Những năm gần đây, thư pháp nói chung và thư pháp chữ Việt nói riêng đang có sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đó là điều đáng mừng không chỉ với những nhà thư pháp, những người yêu thích phân môn nghệ thuật này, mà còn là cơ sở chính xác để ghi nhận thư pháp đã và đang trở thành một món ăn tinh thần bổ ích, khơi gợi được cái đẹp nội tâm của mỗi con người.
Những năm gần đây, thư pháp nói chung và thư pháp chữ Việt nói riêng đang có sự chuyển mình và phát triển mạnh mẽ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đó là điều đáng mừng không chỉ với những nhà thư pháp, những người yêu thích phân môn nghệ thuật này, mà còn là cơ sở chính xác để ghi nhận thư pháp đã và đang trở thành một món ăn tinh thần bổ ích, khơi gợi được cái đẹp nội tâm của mỗi con người.
Nhìn nhận một cách khách quan và khoa học về một loại hình nghệ thuật là một việc khó, nó càng trở nên khó khăn và bế tắc với những phân môn nghệ thuật mới mẻ, hoặc bị chìm trong sự quên lãng, vừa được khơi dậy như một làn sóng. Đối với thư pháp và thư pháp chữ Việt, không thể tránh khỏi những bất đồng về quan điểm, về cách tiếp cận. Vì vậy, trong khuôn khổ có hạn, người viết chỉ xin đề cập về thư pháp và thư pháp chữ Việt dưới cái nhìn văn hóa, cụ thể xin nói đến vấn đề nhân cách và tư cách của cả người thủ bút lẫn người thưởng thức.
* Nhân cách và tư cách của người thủ bút
Người xưa hay nói, đừng để nhân cách của mình thấp hơn mình. Đó là điều bất kỳ ai cũng phải khắc nhớ để rèn tâm luyện tính. Nhân cách của một người phản ánh sâu sắc cái bên trong. Vì vậy, chỉ cần nhận biết và nhìn vào nhân cách của một ai đó, ta có thể hiểu được phần nào về con người của họ.
Với người viết thư pháp, càng phải coi trọng vấn đề nhân cách và tư cách trong giao tiếp và ứng xử. Không thể chấp nhận một người kém hiểu biết về văn hóa ứng xử, mà vung tay thảo những câu chữ của thánh hiền được. Vì những chữ ấy chỉ là những chữ mang hình hài đạo đức giả mà thôi. Bởi vậy, câu thành ngữ tiên học lễ hậu học văn của người xưa vẫn luôn luôn đúng và luôn là khẩu hiệu tu tâm đối với tất cả mọi người.
Không thiếu trường hợp do kém hiểu biết về văn hóa ứng xử, gây ra những chuyện dở khóc dở cười. Một nhà thư pháp khá nổi tiếng, viết sai lỗi chính tả, còn lên giọng trịch thượng chửi khách hàng của mình là vô học. Hay trường hợp khác, viết những chữ mà chính người viết cũng không hiểu nghĩa của chữ mình viết ra, thành thử khi phải giải thích thì câu chuyện trở nên ngô nghê và buồn cười v.v... Các lỗi rất cơ bản đó, sẽ dẫn đến cái nhìn không đẹp của những người thưởng lãm và chân thành xin chữ.
Người viết chữ thánh hiền, vừa là người tái hiện sự sâu sắc nghĩa chữ, thông qua cái Tâm, cái Tài, vừa thể hiện cái Tầm của mình, trong sự lĩnh nhận và chia sẻ tri thức. Sự cẩu thả trong hình thức hay nội dung bức tranh chữ là điều không được phép. Nghệ thuật nói chung, đòi hỏi sự nghiêm túc đến khắc nghiệt. Vì vậy, nhận thức được vấn đề vừa nói, chính là điều kiện cần của người cầm bút.
Nói tóm lại, trình độ học thức và tư cách đạo đức của một người viết thư pháp là rất quan trọng. Người viết thư pháp, là người đang lao động nghệ thuật, cống hiến cái đẹp cho đời. Phải trân quý mình trước, bằng cách tu thân cho đẹp về nhân cách đạo đức, rồi hãy nói đến cái đẹp trong sản phẩm lao động nghệ thuật. Như vậy, mới xứng đáng với chính tác phẩm của mình và xứng đáng với sự mong muốn thưởng thức của người đam mê thư pháp.
Nét đẹp văn hóa truyền thống sẽ và chỉ được phát huy khi những người đang làm công tác tôn vinh, gìn giữ và phát huy nó có cái nhìn đúng đắn. Sự sai lệch, thiếu nghiêm túc, dù là rất nhỏ, cũng dẫn đến những hậu quả không kể hết. Trước tiên là có tội với tiền nhân, có tội với cộng đồng, sau là có tội với thế hệ mai hậu. Mong rằng, những người viết thư pháp hiện nay, nhất là lớp trẻ, hãy xem vấn đề nhân cách và tư cách là vấn đề tiên quyết, trước khi nghĩ đến cái danh, cái lợi có thể có, nhờ vào việc mình đang làm.
* ... và của người thưởng thức
Nhu cầu của người dân hiện nay, không còn là chuyện cơm no áo ấm như trước nữa, mà là tiến tới ăn ngon mặc đẹp. Cuộc sống no đủ, không làm cho họ quên đi những giá trị văn hóa truyền thống, ngược lại, càng làm cho họ có những hoài vọng và mong muốn tái hiện những nét đẹp văn hóa dân tộc. Đó là điều tất yếu, tuy nhiên, trong nhu cầu của việc ăn ngon mặc đẹp, đôi khi làm cho những thượng đế, có suy nghĩ có tiền mua tiên cũng được. Nếu như tiền vàng, có thể đánh đổi được khả năng cống hiến về nghệ thuật bất kỳ lúc nào, thì sẽ không cần phải có nghệ thuật để làm gì! Vì vậy, cũng nên trao đổi về cái gọi là nhân cách và tư cách của người thưởng thức nghệ thuật, cụ thể là những người trực tiếp tham gia vào việc thưởng lãm.
Trong sử sách còn ghi lại rất nhiều câu chuyện về việc xin chữ, khiến người đọc không khỏi cảm động và quý trọng cả người cho, lẫn người xin. Tác phẩm văn chương Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân tả cảnh Huấn Cao cho chữ trong ngục tối, làm người đọc mãi suy tư và ngậm ngùi khôn xiết. Ấy là cái đẹp trong việc tôn vinh nhân cách, tư cách của người có chữ để cho. Và cũng là cái đẹp toát ra từ người xin chữ, biết trân trọng giá trị câu chữ mình xin.
Trong hoàn cảnh hiện nay, chữ nghĩa được bày bán khắp các quầy sách, dọc ngang trên hè phố..., phần nào đã làm mất đi cái không gian thiêng liêng, khiến cái hồn của chữ thiếu phần bay bổng. Người bán ra giá, người mua kì kèo, miễn sao có được sự thỏa thuận cuối cùng. Nhưng tất cả, chưa phải là chuyện đáng để chúng ta suy tư. Điều hết thảy những ai quan tâm đến chữ, đến thư pháp, cũng thấy buồn, là chuẩn mực mỹ học trong thư pháp chưa có. Quan niệm trái ngược nhau, về những lỗi thuộc về hình thức, như khái niệm Thư pháp chữ Việt, đã làm nên mấy cuộc tranh cãi lớn nhỏ trong giới, cũng như ngoài giới. Ở đây, xin không lạm bàn về điều vừa nói, chỉ xin nhấn mạnh rằng, người thưởng thức cứ việc phê bình, nhưng hãy phê bình đúng và cân nhắc lời lẽ, để tránh dẫn đến tình trạng thóa mạ.
Bất kỳ người nào làm nghệ thuật nào cũng mong có được sự phản hồi từ phía người thưởng thức. Sự phản hồi đó làm cho nghệ thuật được thăng hoa, hay dội nước lạnh vào hứng cảm mới le lói, phụ thuộc vào bản lĩnh nghề nghiệp người cầm bút và thái độ người thưởng thức. Riêng với phân môn nghệ thuật thư pháp và thư pháp chữ Việt, còn rất nhiều những vấn đề cần phải được các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên môn và tất cả những người quan tâm đóng góp ý kiến, bổ khuyết hạn chế.
Trịnh Tuấn