Báo Đồng Nai điện tử
En

Một nhịp cầu

08:01, 24/01/2006

Họ chưa từng gặp mặt nhau trước đó, chỉ biết nhau qua internet. Và rồi, sau một lần hội ngộ ở Cà Mau, con đường thiên lý xuyên lục địa ấy đã thành nhịp cầu gần gũi hơn cho bao nhiêu người khác...

Trang web Nguyễn Ngọc Tư do giáo sư Trần Hữu Dũng thực hiện.

Họ chưa từng gặp mặt nhau trước đó, chỉ biết nhau qua internet. Và rồi, sau một lần hội ngộ ở Cà Mau, con đường thiên lý xuyên lục địa ấy đã thành nhịp cầu gần gũi hơn cho bao nhiêu người khác...

 

Cuối năm 2004, sử dụng dịch vụ đường truyền tốc độ cao (ADSL) ở Cần Thơ, tôi lang thang trên mạng nhanh hơn. Gặp trang web "Văn hóa và giáo dục" ở địa chỉ www.viet-studies.org/culture.htm, tôi biết được nhiều chuyện bổ ích. Chủ nhân trang web này là ông Trần Hữu Dũng, giáo sư khoa kinh tế Đại học Wright State ở Dayton, bang Ohio, Mỹ. Dù biên tập và trình bày kỹ càng, ông vẫn khiêm tốn bảo rằng lao động hằng ngày của mình trước hàng trăm bài viết khác trên toàn cầu chỉ là việc sưu tầm. Nhưng khi vào những trang sưu tầm ấy, với tôi, nó rất có ích cho công việc hằng ngày. Những trang đó có tên như "Kinh tế Việt Nam", "Điện hạt nhân", "Thời đại mới", "Trần Đức Thảo", "Hội thảo mùa hè"... và đáng yêu nhất với tôi là trang "Nguyễn Ngọc Tư".

Sau này, dạo tháng 8-2005, khi gặp ở TP. Hồ Chí Minh, nhân chuyến ông về Đà Nẵng dự một hội thảo về phát triển kinh tế Việt Nam, tôi đã gọi đó là "tủ sách Nguyễn Ngọc Tư". Và sau khi trò chuyện với ông về trang web này và về "tủ sách Nguyễn Ngọc Tư" mà theo tôi, ông bỏ công chăm chút hơn hết, tôi chợt hiểu ra rằng, sống trên đời này, có những con đường vạn dặm lắm người qua lại, nhưng nếu như thiếu một "cơ duyên" nào đó, chưa hẳn mọi người đã gặp gỡ nhau, chưa nói tới chuyện chia sẻ được gì với nhau.

Nhưng cái cơ duyên ấy thì chẳng bao giờ là chuyện từ trên trời rơi xuống. Bao giờ nó cũng bắt nguồn từ chuyện tấm lòng, từ cái tâm của mỗi người. Tỉ như chuyện lập trang web và tủ sách trên.

Giáo sư kinh tế Trần Hữu Dũng nói: "Thú thật là khi làm trang đó, tôi nghĩ trước tiên đến nhu cầu nghiên cứu, theo dõi văn chương Việt Nam của tôi. Tất nhiên, nhu cầu đó bắt nguồn từ cái tình của tôi với quê hương (quê ông ở Mỹ Tho, ông sang Mỹ du học từ năm 1963). "Nếu không có internet thì chắc còn lâu tôi mới đọc được văn Nguyễn Ngọc Tư, còn lâu người yêu thích văn Nguyễn Ngọc Tư mới  có thể trở về, trong tâm tưởng, với quê hương mình, dù ở nơi nào trên thế giới". Còn nhà văn nữ ở Cà Mau chỉ nói: "Tấm lòng của ông làm tôi cảm động muốn chết. Dường như công sức mà ông bỏ ra không phải nhỏ".

Như vậy là chính từ văn chương của Nguyễn Ngọc Tư và tấm lòng của Trần Hữu Dũng mà  ở hai phương trời xa nhau biền biệt, họ đã có cơ duyên gặp nhau trên internet. Rồi nhờ đó, bao nhiêu người khác đã gặp lại quê nhà yêu dấu của mình, qua văn chương Nguyễn Ngọc Tư.

Dạo đó, giáo sư Trần Hữu Dũng đã quyết lòng về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư. Trở về Mỹ, ông mail về Cần Thơ cho tôi: "Chuyến đi ấy là một cao điểm của  đời  tôi. Xin cho tôi ấp ủ nó cho riêng mình trong một thời gian và sẽ kể trong một dịp khác".

Cái "dịp khác" ấy, ông đã không kể cho riêng ai. Ông dành thì giờ chăm sóc cho "tủ sách Nguyễn Ngọc Tư" ngày càng có nhiều thông tin và đẹp hơn, để có thêm nhiều bạn đọc hơn. Và mỗi một lần truy cập vào tủ sách ấy, tôi như lại được dịp, hay như là một cơ duyên, gặp gỡ bao nhiêu người xa lạ khác. Gặp nhau ở chỗ, dường như đồng cảm với nhau về bao nhiêu chuyện đời đầy hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si ở chung quanh mình mỗi ngày. Lạ thay, lần nào cũng vậy, tận trong sâu thẳm lòng mình, ta cảm thấy thương yêu cuộc đời này hơn.

Chẳng hạn như với "Cánh đồng bất tận" và bạn đọc quanh cái truyện ngắn này trong tủ sách ấy, tôi  vẫn cảm nhận như lần đầu tiên đọc nó. Lần đó, giữa tháng 7-2005, Nguyễn Ngọc Tư gởi mail cho tôi bản thảo của... nửa truyện. Tôi in ra gởi nhiều người cùng đọc, và ai cũng đau đáu chờ mong tác giả viết cho xong cái câu chuyện cuộc đời thương đau lạ lùng đó. Văn chương mà làm cho nhiều người xích lại gần nhau như vậy, có gì hạnh phúc bằng.

Một lần tôi hỏi chủ nhân trang web "Văn hóa và giáo dục" ấy: "Theo ông thì văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ hòa mình với thế giới này như thế nào?". Vị giáo sư kinh tế đưa ra một ý kiến hơi lạ: "Tại sao lại phải dịch văn Nguyễn Ngọc Tư ra tiếng nước ngoài? Tại sao không nói với người nước ngoài rằng chúng ta có một nhà văn tuyệt vời là Nguyễn Ngọc Tư (và nhiều người khác nữa), nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn (và đó sẽ là diễm phúc cho anh, tin tôi đi!) thì anh phải ... học tiếng Việt! Như vậy có phải là hợp lý hơn không".

Biết đâu chuyện đó sẽ là sự thật.

Huỳnh Kim

 

Tin xem nhiều