Bạn đang cầm trên tay cuốn sách của một nhà thơ - anh Hoàng Thoại Châu(*). Thời trai trẻ, anh đã từng lên rừng xuống biển, dù có khi buộc phải đi, nhưng bao giờ cũng theo nghĩa cao cả nhất của đấng làm trai. Thơ của anh, vì thế, dòng chủ đạo là thét gào, thúc giục. Cái tình trong thơ Hoàng Thoại Châu là cái tình biển nghĩa sông. Nỗi cơ cực, tủi hổ trong thơ anh là nỗi tủi hổ giống nòi. Và, cái chí là của người con trai dù phải chết nhưng vẫn cười trước họng súng quân thù.
Bạn đang cầm trên tay cuốn sách của một
nhà thơ - anh Hoàng Thoại Châu(*). Thời trai trẻ, anh đã từng lên rừng xuống biển, dù có khi buộc phải đi, nhưng bao giờ cũng theo nghĩa cao cả nhất của đấng làm trai. Thơ của anh, vì thế, dòng chủ đạo là thét gào, thúc giục. Cái tình trong thơ Hoàng Thoại Châu là cái tình biển nghĩa sông. Nỗi cơ cực, tủi hổ trong thơ anh là nỗi tủi hổ giống nòi. Và, cái chí là của người con trai dù phải chết nhưng vẫn cười trước họng súng quân thù.Lập ngôn để lập thân được như thế kể cũng đã danh tiếng lắm, dù trước nay anh chưa từng nghĩ sẽ lập thân bằng con đường văn chương. Vậy mà, bao năm nay, khi tình thế đã khác xưa, anh không làm thơ nữa. Anh gò lưng ngồi viết những bài văn xuôi, đều đặn, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, không hề mỏi mệt, dưới một bút danh mới: Ba Thợ Tiện.
Mỗi nhà văn đều có sự lựa chọn của riêng mình. Đi đến cùng của sự lựa chọn ấy đồng nghĩa với sự trả giá và lòng dũng cảm. Nhà thơ Hoàng Thoại Châu khi hóa thân thành Ba Thợ Tiện với hàng trăm tạp văn hẳn cũng đã phải trả giá, trước hết là với miền thơ của chính lòng mình.
Anh Hoàng Thoại Châu trở thành Ba Thợ Tiện đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước. Sau nhiều năm kiên trì trụ vững với NÓI HAY ĐỪNG trên báo Lao động Chủ nhật, Ba Thợ Tiện tiếp tục xuất hiện đều đặn ở các chuyên mục: Nói sương sương, Cực chẳng đã, Nghịch lý, Tréo cẳng ngỗng, Giữa đường thấy chuyện của các tờ báo: Thanh niên Thời đại, Nhà báo và Công luận, Lao động - Xã hội, Nông thôn Ngày nay... Tên gọi có thể khác, nhưng cũng chỉ một cách viết, một con người ấy.
Thực ra, Ba Thợ Tiện không chỉ đánh đổi niềm yêu thích này để đến với niềm yêu thích hay sự cần thiết khác khi chọn thể loại tạp văn. Người sáng tác, ai cũng đôi lần viết tạp văn. Có điều là, viết tạp văn không phải dễ, chỉ "những ai có đủ vốn sống và kiến thức sâu rộng, bút lực dồi dào, văn chương tinh tế, tài hoa, ý tưởng sáng rỡ, uyên thâm..." mới mong thành công.
Tạp văn là "thể văn xuôi ngắn, vừa tự sự, vừa trữ tình, vừa chính luận, cốt sao bày tỏ tư tưởng, tình cảm, thái độ của người viết một cách sắc sảo, nổi bật, gây ấn tượng cho người đọc". Vì tồn tại trước hết trên báo chí, nó gắn rất chặt với đời sống xã hội đương đại. Nói một cách hình ảnh, tạp văn sống trong dòng chảy của cuộc đời. Có khi nó là một thứ rượu được chưng cất, một thứ mật được chắc lọc. Người viết giỏi là làm sao để thứ rượu ấy không nhạt, thứ mật ấy đậm đà và quyện hương của ngàn hoa. Nhưng có khi tạp văn không phải là rượu, cũng chẳng là mật. Nó như một cây kim đâm vào xương vào thịt, nhức nhối, thậm chí đau đớn, để người ta hoặc phải giật mình, hoặc phải thảng thốt, nhớ đời !
Tạp văn của Ba Thợ Tiện đa phần là những chiếc kim ấy.
Ngày xưa, khi làm thơ, anh lăn vào giữa cuộc đời để thét gào, thúc giục. Ngày nay, viết tạp văn, anh đứng giữa cuộc đời bề bộn, ngổn ngang để nhìn ngắm, phát hiện, nghĩ suy. Cái nhiệt tình công dân, tấm lòng yêu thương tha thiết đối với đồng bào ruột thịt khiến anh cực chẳng đã phải nói về những nghịch lý, những chuyện tréo cẳng ngỗng, những chuyện chẳng đặng đừng. Làm người, ai không muốn làm vừa lòng người khác. Là nhà thơ, anh càng không muốn chạm vào nỗi đau, hay khiến người đời phải buồn. Song, biết làm sao được ! Người ta không thể vui trước nỗi mất mát của người khác, nhất là với những người dân nghèo khổ, chân chất của quê hương, đất nước mình. Người ta không có quyền cười khi danh dự của Tổ quốc bị bán rẻ, cũng như người ta không được phép giàu sang, sung sướng trên mồ hôi, nước mắt không phải của bản thân. Ba Thợ Tiện đã trả giá từng ngày cho mỗi bài tạp văn. Anh đã khiến bao người thù ghét, căm giận cho sự lên tiếng đó.
Đọc tạp văn Ba Thợ Tiện hẳn bạn nhiều lúc phát cười. Nhưng đó là cái cười ra nước mắt. Bạn ạ, con người đang khiến cho bạn cười qua từng mẩu chuyện ấy cũng đang buồn đấy. Lý do làm sao ư? Thì tôi đã lưu ý với bạn rồi, đây là cuốn sách của một nhà thơ. Ba Thợ Tiện đứng giữa đời. Anh nhìn ngắm, săm soi, rồi lên tiếng, khi nhẹ nhàng, khi cao giọng, nhưng cũng có lúc gầm gừ - cách của một người đang muốn hét lên. Anh nói, anh chất vấn, anh hét bằng tâm trạng của mình. Người ta nói, tạp văn hồn vía gần với thơ hơn văn xuôi là vì vậy. Tạp văn Ba Thợ Tiện là loại thơ trữ tình công dân, trữ tình chính luận. Mai này, giả dụ những chuyện nghịch lý, tréo cẳng ngỗng kia không còn nhưng thái độ, tình cảm của người viết vẫn hiện ra ngời ngợi tráng khí. Và, tôi tin rằng, con của bạn, rồi cháu của bạn, vẫn rất thích, rất cần tráng khí ấy.
Bạn có thể gặp trong tản văn Ba Thợ Tiện bất cứ chuyện gì đã và đang diễn ra trên đất nước này. Nghề báo đã giúp cho tác giả đi nhiều, biết nhiều. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là con mắt nhìn đời và tấm lòng của người viết. Anh tinh tường khi nhận ra những chuyện tréo cẳng ngỗng sau vẻ bình lặng hay ồn ào của cuộc sống. Song cũng khéo nhận biết để mà nâng niu những giá trị bị lẩn khuất.
Mắt Ba Thợ Tiện nhìn nhiều. Lòng Ba Thợ Tiện nghĩ lắm. Anh hóa ra người đa đoan. Bạn nghĩ, người như thế có sung sướng gì đâu ? Và, xin bạn cũng đừng trách khi chẳng đặng đừng nhưng nhiều tạp văn của Ba Thợ Tiện không lời kết thúc hay là những dấu hỏi, những dấu chấm than. Ông anh yêu quý của tôi sau khi kể cho bạn nghe những chuyện ấy mà mắt vẫn nhìn ngơ ngác và lòng thì cứ mở như thể đang đón một sự kết thúc khác mà cả anh, cả tôi và cả bạn mong ngóng, đợi chờ...
Bây giờ, xin mời bạn hãy làm quen con người kỳ quặc ấy !
Bùi Quang Huy
(*) Tạp văn Ba Thợ Tiện, Nxb. Đồng Nai, 2006. Tác giả tên thật là Huỳnh Tuyên, trưởng thành từ phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn; cựu tù chính trị Gia Định, Chí Hòa, Côn Đảo; từng đoạt giải Nhất văn chương miền Nam 1967 - 1969; sau năm 1975, công tác ở báo Tuổi Trẻ, Lao Động...