Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Phước Tân:
Qua rồi những ngày gian khó

10:02, 23/02/2006

Nằm cách quốc lộ 51 gần 10km, khu Nùng là vùng sâu, vùng xa của ấp Tân Cang, xã Phước Tân (huyện Long Thành). Toàn khu Nùng có 50/74 hộ người dân tộc Tày và Nùng. Trước đây, khu Nùng là một trong những địa bàn dân cư khó khăn nhất của Phước Tân. Thế mà 3 năm gần đây, khu Nùng đã có những chuyển biến đáng mừng. Trong khu không còn hộ nào thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Đời sống của bà con đang trở nên khấm khá.

Nhờ nuôi bò mà gia đình anh Sú A Sập thoát nghèo.

Nằm cách quốc lộ 51 gần 10km, khu Nùng là vùng sâu, vùng xa của ấp Tân Cang, xã Phước Tân (huyện Long Thành). Toàn khu Nùng có 50/74 hộ người dân tộc Tày và Nùng. Trước đây, khu Nùng là một trong những địa bàn dân cư khó khăn nhất của Phước Tân. Thế mà 3 năm gần đây, khu Nùng đã có những chuyển biến đáng mừng. Trong khu không còn hộ nào thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Đời sống của bà con đang trở nên khấm khá.

Cách đây 10 năm, cuộc sống của bà con ở đây còn rất khó khăn. Sản xuất nông nghiệp chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Đường xá thì lầy lội, khó đi. Để vào được khu Nùng phải đi qua cây cầu tình thương nhỏ, hẹp mà mùa nước lũ đã từng có nhiều người bị cuốn trôi... Vì vậy mà chuyện học của con em người Nùng, người Tày ở đây cũng rất vất vả.

Để phát triển kinh tế gia đình, bà con trong khu đã tham gia các lớp học khuyến nông do Hội Nông dân xã tổ chức. Trong khu còn có một số cá nhân tham gia vào Hội Nông dân xã để kêu gọi và vận động người dân sản xuất theo mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Ở trên đồi cao và những vùng đất pha cát, người dân đều tận dụng để trồng rừng tràm kết hợp với trồng mì. Trên thực tế, có đến 3/4 diện tích đất của khu (khoảng 500 hécta) đã được phủ xanh. Đây là một mô hình kinh tế có hiệu quả, một năm thu hoạch từ mì khoảng 10 triệu đồng/hécta; 3 năm thu hoạch từ rừng khoảng 20 triệu đồng/hécta. Vì vậy, ở đây gia đình nào có đất đồi đều đầu tư trồng rừng và xen canh mì. Ông Nguyễn Văn Sót, trưởng ấp Tân Cang phấn khởi: "Khu Nùng không còn đất trống đồi trọc như 10 năm về trước, trồng rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn chống xói mòn và bảo vệ nguồn nước tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng".

Quả thực như thế, nhờ có nguồn nước dồi dào quanh năm nên việc trồng trọt của bà con rất tiện lợi. Ngoài trồng những giống lúa có năng suất cao, người dân trong khu còn kết hợp canh tác hoa màu như: đậu bắp, khổ qua, mướp... ở những vùng đất đồi, cát... để lấy ngắn, nuôi dài. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi rất phổ biến trong khu. Tính trung bình mỗi hộ đều nuôi từ 2-3 con trâu, bò. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ nuôi bò. Điển hình như gia đình anh Sú A Sập, với vốn vay mượn ban đầu chỉ có 30 triệu đồng, anh đã tìm mua những con bò gầy ở các trang trại với giá rẻ để về chăm sóc cho mập lên rồi bán kiếm lời. Ngoài dành riêng 2 sào đất để trồng cỏ cho bò ăn, anh còn thực hiện các biện pháp "vỗ béo" cho bò: cho uống thêm cám, bắp; chích ngừa, vệ sinh chuồng trại... Sau 2 năm đầu tư nuôi bò, hiện giờ anh có 10 con bò. Thu nhập hàng năm của gia đình anh, trừ các chi phí, được khoảng 25 triệu đồng... Hay có người thực hiện phương pháp chăn nuôi tổng hợp như ông Lục Văn Tám; ngoài việc chăn nuôi 22 con dê, 2 sào cá rô phi, diêu hồng..., ông còn nuôi thử nghiệm 50 con ba ba. Hàng năm thu nhập của ông trên 30 triệu đồng. Ngoài làm nông, lâm nghiệp, nhiều người dân trong khu còn làm việc ở các nhà máy đóng trên địa bàn ấp nên đời sống của người dân cũng ổn định hơn. Những ngôi nhà xập xệ đã không còn, thay vào đó là những ngôi nhà xây khang trang, sạch đẹp.

Điều bà con trong khu vô cùng phấn khởi đó là trong năm 2005, tỉnh, huyện đã xây mới cây cầu vào khu Nùng và trải nhựa 3 km đường vào trong khu. Trên 3km đường này (với chiều rộng là 9m), bà con đã hiến toàn bộ phần đất đường đi ngang qua nhà với tổng diện tích hơn 10 hécta. Vừa qua, cây cầu bê tông đã hoàn thành, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Không chỉ thế, việc học của các em học sinh cũng dễ dàng hơn. Cách khu Nùng khoảng 1 - 2 km đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học cơ sở. Để hỗ trợ việc học cho các em, hàng năm, ấp cũng đã vận động cho các em trên 2.000 cuốn tập. Điều phấn khởi là hiện nay trong khu có 10 em đang học tại trường dân tộc nội trú của tỉnh và 2 em được cử đi học trung cấp chính trị. Anh Say Đức Minh vui mừng cho biết: "Bây giờ bọn trẻ đi học thuận tiện hơn rất nhiều, với lại mình cũng có điều kiện hơn nên phải cho con cái học cao hơn chứ".

Chính sự vươn lên nhanh chóng của khu Nùng mà Tân Cang là một trong những ấp đầu tiên của xã đạt được danh hiệu ấp văn hóa.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều