Báo Đồng Nai điện tử
En

Số phận con người trong cơn lốc toàn cầu hóa
Nhân đọc Chiếc Lexus và cây ô liu (*)

09:01, 02/01/2006

Quyển Chiếc xe Lexus và cây ô liu của tác giả Thomas L. Friedman - một nhà báo và là cây bút bình luận quan hệ của tờ New York Times. Có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc và chứng kiến những biến cố lịch sử... là kinh nghiệm tích lũy để Thomas L.Friedman viết về vấn đề toàn cầu hóa với nhiều hình ảnh sống động cùng lối so sánh rất thuyết phục.

(*) Bản dịch của Lê Minh, dày 733 trang, do NXB Khoa học xã hội và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện.

Quyển Chiếc xe Lexus và cây ô liu của tác giả Thomas L. Friedman - một nhà báo và là cây bút bình luận quan hệ của tờ New York Times. Có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc và chứng kiến những biến cố lịch sử... là kinh nghiệm tích lũy để Thomas L.Friedman viết về vấn đề toàn cầu hóa với nhiều hình ảnh sống động cùng lối so sánh rất thuyết phục.

Theo quan điểm của Thomas L.Friedman, toàn cầu hóa không phải là một trào lưu thời thượng mà là một hệ thống quốc tế thay thế cho chiến tranh lạnh, đang trực tiếp hay gián tiếp tác động đến chính trị, môi trường, địa lý, kinh tế, văn hóa... của hầu hết quốc gia trên thế giới. Đó chính là sự bành trướng không gì ngăn cản nổi của chủ nghĩa tư bản quốc tế khi các rào cản chính trị, địa lý, tài chính, thông tin... được tháo gỡ để tạo động lực cho nguồn vốn, công nghệ, chất xám tác động đến từng cá nhân, quốc gia. Thomas L. Friedman gọi dòng chảy này chính là cơn lốc toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển của thế giới, trong đó quy luật cạnh tranh sinh tồn luôn tồn tại một cách khắc nghiệt. Bằng những dẫn chứng sinh động, thực tế, Thomas L.Friedman khẳng định, toàn cầu hóa là một cuộc chơi hai mặt, đầy tích cực nhưng cũng lắm mặt trái mà những "bầy thú" - từ tác giả dùng để chỉ nguồn vốn, công nghệ và chất xám - đầy hấp dẫn luôn rình rập. Nếu đáp ứng đúng luật chơi, tức là mở cửa thị trường, thả nổi và tư nhân hóa nền kinh tế, một quốc gia mới mong cạnh tranh và mời được "bầy thú" vào nhà, cuộc sống của người dân sẽ nhanh chóng được cải thiện. Còn ngược lại, nếu luật lệ mù mờ, xã hội thiếu minh bạch, quyền lực rơi vào tay một nhóm người thì "bầy thú" sẽ bỏ đi, giẫm nát luôn mọi thứ trên đường tháo chạy. Trong hoàn cảnh đó, con người không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải "hội nhập". Sự hội nhập dĩ nhiên ít nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia. Vấn đề mà Thomas L.Friedman đặt ra là: toàn cầu hóa là động lực thúc đẩy thế giới phát triển nhưng cũng chèn ép con người vô cùng, toàn cầu hóa có thể phân bổ cơ hội nhưng cũng khiến tràn lan mọi sự hủy diệt.

Thật lạ, những điều Thomas L.Friedman đề cập không có gì mới nhưng lối viết của Friedman lôi cuốn người đọc vì ông dùng rất nhiều mẩu chuyện cụ thể, thời sự để minh họa cho những lập luận của mình, từ những cuộc gặp gỡ nguyên thủ của nhiều quốc gia đến những tình tiết hấp dẫn trong những câu chuyện đời thường. Để đọc Chiếc Lexus và cây ô liu, người đọc chắc chắn bị tác giả dẫn dụ, khiêu khích, đôi lúc kích động, cũng có lúc rơi vào tâm trạng cực đoan... nhưng dù tán thành hay phản bác quan điểm của tác giả, quyển sách buộc chúng ta phải đọc đến tận trang cuối cùng và cứ mãi băn khoăn về số phận con người trong cơn lốc toàn cầu hóa. Và cuối cùng người đọc cứ phải lo lắng đi tìm câu trả lời: liệu rằng, chiếc xe luxes có cày nát cây ô liu không nhỉ?

Thu Trang

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích