Báo Đồng Nai điện tử
En

Bóng dáng những người anh hùng

09:03, 11/03/2006

Liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau gần 40 năm, cuộc chiến đấu anh hùng của chị và tập thể thầy thuốc, nhân viên bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi lại được sống lại và nhiều người biết đến.

Liệt sĩ bác sĩ Đặng Thùy Trâm vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau gần 40 năm, cuộc chiến đấu anh hùng của chị và tập thể thầy thuốc, nhân viên bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi lại được sống lại và nhiều người biết đến. Không là hiếm những tấm gương anh hùng dũng cảm trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhưng trường hợp của anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm thì khá đặc biệt. Sau 30 năm, chiến tranh, bom đạn, thương đau đã lui về dĩ vãng, có người dường như đã quên đi những ngày tháng cam go và oanh liệt, hào hùng ấy. Do một cơ duyên, đúng hơn là do ánh sáng của chất men say lý tưởng cao đẹp, của lòng yêu nước thiết tha, của một tâm hồn bình dị, trong sáng, một tính cách cương nghị, một lòng thủy chung như nhất, ánh sáng của chính nghĩa mà những cuốn nhật ký của chị, viết riêng cho chị nhưng lại điển hình, đại diện cho cả một thế hệ thanh niên anh hùng xả thân chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những dòng nhật ký mang ánh sáng của lương tri, của chất người ấy đã thức tỉnh phần lương tri của những người lính bên kia chiến tuyến và chính họ đã giữ gìn như một báu vật, rồi tìm cách cho nó xuất hiện được đông đảo mọi người biết đến.

Gần 40 năm sau ngày chị hy sinh, những dòng nhật ký thủ thỉ tâm sự với chính mình của chị lại bừng sáng làm say mê hàng triệu trái tim đủ các lứa tuổi, màu da. Riêng ở Việt Nam, con số xuất bản đã lên đến hàng trăm ngàn bản, hàng triệu bạn đọc. Cuộc đời anh hùng của chị và tấm gương của hàng ngàn, hàng vạn những con người anh hùng khác vẫn nói với ngay hôm nay về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, về lẽ sống làm người, sống có mục đích, có lý tưởng, hiên ngang, bất khuất, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Vấn đề nghe như là lên gân, là sách vở, là xưa cũ, vẫn nguyên vẹn sự hấp dẫn đối với các thế hệ ngày hôm nay.

Năm 2005 là năm xuất hiện bừng rộ những cuốn nhật ký của các liệt sĩ được viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các liệt sĩ ấy khi hy sinh còn rất trẻ. Họ được nhà trường đại học của chế độ mới trang bị kiến thức để trở thành những nhà khoa học, những kỹ sư, bác sĩ v.v... Họ là những thanh niên ưu tú nhất về mặt trí tuệ, tương lai rộng mở, nhiều hứa hẹn. Nhưng họ đã nhẹ nhàng bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù vì sự tồn vong của dân tộc, vì lẽ sống làm người. Với Đặng Thùy Trâm cũng vậy. Chị có thể có một chỗ làm việc phù hợp ở hậu phương, có điều kiện phát triển về mặt chuyên môn, có một gia đình. Nhưng chị đã chọn con đường xung phong ra mặt trận. Đất Quảng: Quảng Nam, Quảng Ngãi những năm 1967 - 1968 là chiến trường ác liệt nhất, khó khăn gian khổ nhất. Đối với cuộc sống của những nữ chiến sĩ lại càng khó khăn, khắc nghiệt biết chừng nào. Nhưng gian lao tôi luyện chí anh hùng. Hai năm ở chiến trường Quảng Ngãi, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã sống trong đùm bọc của nhân dân, cùng đồng đội tổ chức cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu kiên cường, bền bỉ, hết lòng phục vụ nhân dân với tinh thần của một thầy thuốc cách mạng.

Cuộc sống chiến đấu cao đẹp của chị và đồng đội nhờ có cuốn nhật ký ghi lại được phần nào. Những trang chữ thấm đẫm máu, nước mắt, bùn đất, sạm nhòe khói đạn nói với chúng ta những điều bình thường mà cao cả. Những con người không hề nghĩ mình là anh hùng, chiến đấu hy sinh như một quy luật, một lẽ tự nhiên khi giặc thù ngoại bang xéo dày non nước.

Cái đẹp ở đâu và bao giờ cũng có giá trị chung. Không riêng gì người phiên dịch quân đội Sài Gòn và hai người lính Mỹ trân trọng giữ gìn mà nhật ký Đặng Thùy Trâm khi được dịch ra tiếng Anh và xuất bản đã nhận được sự thán phục, đồng cảm của bạn đọc ở chính nước Mỹ và những nước không cùng chế độ chính trị với ta. Nhiều trí thức, thanh niên, nhiều người dân bình thường của các nước khác soi mình trên những trang nhật ký Đặng Thùy Trâm để tìm ra một lẽ sống, nghiêng mình trước cái cao cả, cái đẹp của một tấm gương anh hùng, một tâm hồn, một nhân cách Việt Nam.

***

Hôm nay với những thành quả của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thành quả của sự nỗ lực vươn mình của một dân tộc quyết chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, cuộc sống đã có những bước tiến về đời sống vật chất, tiện nghi. Nhưng cuộc sống không chỉ là cơm áo, là những hưởng thụ vật chất. Nếu chỉ có vậy sẽ tẻ nhạt, tầm thường biết chừng nào. Và, cũng không bao giờ có sự đứt đoạn giữa cái dáng ngẩng cao đầu của những ngày oanh liệt hôm qua với dáng đứng của ngày hôm nay. Không có sự đứt đoạn của lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Cũng không phải để giữ vững độc lập tự do, xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh không cần những cống hiến hy sinh, không cần xả thân vì nghĩa lớn. Bóng dáng của những người anh hùng của ngày hôm qua như vẫn hiện hữu, vẫn tỏa bóng chói ngời vào ngày hôm nay, góp phần nảy nở những anh hùng của ngày hôm nay, những cái đẹp của cuộc sống hôm nay. Và tầm vóc của dân tộc ngày hôm nay do chính những con người của ngày hôm nay quyết định nhưng trên cái nền vững chắc của ngay hôm qua lẫm liệt. Xin được đọc lại một câu thơ Tố Hữu: "Việt Nam ơi máu và hoa ấy. Có đủ mai sau thắm những ngày"

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều