Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên góp sức trồng cây,trồng người ở đồi Lá Giang

09:03, 17/03/2006

Có đi hết con đường đất đỏ lởm chởm, gồ ghề dài 7km, từ quốc lộ 51 (đoạn đặt trụ sở UBND xã Phước Tân, huyện Long Thành) vào đến cuối ấp Tân Cang mới thấy suy nghĩ của Thượng tọa Thích Bửu Chánh khi quyết định hiến 5.000m2 đất của Thiền viện Phước Sơn để xây trường học là hoàn toàn hợp lý.

Thượng tọa tiến sĩ Thích Bửu Chánh bên những cây dầu trồng đã trên 7 năm tuổi ở đồi Lá Giang.

Có đi hết con đường đất đỏ lởm chởm, gồ ghề dài 7km, từ quốc lộ 51 (đoạn đặt trụ sở UBND xã Phước Tân, huyện Long Thành) vào đến cuối ấp Tân Cang mới thấy suy nghĩ của Thượng tọa Thích Bửu Chánh khi quyết định hiến 5.000m2 đất của Thiền viện Phước Sơn để xây trường học là hoàn toàn hợp lý. Vị thượng tọa 45 tuổi, có học vị Tiến sĩ Phật học thuộc vào hạng hiếm hoi của hệ phái Phật giáo Nam tông (Theravàda) cho biết: "Tân Cang là ấp xa nhất của xã Phước Tân lại đông dân mà hầu hết đều nghèo nên những năm trước đây số học sinh theo học được đến trung học rất ít. Những em hiếu học phải lặn lội ra tận ấp Đồng (trung tâm xã) để học. Các em đi học rất cực, thường xuyên đối mặt với chuyện nắng bụi mưa lầy. Do đó, khi nghe chính quyền có chủ trương mở trường học ở Tân Cang, tôi ủng hộ ngay. Tuy rằng việc hiến 5.000m2 đất để xây trường trong đó có bề mặt là 50m mặt tiền nằm trên con đường liên huyện Trảng Bom - Long Thành được mở rộng và trải nhựa nâng giá trị sử dụng đất lên rất cao bị một số bà con Phật tử tiếc của, chưa đồng tình lắm!". Nay thì ngôi trường THCS Phước Tân 2 khang trang bề thế ra đời. Đứng bên kia là đồi Lá Giang nơi Thiền viện Phước Sơn tọa lạc đã được 36 năm. Vị thượng tọa trụ trì đương nhiệm tỏ ra hoan hỉ với thành quả công việc mà mình đã làm: Tương lai của vùng đất xa xôi này đang được mở rộng bởi mấy trăm học sinh là con em của đồng bào Tân Cang đang ngày hai buổi tíu tít đến đường. Đóng góp cho việc đào tạo nguồn lực của tương lai này có vai trò tích cực của Thiền viện Phước Sơn.

Có thế danh là Lê Hà, sinh năm 1961 ở vùng quê nghèo Bình Định, tu sĩ Bửu Chánh đã từng lưu lạc, tìm kế mưu sinh ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Năm 1974, mới 13 tuổi chàng thiếu niên Bình Định này thí phát quy y tại một ngôi chùa ở Gò Vấp - Sài Gòn. Thông minh, đỉnh tuệ, tăng sinh Bửu Chánh được nhà chùa cho đi học văn hóa, hết trung học lên đại học. Ngoài việc hoàn thành chương trình cao cấp Phật học, Bửu Chánh còn tốt nghiệp khoa Sử - Đại học Khoa học  xã hội nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Năm 1995, nhà sư Bửu Chánh được tuyển chọn sang Ấn Độ tu học. Năm 2004, tu sĩ Thích Bửu Chánh hoàn thành luận án Tiến sĩ Phật học. Xuất thân trong hoàn cảnh nghèo khổ và khi xuất gia rồi vẫn tập trung mọi nỗ lực vào việc tu học nên Thượng tọa Thích Bửu Chánh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo nhất là ở vùng xa nghèo như Tân Cang. Thượng tọa Bửu Chánh còn cho rằng việc mình quyết định hiến 5.000m2  đất để cất trường học nhằm góp phần "trồng người" còn đáp ứng với nguyện vọng của cố Hòa thượng Thích Giới Nghiêm (nguyên Tăng thống hệ phái  Phật giáo Nam tông Việt Nam) - nhà chân tu đã có công khai phá ngọn đồi Lá Giang nằm giữa chốn hoang vu này từ năm 1970 để khởi công xây dựng thành một trung tâm Thiền Tứ Niệm Xứ Vipassanà (Thiền viện Phước Sơn ngày nay). Và quả thế, trong mấy năm vừa qua, thiền viện Phước Sơn đã trở thành nơi tu học tập trung trong 3 tháng an cư mùa mưa  cho toàn thể chư tăng, tu nữ hệ phái Nam Tông. Thượng tọa Tiến sĩ Thích Bửu Chánh - Phó tổng thư ký kiêm giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, trụ trì Thiền viện Phước Sơn còn là trưởng ban chức sự (hiệu trưởng  Trường Hạ này).

Chuyện tham gia "trồng người" cả trong đạo lẫn ngoài đời ở Thiền  viện Phước Sơn là vậy còn chuyện trồng cây trên ngọn đồi rộng đến 30 hécta này cũng khá hay. Tiếp nối truyền thống khai phá đất rừng để trồng cây lương thực tự túc, bảo đảm ổn định đời sống cho người tu tập thiền định của cố Thiền sư Thích Giới Nghiêm, năm 1984 được giao trụ trì, đại đức Thích Bửu Chánh bắt đầu tổ chức việc trồng cây gây rừng trên ngọn đồi Lá Giang. Gần 10 hécta tràm bông vàng, bạch đàn được 30 chư tăng, tu nữ ra sức trồng ngày ấy đã trải  ra một màu xanh trên ngọn đồi bạc màu. Mấy năm qua, việc khai thác gỗ,  củi theo hình thức tỉa thưa đã mang đến cho Thiền viện một khoảng thu nhập đáng kể. Bên cạnh đó  hàng  chục hécta điều được thu hoạch hàng năm đã giúp cho Thiền viện có được một ngân khoản quan trọng để thực hiện nhiều công tác từ thiện, xã hội. Từ hai năm nay, hàng tháng Thiền viện Phước Sơn đều ủng hộ cho bếp ăn từ thiện của bệnh viện đa khoa Long Thành 100 suất cơm. Ngoài việc khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, vào những dịp lễ, Tết..., các tu sĩ của Thiền viện Phước Sơn còn kết hợp với Mặt trận, chính quyền xã Phước Tân phát gạo, tặng quà cho thầy cô giáo, người nghèo.

Trong việc trồng rừng, bên cạnh việc trồng các loại cây có độ che phủ nhanh, chu kỳ khai thác ngắn, từ năm 1999 Thiền viện đã đưa vào trồng thử 5.000 cây dầu. Đến nay, những cây dầu 7 tuổi này đang phát triển nhanh. Năm rồi, Thiền viện còn đưa vào xen xanh với tràm 3.000 cây dó bầu (trầm hương).

Lê Biên Hùng

 

Tin xem nhiều