Báo Đồng Nai điện tử
En

Chào cờ sáng thứ hai - một nét đẹp văn hóa

09:04, 10/04/2006

Đối với mọi người dân Việt Nam, việc treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, Tết đã trở nên hết sức quen thuộc, không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhưng không phải ai cũng biết lá cờ có từ khi nào và ai là người đầu tiên đã sáng tạo ra nó. Ngược dòng lịch sử, năm 1940 lá cờ đỏ sao vàng do chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (1901- 1941) vẽ mẫu nguyên thủy đã tung bay trong khởi nghĩa Nam Kỳ, để rồi sau đó đã trở thành lá cờ của Mặt trận Việt Minh.

Đối với mọi người dân Việt Nam, việc treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, Tết đã trở nên hết sức quen thuộc, không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhưng không phải ai cũng biết lá cờ có từ khi nào và ai là người đầu tiên đã sáng tạo ra nó.  Ngược dòng lịch sử, năm 1940 lá cờ đỏ sao vàng do chiến sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (1901- 1941) vẽ mẫu nguyên thủy đã tung bay trong khởi nghĩa Nam Kỳ, để rồi sau đó đã trở thành lá cờ của Mặt trận Việt Minh. Ngày 2-9-1945, lá cờ đã xuất hiện trong buổi lễ Tuyên bố Độc lập tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội và được công nhận theo Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh. Đến năm 1955, lá cờ đã được hầu hết các nước trên thế giới công nhận và từ năm 1976, nước Việt Nam thống nhất ra đời, Quốc hội Việt Nam khóa VI đã lấy cờ đỏ sao vàng (có chỉnh sửa đôi chút) để làm quốc kỳ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ qua, lá cờ đỏ thắm với ngôi sao vàng năm cánh đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết, của lòng tin vào Đảng Cộng sản lãnh đạo, của quân và dân ta. Ý nghĩa thiêng liêng của lá quốc kỳ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là ở chỗ  nó đã ra đời trong bối cảnh một dân tộc thuộc địa đã vùng dậy làm cuộc cách mạng giành độc lập, thiết lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đã có rất nhiều câu chuyện cảm động về lá cờ thấm máu của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Mỗi câu chuyện là một huyền tích làm rung động hàng triệu trái tim người Việt Nam. Chuyện kể rằng, nhiều cán bộ chiến sĩ miền Nam bị giặc bắt phải xé quốc kỳ đã thà chết chứ không chịu xúc phạm ngọn cờ thiêng của dân tộc. Chuyện kể rằng, có một người mẹ bên cầu Hiền Lương hàng chục năm bền bỉ vá lại lá cờ rách te tua vì bom Mỹ, để nó được tung bay bên bờ sông Bến Hải như một sự khẳng định sức sống bất diệt của một dân tộc đã có hàng ngàn năm văn hiến...

Xuất phát từ ý tưởng nhắc nhở mỗi người ý thức trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc và cũng là thái độ tri ân đối với các thế hệ đã hy sinh vì Tổ quốc, ngành văn hóa thông tin Đồng Nai đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tổ chức cho cán bộ công nhân viên chức chào quốc kỳ vào sáng thứ hai hàng tuần. Đây là một đề xuất khá mạnh dạn bởi lâu nay, chỉ có học sinh các trường học mới chào cờ sáng thứ hai trước khi bước vào một tuần học mới. Tuy nhiên, sáng kiến này đã nhanh chóng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận và được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Ngày 2-9-2005, buổi chào cờ đầu tiên đã diễn ra trong dịp lễ Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Từ đó đến nay, nghi thức chào cờ buổi sáng đã được duy trì như một sinh hoạt thường kỳ của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Không chỉ thế, chào cờ mỗi buổi sáng thứ hai đã trở thành một trong những tiêu chí để công nhận cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt. Giờ  đây, nghi thức chào cờ sáng thứ hai đã được nhiều tỉnh, thành trong cả nước quan tâm, học hỏi. Điều đó cho thấy việc chào cờ Tổ quốc là phù hợp với tâm nguyện của cán bộ, nhân dân, đó cũng là nét đẹp văn hóa đáng trân trọng, là một cách để chúng ta thể hiện tình yêu Tổ quốc.  

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều