Báo Đồng Nai điện tử
En

"Ngũ Long Công chúa" đoạt giải sáng tác văn học nghệ thuật Đồng Nai

03:02, 17/02/2006

Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật do Hội VH-NT Đồng Nai tổ chức trong hai năm (2004-2005) đã kết thúc với một điều khá bất ngờ: trong số 125 tác giả dự thi với 445 bài thơ, 80 ca khúc, trên 40 truyện ngắn, ký, 5 người đoạt giải cao nhất đều thuộc về phái đẹp.

Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật do Hội VH-NT Đồng Nai tổ chức trong hai năm (2004-2005) đã kết thúc với một điều khá bất ngờ: trong số 125 tác giả dự thi với 445 bài thơ, 80 ca khúc, trên 40 truyện ngắn, ký, 5 người đoạt giải cao nhất đều thuộc về phái đẹp. Trong "Ngũ Long Công chúa" đoạt giải, trừ Thanh Thúy đã ở cuối tuổi "băm", còn lại đều mới qua tuổi ô-mai. Cả 4 cô gái trẻ đều là thành viên của bút nhóm Dưới mái trường và đều đã  đoạt giải thưởng Bút hồng do tập san Dưới mái trường trao tặng. Đây cũng là tín hiệu vui cho phái nữ trên cánh đồng văn chương - mảnh đất vốn đã chồng chéo dọc ngang vô số đường cày của các thế hệ đi trước.

 

Thanh Thúy

Thanh Thúy: Giải nhì Truyện ngắn (không có giải nhất)

 

Có lẽ còn ít người biết nhà báo nữ này vốn xuất thân từ Công ty may Đồng Tiến. Vì mê viết báo quá mà năm 2000, cô bỏ phòng kỹ thuật của công ty may, đầu quân về báo Lao động Đồng Nai. Sự lựa chọn của Thanh Thúy đã  khiến người cha (vừa qua đời) vốn là cựu giáo viên Trường chuyên Lương Thế Vinh lo lắng đến mất ăn, mất ngủ, cho đến khi cô đoạt giải 3 Ngòi viết vàng - giải báo chí Đồng Nai năm 2004, ông mới tạm an tâm. Không chỉ mê viết báo, Thanh Thúy còn viết văn. Cô viết ào ào, dễ dàng như... ăn cơm, có lẽ vì thế mà văn Thanh Thúy chưa thật gây ấn tượng. Tuy nhiên, truyện ngắn "Chuyện làng xóm" của cô có thể coi là một sự bứt phá. Câu chuyện xoay quanh sự hiểu lầm giữa hai ông bạn già, hai người đồng chí, được Thanh Thúy miêu tả bằng giọng văn mộc mạc, rặt Nam bộ khiến người đọc thấy thú vị. Nhà văn Lê Văn Thảo nhận xét: Văn của Thanh Thúy chân thật, giản dị và rất có tình. Trong số những tác phẩm văn xuôi dự thi, truyện ngắn của cô  trội hơn nên đã  giành được giải nhì (không có giải nhất).

 

Đinh Nga: Giải ba Bút ký

 

Đinh Nga

Ở ngoài đời, cô gái nhỏ xíu này trông như một nữ sinh lớp 11-12. Nhưng thật ra, cô đã tốt nghiệp khoa báo chí Trường đại học KHXH & NV và hiện đang làm việc ở tòa soạn tập san Dưới mái trường. Ngoài làm báo học trò,  Đinh Nga còn có thể sáng  tác thơ - văn bằng nhiều "giọng" khác nhau, giọng nào cũng lưu loát. Tập truyện "Lá vỡ" đầu tay của cô viết về tuổi mới lớn đã được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2005. Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi thơ Bút mới, Đinh Nga không thi, chỉ gửi bài đăng báo, nào ngờ nhà thơ Nguyễn Thái Dương thấy bài thơ ... dễ thương quá, bèn tự động đưa vào cuộc thi. Kết quả là bài thơ của Đinh Nga đã đoạt giải khuyến khích. Ở cuộc thi lần này do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức, Đinh Nga dự thi  với bút ký "Ánh sáng từ bàn tay", viết về thầy giáo khiếm thị Phạm Văn Sim. Câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người này đã giúp cô đoạt được giải 3.

 

Tạ Thanh Lan: Giải nhì Thơ (không có giải nhất)

 

Tạ Thanh Lan

Cô gái này khá đa tài: hát hay, hiện đang là lớp trưởng lớp đồ họa Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, lại thêm khiếu thơ ca khá nổi bật. Vốn là học sinh cũ  của huyện Thống Nhất, Thanh Lan được nhà văn Khôi Vũ phát hiện do cô thường xuyên gửi thơ cho tập san Dưới mái trường. Năm 2005, cô họa sĩ tương lai  đã đoạt giải nhì cuộc thi thơ "Bút mới" do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tại cuộc thi do Hội VHNT Đồng Nai phát động, Thanh Lan tham gia 2 tác phẩm "Trước sông" và "Thơ cho cổ tích". Hai bài thơ: một viết theo thể tự do, một viết theo thể lục bát đều thể hiện năng lực sáng tạo, sự tìm tòi mới mẻ của Tạ Thanh Lan. Nhờ vậy mà cô đã đoạt giải nhì (không có giải nhất), vượt qua nhiều cây bút thơ có "thâm niên" ở Hội VHNT Đồng Nai. Bạn bè,  thầy cô ở Trường cao đẳng mỹ thuật Đồng Nai nhận xét, dù đa tài nhưng Thanh Lan sống rất nghiêm túc, gương mẫu, được mọi người quý trọng. Cô sẽ còn tiến xa trên hành trình văn chương.

 

Lê Mạc Vỵ: Giải ba Thơ

 

Cô gái có cái tên là lạ này hiện đang là sinh viên Trường đại học kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Ở ngoài đời, cô thu hút người khác bằng ngoại hình khá xinh xắn và cách nói năng lưu loát, phong thái linh hoạt. Lê Mạc Vỵ cũng làm thơ từ hồi còn là học sinh của Trường PTTH Thống Nhất B (huyện Thống Nhất). Nét đặc biệt của cô là người rất trẻ nhưng thơ  rất... già dặn, chững chạc. Ngay từ lúc  còn sinh hoạt ở bút nhóm Dưới mái trường, những bài thơ của cô đã thể hiện cách suy nghĩ, lập luận về cuộc đời, về nhân thế rất chững chạc, chẳng kém gì các nhà thơ gạo cội. Lên đại học, cũng như nhiều cây  bút trẻ khác, Lê Mạc Vỵ chuyển sang viết... thơ tình. Bài thơ "Vu lan đất" Mạc Vỵ chọn thi lần này được nhà thơ Nguyễn Duy khen viết rất chắc tay, nhờ vậy mà đã đoạt được giải 3. Khác với các bạn ở bút nhóm Dưới mái trường như Thanh Lan, Đinh Nga thử tài ở cả văn xuôi và thơ, Lê Mạc Vỵ chỉ chung thủy với thơ và xem ra, cô sẽ còn gặt hái được thành công ở thể loại này.

 

Đào Nguyên Thảo: Giải ba Thơ

 

Đào Nguyên Thảo

Bên cạnh Thanh Lan, Mạc Vỵ, Đinh Nga, Đào Nguyên Thảo tỏ ra không "kém cạnh". Cô tham gia viết báo Dưới mái trường từ khi còn là học sinh lớp 11 Trường THPT Long Thành và dường như không hề vắng mặt ở tất cả các số báo. Tài thơ của Nguyên Thảo cũng phát lộ và trưởng thành cùng với tuổi đời của cô. Hiện nay Nguyên Thảo là sinh viên năm thứ 2 khoa tiếng Nga  Trường đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Cuộc thi do Hội VHNT Đồng Nai tổ chức lần này, Nguyên Thảo gửi đến bài thơ "Cuối đêm". Đây là bài thơ có cách thể hiện mới lạ so với thơ Đồng Nai lâu nay. Nguyên Thảo viết chắc và "có nghề" đến nỗi nhà thơ Nguyễn Duy rất tâm đắc, dự kiến trao giải nhì cho cô. Nhưng cũng chính vì sự "có nghề" của Nguyên Thảo mà Ban giám khảo đâm ra băn khoăn, không biết có chắc là tác giả viết  hay không? Rốt cuộc, để khỏi áy náy, Ban giám khảo hay lo xa bèn ... đưa bài thơ của Nguyên Thảo xuống giải 3 cho ... chắc ăn.

Năm cô gái mỗi người một cá tính sáng tạo nhưng đều đem đến cho cuộc thi những vẻ đẹp mới mẻ, tinh khôi. Họ đã làm cho văn đàn Đồng Nai lấp lánh một thứ ánh sáng mới, trẻ trung, nồng ấm và đầy "nữ tính". Hy vọng cả 5 cây bút nữ đoạt giải lần này sẽ còn gặt hái được những mùa vàng bội thu trên cánh đồng văn chương.

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều