Ở khu cư xá Phúc Hải, KP4, phường Tân Phong (TP. Biên Hòa), có một cựu chiến binh đã từng vinh dự tham gia bảo vệ đồng chí Phạm Văn Đồng tại quê nhà Quảng Ngãi trong những ngày đầu khi CMT8 năm 1945 thành công. Đó là ông Phan Tiến Đức, còn gọi là ông Sáu Đức cư ngụ tại căn nhà số 15F mà nhiều người dân ở đây đã biết rõ.
Ở khu cư xá Phúc Hải, KP4, phường Tân Phong (TP. Biên Hòa), có một cựu chiến binh đã từng vinh dự tham gia bảo vệ đồng chí Phạm Văn Đồng tại quê nhà Quảng Ngãi trong những ngày đầu khi CMT8 năm 1945 thành công. Đó là ông Phan Tiến Đức, còn gọi là ông Sáu Đức cư ngụ tại căn nhà số 15F mà nhiều người dân ở đây đã biết rõ.
Ông Đức sinh ra, lớn lên tại tỉnh Quảng Ngãi, quê hương có truyền thống cách mạng kiên cường và tham gia phong trào cách mạng khi mới 16 tuổi. Cho đến năm 1944, chàng thanh niên 17 tuổi này đã chính thức gia nhập quân đội và tham gia cùng đơn vị khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945 ngay tại quê nhà. Ông là người hoạt động rất tích cực trong các phong trào và xông xáo trên nhiều lĩnh vực nên được biểu dương khen thưởng nhiều lần. Năm 1946, chàng thanh niên ấy được tổ chức phân công đảm nhận một trọng trách đặc biệt: bảo vệ đồng chí Phạm Văn Đồng khi ông còn hoạt động tại Quảng Ngãi.
Một kỷ niệm sâu sắc mà đến nay ông Đức còn nhớ mãi đó là đồng chí Phạm Văn Đồng làm việc rất khuya trong căn nhà lá đơn sơ, thế nhưng nhà cách mạng lão thành vẫn lạc quan cách mạng. Giai đoạn này còn thiếu thốn, đồng chí Phạm Văn Đồng thường ăn cơm chung với đơn vị và thường chờ anh em đi công tác về đủ mới cùng nhau ăn, có khi đến tận 9-10 giờ tối. Đồng chí Phạm Văn Đồng thường xuyên quan tâm thăm hỏi đời sống của anh em và chỉ qua một lần tiếp xúc, ông đã nhớ tên từng người lính và cả đơn vị. Riêng ông Đức đã tiếp thu được rất nhiều đức tính tốt của nhà cách mạng lão thành, nhất là sự thẳng thắn trong phê bình, chỉ rõ những mặt yếu để cấp dưới nhận ra và khắc phục sửa chữa.
Năm 1995 được tin ông ở Biên Hòa, đồng chí Phạm Văn Đồng đã gọi điện thăm hỏi và đề nghị ông ra thăm. Sau gần 45 năm xa cách gặp lại, tình cảm thắm thiết của vị lãnh tụ vừa là người thầy đã làm ông không cầm được nước mắt.
Sau khi tiễn đồng chí Phạm Văn Đồng ra Bắc công tác, ông Đức trở về đơn vị và được cử đi học trường Lục quân, rồi 1954 ông tập kết ra Bắc tại E45 là Trung đoàn độc lập đóng quân trên vùng Tây Bắc. Năm 1959, ông được điều động về sư 316 và nhận làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Trong thời gian công tác trên đất bạn Lào từ 1959-1968 ông là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn đóng quân bên dòng sông Nậm Rơm, thuộc huyện Hứa Muồn, bản Nậm Tạt, tỉnh Sầm Nưa. Đây là vùng cơ sở trắng của cách mạng Lào. Suốt 9 năm xây dựng cơ sở chính trị cho nước bạn, ông cùng đơn vị đã xây dựng được vùng căn cứ cách mạng Lào với 17 đảng viên trong chi bộ đầu tiên làm nòng cốt để phát triển sau này. Trong đó có những đảng viên đã được trui rèn trong chiến đấu, thấm nhuần Chủ nghĩa cộng sản, nay đảm nhiệm cấp bộ trưởng của nước Lào.
Một kỷ niệm ông nhớ khá kỹ, đó là trận đánh vào sân bay Mường Hiềm, một căn cứ trọng yếu của bọn thổ phỉ Vàng Pao, tự xưng là Vua Mèo. Với trận đánh này, quân dân Lào đã bắn hạ được máy bay của Vàng Pao, làm cho hắn bị thương phải chạy sang biên giới Thái Lan. Chiếc Huân chương ISALA cao quý của nước Lào dành tặng cho ông là một kỷ niệm và cũng xác nhận công lao của những chiến sĩ cách mạng Việt
Hoàn thành xong nhiệm vụ quốc tế, năm 1968, ông Đức trở về nước và tiếp tục tham gia chiến trường B5. Với những trận đánh tại chiến trường Đường 9, Khe Sanh, tạo bước ngoặt để đoàn quân ta tiến về giải phóng miền Nam 1975, đơn vị cuối cùng mà ông đặt chân đến là đơn vị N750, tổng kho Long Bình và năm 1979 ông Đức về hưu.
***
Giờ đây, người xưa đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, còn lại người cựu chiến binh vẫn luôn noi theo tác phong của người thầy, người cha cao cả và mong muốn cho thế hệ ngày nay luôn được rèn luyện học tập những đức tính ấy của những nhà cách mạng lão thành. Đối với ông, trong cuộc đời 35 năm binh nghiệp, được phân công trọng trách bảo vệ "một yếu nhân" là vinh dự lớn của một người lính!
Huỳnh Hiệp (Đài TT Biên Hoà)