới thiệu về ca khúc nhưng khi người đàn bà hát là lập tức nhiều người hướng về chiếc bàn góc phòng - nơi chủ nhân đang đàn và hát, rồi nhẩm hát theo. Hoặc cũng có người tự nhớ ra tựa đề của bài hát. Này đây là "Gởi gió cho mây ngàn bay", "Diễm xưa", "Mưa hồng", "Mộng dưới hoa", "Ru em từng ngón xuân nồng", này đây là "Ngậm ngùi, "Suối mơ", "Thiên thai", "Sống trong đời sống cũng có một tấm lòng", "Phôi pha", "Mơ hoa"...

Những người bạn Đà Lạt kể rằng: Người đàn bà hát ở Cung Tơ Chiều có yêu cầu thật lạ: Trước khi vào quán, chủ quán đề nghị khách không để chuông điện thoại di động, không chuyện trò át tiếng hát. Đã có lần trong không gian lãng đãng làm cho nhiều người đang chìm trong âm nhạc bỗng nổi lên tiếng phành phạch và tiếng rít của chiếc điếu cày! Người đàn bà ngưng hát và đến nói với vị khách đang kéo điếu cày rằng: Có lẽ quý vị không hợp với nơi này, mời quý vị có thể đi đến nơi khác vậy! Vâng, không cần phải những lời hoa mỹ, yêu cầu của người đàn bà ấy chẳng phải là rất văn hóa đó ư?

Giọng hát của người đàn bà họ Mã (tên đầy đủ là Mã Xuân Giang) không trau chuốt, cứ tự nhiên như núi đồi, rừng thông Đà Lạt. Thế nhưng cái giọng khàn khàn ấy cứ mênh mang pha lẫn một chút hoang sơ như hơi thở của cao nguyên. Ai nhận xét thế nào cũng được còn chị thì bình thản hát. Với vốn liếng lên đến 700- 800 tình khúc tiền chiến, trong đó có nhạc của Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Trịnh Công Sơn..., chị có khả năng làm "mềm lòng" những ai thích dòng nhạc tiền chiến. Chị hát như là một nhu cầu tự thân cần được trải lòng mình. Và nếu cần, chị có thể đàn và hát tới 1-2 giờ sáng nếu như khách còn muốn nghe, muốn hát cùng chị...

Khi rời quán, chúng tôi vẫn nuối tiếc là chưa có cơ hội tìm hiểu đầy đủ về nhân thân của chị nhưng giữ mãi ấn tượng về giọng hát của chị -  người "đàn bà hát" trên phố núi.

Kim Loan

Tin xem nhiều