Xã hội hóa hoạt động văn hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội cùng chăm lo, phát triển sự nghiệp văn hóa. Là một tỉnh công nghiệp và đứng trước yêu cầu về hội nhập, thời gian qua, công tác này ở Đồng Nai đã được quan tâm và khuyến khích đầu tư. Thế nhưng, thực tế cho thấy đây vẫn là lĩnh vực còn chưa được các nhà đầu tư mặn mà khai thác.
Tổ chức các chương trình giao lưu ca nhạc thu hút khán giả là một trong những thành công của CLB Sông Phố |
Xã hội hóa hoạt động văn hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội cùng chăm lo, phát triển sự nghiệp văn hóa. Là một tỉnh công nghiệp và đứng trước yêu cầu về hội nhập, thời gian qua, công tác này ở Đồng Nai đã được quan tâm và khuyến khích đầu tư. Thế nhưng, thực tế cho thấy đây vẫn là lĩnh vực còn chưa được các nhà đầu tư mặn mà khai thác.
* Từ thực trạng...
Bà Nguyễn Thị Xinh, Trưởng phòng nghiệp vụ, Sở Văn hóa thông tin (VHTT) trong buổi làm việc mới đây với Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã cho biết: "Khi một số khu vui chơi giải trí của người dân đứng ra đầu tư ra đời và đi vào hoạt động như: "Ngư nhân", "Ngàn cánh hạc"... chúng tôi rất mừng. Thế nhưng, ngay trong ngày khai trương, chúng tôi đã có thể dự đoán được tuổi thọ của chúng. Và quả thật, "Ngư nhân" chỉ tồn tại được chưa đầy một năm đã phải đóng cửa và sang lại cho người khác. "Ngàn cánh hạc" cũng nằm yên ắng vì không có khách. Những "cái chết yểu" đã được báo trước vì những lý do như mặt bằng quá chật hẹp, trang thiết bị đầu tư không đồng đều, "thực đơn văn hóa" không hấp dẫn, không có nhiều "món" mới gây nhàm chán cho người xem... Một số đoàn nghệ thuật tư nhân như: Đoàn cải lương Chiêu Hùng, Đoàn xiếc ảo thuật Hoàng Long, David Thanh, CLB đồng ấu Sơn Ca... cũng tồn tại được một thời gian ngắn rồi đứt gánh. Hàng loạt điểm "Hát cho nhau nghe" cũng không thể sống được bởi đầu tư quá tràn lan, không lường được trước sự thay đổi của nhu cầu công chúng. Hiện tượng này nói lên rằng dù nhà đầu tư có tâm huyết với hoạt động văn hóa song nếu không có sự am hiểu về lĩnh vực này và có sự đổi mới thường xuyên thì rất dễ thất bại". Tuy nhiên, bên cạnh "những cái chết yểu" trong phong trào xã hội hóa hoạt động văn hóa vẫn có những mô hình làm tốt và làm có hiệu quả. Điển hình trong số đó phải kể đến CLB Sông Phố (do Công ty phát hành phim và chiếu bóng kết hợp với nhà đầu tư tư nhân thực hiện). Cải tạo, nâng cấp và chính thức đi vào hoạt động hơn 3 năm nay, CLB đã duy trì được hoạt động thường xuyên với các hình thức giải trí như: chiếu phim, khiêu vũ, hát karaoke. Bên cạnh đó, CLB còn phối hợp với một số đơn vị, ngành chức năng tổ chức các chương trình ca nhạc, giao lưu thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo khán giả trẻ. Doanh thu của CLB ổn định đã góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động thường xuyên, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Tuy nhiên theo ông Trần Cảnh Tuệ, Giám đốc Công ty phát hành phim và chiếu bóng tỉnh, Chủ nhiệm CLB thì: "Khó khăn lớn nhất mà CLB đang gặp phải chính là những suy nghĩ của người dân về hoạt động của CLB. Nhiều người cứ nghĩ rằng CLB Sông Phố chỉ là nơi khiêu vũ, giải trí của lớp trẻ mà quên đi rằng CLB Sông Phố còn là địa điểm sinh hoạt của lớp trung niên. Ngoài khiêu vũ, CLB còn phục vụ các hình thức giải trí khác như chiếu phim, hát karaoke... Chính vì vậy mà nhiều người ngại đến với CLB Sông Phố dù rất có nhu cầu". Một số CLB khác như: CLB dân ca, CLB đờn ca tài tử, CLB truyền thống... ra đời đã đáp ứng phần nào đó nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân song vẫn gặp những lúng túng trong việc duy trì hoạt động. Các mô hình xã hội hóa văn hóa liên kết như nhà sách, siêu thị - sách hoạt động có hiệu quả nhưng dường như vẫn chưa khai thác hết được thế mạnh của mình.
* Giải pháp nào để đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa?
Thực hiện Nghị quyết số 05-2005/NQ/CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế - văn hóa và thể dục thể thao, ngành VHTT tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2010 chuyển đổi 100% số đơn vị sự nghiệp sang cơ chế cung ứng dịch vụ (đơn vị cung ứng dịch vụ văn hóa); 40 - 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa trong nhân dân sẽ do các đơn vị ngoài công lập đảm nhiệm. Để thực hiện mục tiêu này, ngành sẽ tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp hiện có theo hướng tinh giảm, nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập tham gia thành lập các thiết chế văn hóa, điểm vui chơi giải trí cho các đối tượng khác nhau trên nguyên tắc tự tổ chức nhưng phải chịu sự quản lý về mặt nhà nước của cơ quan có thẩm quyền. Đây là hướng phát triển mở, tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư có tâm huyết, muốn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, để mục tiêu này trở thành hiện thực cũng không phải là vấn đề đơn giản. Bởi thực tế hoạt động của một số mô hình xã hội hóa cho thấy nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ về cơ chế và những bước cải tiến, đổi mới cụ thể, mô hình sẽ không thể tồn tại được. Ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở VHTT cho rằng: "Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động xã hội hóa chưa hiệu quả chính là việc thiếu những định hướng cho những mô hình này hoạt động. Bởi lẽ, doanh nghiệp chỉ cần đủ các điều kiện là có thể xin giấy phép kinh doanh trong khi đó, ngành văn hóa không hề được biết trước về hình thức tổ chức hoạt động của nó ra sao. Do vậy, rất khó để ngành có thể góp ý về phương thức tổ chức cũng như thị hiếu của người dân để giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài". Bên cạnh đó, những khó khăn về thuế, chính sách đãi ngộ, khen thưởng cho những người đầu tư vào lĩnh vực này cũng chưa được cụ thể nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến thái độ đầu tư. Ngay cả đối với những người đã và đang đầu tư có hiệu quả trong lĩnh vực này nhiều năm qua cũng gặp lúng túng vì không biết có nên hay không nên mở rộng quy mô hoạt động. Ông Nguyễn Minh Trung, Phó chủ nhiệm CLB Sông Phố bày tỏ: "Rất muốn đầu tư mở rộng CLB hay tổ chức một hình thức hoạt động khác nhưng không rõ quy hoạch phát triển của ngành văn hóa ra sao sau khi CLB hiện hữu bị thu hồi giải tỏa?". Đây cũng là lo lắng chung của nhiều người khi mà hầu hết các "điểm đến" văn hóa đang hoạt động khá tốt tại Biên Hoà như CLB Sông Phố, rạp Thanh Bình... đều nằm trong các dự án quy hoạch chung của tỉnh. Một số công trình văn hóa lớn như Trung tâm hội chợ - triển lãm, Trung tâm điện ảnh, Nhà hát lớn... thì hiện vẫn còn là đề án chờ phê duyệt và chưa biết đến khi nào mới được thực hiện. Do đó, đã đến lúc ngành văn hóa cần sớm hoàn thiện công tác quy hoạch ngành, chuẩn bị đủ các nguồn lực để đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
Nguyễn Phượng