Báo Đồng Nai điện tử
En

Những cánh xương rồng khao khát trổ hoa

03:03, 07/03/2006

So với nhiều trường chuyên nghiệp khác, số sinh viên khuyết tật học ở Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai chiếm tỉ lệ cao hơn. Hầu như năm nào cũng có ít nhất 4-5 em khuyết tật vào học trong tổng số vài trăm sinh viên (SV) toàn trường. Nhìn các em khó khăn chống nạng leo lên tầng 3, tầng 4, rồi vặn vẹo người để viết, vẽ bằng tay trái... mà gương mặt vẫn tươi vui làm người ta dễ liên tưởng đến sức sống của loài cây xương rồng.

Đỗ Trần Phước Hạnh

So với nhiều trường chuyên nghiệp khác, số sinh viên khuyết tật học ở Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai chiếm tỉ lệ cao hơn. Hầu như năm nào cũng có ít nhất 4-5 em khuyết tật vào học trong tổng số vài trăm sinh viên (SV) toàn trường. Nhìn các em khó khăn chống nạng leo lên tầng 3, tầng 4, rồi vặn vẹo người để viết, vẽ bằng tay trái... mà gương mặt vẫn tươi vui làm người ta dễ liên tưởng đến sức sống của loài cây xương rồng. Năm học 2005 - 2006, trường có 6 SV khuyết tật quê ở khắp ba miền đất nước. Mỗi em một độ tuổi có hoàn cảnh xuất thân khác nhau, nhưng đều giống nhau ở điểm sống rất hòa đồng cùng tập thể và có ước mong học được một nghề để vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mình vừa để mai này có thể tự nuôi sống bản thân.

 

Đỗ Trần Phước Hạnh - SV năm 3 khoa đa truyền thông - quê ở Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Sinh ra là một cô bé bình thường, dễ thương nhưng cha mẹ nghèo, phải lo làm lụng, chăm con không kỹ nên Phước Hạnh bị suy dinh dưỡng nặng, thân hình biến dạng, lưng nổi u, chân tay khẳng khiu. Lúc nhỏ, em vô tư nhưng khi đi học, bị bạn bè trêu học, em mới biết buồn và thèm được bình thường như các bạn. Năm lên 7 tuổi, hai nỗi buồn ập đến với Phước Hạnh, cha mất và ca mổ cuối cùng ở Trung tâm chấn thương chỉnh hình bị nhiễm trùng đã chấm dứt hy vọng thân hình của em trở lại bình thường. Lúc sinh thời, cha Hạnh yêu văn chương, đọc nhiều sách và dạy Hạnh tập viết, vẽ nên đã gieo mầm tình yêu nghệ thuật trong Hạnh. Tình yêu ấy lớn lên để tới lớp 12, Hạnh không đắn đo khi quyết định thi vào Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Niềm vui là SV năm thứ nhất chẳng được trọn vẹn vì mẹ lại ra đi mãi mãi, để hai chị em Hạnh cho bà nội. Vượt qua bao khó khăn để theo đuổi ước mơ của mình, nay Hạnh sắp ra trường. Ngoài chuyên môn là đồ họa truyền thông đa phương tiện, Hạnh còn bay bổng trong thế giới của thơ ca và truyện ngắn.

Cùng khóa với Hạnh nhưng khác khoa, Võ Kim Hợp (quê ở tỉnh Quảng Ngãi) là một chàng trai có vẻ mặt thật lãng tử. Rủi ro đến mới Hợp khi em với được 2 tuổi: Một cơn sốt bại liệt đã khiến toàn thân em bất động. Gia đình chạy chữa bằng mọi cách nên sau một thời gian, chỉ còn đôi chân phải nhờ đến nạng. Hợp sống hòa đồng với mọi người có ý chí vươn lên thực hiện những khát vọng của mình. Học thiết kế đồ họa, thích báo chí và yêu hội họa. Hè năm trước, Hợp và một người bạn cùng lớp được tham gia vào đội ngũ họa sĩ của Phan Thị - Công ty mỹ thuật đi đầu trong cả nước về xuất bản truyện tranh dành cho thiếu nhi, nổi tiếng với bộ "Thần đồng đất Việt". Năm học này là năm cuối, ngoài lo chuyện bài vở hợp vẫn tiếp tục sáng tác, hy vọng tốt nghiệp xong, công ty sẽ nhận lại và Hợp có ngay một công việc để từ nuôi mình.

Cũng phải mang nạng bên người nhưng Phạm Đăng Huynh ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) lại bị tháo khớp chân phải. Huynh kể về tai nạn khủng khiếp của mình:

Phạm Đăng Huynh

 Năm 1999, lúc đang học lớp 11, do một tai nạn bất ngờ, Huynh được đưa vào trung tâm chấn thương chỉnh hình nằm điều trị suốt một năm trời rồi cuối cùng phải tháo khớp chân với tỷ lệ thương tật tới 70%. Huynh buồn ghê gớm nhưng không thể khóc vì nhìn thấy những giọt nước mắt của ba mẹ - những người nông dân nghèo khó - thương con đến héo hắt. Trở lại trường với đôi nạng, Huynh cố gắng dẹp nỗi buồn, hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Yêu thích vẽ từ nhỏ, lúc này Huynh thấy học mỹ thuật ứng dụng là phù hợp với sức khỏe của mình nhất. Hiện Huynh đang học năm thứ 2 khoa thiết kế đồ họa. Năm thứ nhất cả hai học kỳ Huynh đều được học bổng.

Cùng lớp và cùng tuổi với Huynh là Nguyễn Văn Chuynh, quê Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình). Năm lên 2 tuổi, Chuynh bị sốt bại liệt, di chứng để lại là cánh tay phải không cử động bình thường được nữa, gân bàn tay phải co rút. Tốt nghiệp phổ thông, Chuynh thi vào Trường cao đẳng sư phạm nhạc - họa trung ương (Hà Nội) nhưng không được nhập học vì lý do sức khỏe. Năm sau, Chuynh lại đậu thủ khoa hệ trung cấp văn hóa nghệ thuật Đắc Lắc. Học được một năm nhưng em muốn vươn lên ở cấp cao hơn nên quyết định thi vào Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Cuộc sống bộn bề khó khăn không ngăn nổi ý chí của chàng trai hiền lành, chân chất ra đi từ vùng lúa của đồng bằng sông Hồng. Ngoài học tập, thỉnh thoảng Chuynh vẫn nhận làm thêm công việc gắn với nghề nghiệp của mình. Vừa qua, Chuynh đạt giải khuyến khích sáng tác logo cho cục Quân nhu.

Bùi Anh Tuấn

Nhỏ tuổi nhất, khuyết tật nặng nhất là Bùi Anh Tuấn, quê Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Ba làm nghề mộc, mẹ vừa nội trợ vừa giúp việc cho ba. Mới 6 tháng, Tuấn bị sốt bại liệt toàn thân. Tuấn kể: "Trước đây em phải "đi" bằng hai chân hai tay, nhảy như con cóc ấy. Đến năm lớp 9, may mắn các bác sĩ của Hội Từ thiện Nhật Bản đã mổ miễn phí cho em, từ đó em mới đi được". Tuy vậy, Tuấn vẫn còn khó khăn hơn người bình thường rất nhiều: bước đi xiêu vẹo, tay phải co rút, mắt một bên vừa lệch vừa loạn thị. Tuấn làm quen với mỹ thuật từ những hình chạm khắc trên đồ gỗ của ba, dần mê mỹ thuật lúc nào không hay. Kỳ thi tuyển sinh năm 2005, Tuấn đạt điểm rất cao (39,5/50), trong top 10 người đứng đầu. Tuấn hòa nhập với cuộc sống mới rất nhanh. Em cười hiền lành: "Ở trường phổ thông, em sống lặng lẽ, ít bạn nhưng từ khi vào trường (MTTT) thấy vui hơn, thấy yêu cuộc sống hơn". Tuấn sống hòa đồng với mọi người, cần cù, chất phác nên ai cũng thương. Luôn khao khát vươn lên, trong ước mơ của mình Tuấn nghĩ tới bậc đại học.

Lớn tuổi nhất là Trần Trọng Quốc Hùng. Anh đang công tác tại báo Bình Thuận, nhân viên phòng vi tính. Để nâng cao tay nghề, được cơ quan đồng ý Hùng thi vào hệ vừa học vừa làm khoa thiết kế đồ họa.

Sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng một tai nạn xảy ra ngay trong nhà trẻ khi mới 2 tuổi khiến Hùng bị chấn thương sọ não, để lại di chứng liệt nửa người bên phải. Nhờ cha mẹ đều làm việc trong bệnh viện tỉnh nên Hùng được chữa chạy kịp thời và kiên trì luyện tập nên sức khỏe dần hồi phục. Hiện Hùng chỉ còn đi đứng khó khăn và phải viết bằng tay trái. Thi đậu vào Trường đại học thủy sản Nha Trang nhưng sức khỏe yếu nên Hùng lại phải nghỉ ở nhà. Năm sau Hùng tự ôn và thi đậu vào khoa Toán - Tin (đại học Đà Lạt). Tốt nghiệp đại học, Hùng được báo Bình Thuận tiếp nhận. Và nay anh đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Lan Hương

Tin xem nhiều