Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải thưởng âm nhạc 2005: Được mùa ở tất cả các thể loại

09:01, 11/01/2006

Gần 70 tác phẩm xuất sắc nhất vừa được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng âm nhạc năm 2005. Các tác phẩm này được chọn lựa từ hơn 500 tác phẩm và công trình nghiên cứu của hơn 300 tác giả trong cả nước. Điều đáng mừng của giải thưởng năm nay là các thể loại khó và ít người viết như: lý luận phê bình, khí nhạc, âm nhạc thiếu nhi đều có nhiều tác phẩm tham dự hơn các năm trước và đều có tác phẩm xuất sắc được trao giải cao.

Một số ca sĩ trẻ được nhiều người hâm mộ.

Gần 70 tác phẩm xuất sắc nhất vừa được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải thưởng âm nhạc năm 2005. Các tác phẩm này được chọn lựa từ hơn 500 tác phẩm và công trình nghiên cứu của hơn 300 tác giả trong cả nước. Điều đáng mừng của giải thưởng năm nay là các thể loại khó và ít người viết như: lý luận phê bình, khí nhạc, âm nhạc thiếu nhi đều có nhiều tác phẩm tham dự hơn các năm trước và đều có tác phẩm xuất sắc được trao giải cao.

 

* Lý luận, nghiên cứu phê bình có nhiều tác phẩm chất lượng cao

 

Phần lớn các tác phẩm lý luận, nghiên cứu phê bình tập trung vào việc nghiên cứu sưu tầm vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền như: Hát ru Việt Nam, âm nhạc sân khấu chèo, âm nhạc nghi lễ người Chăm, nhạc cung đình Huế, hò xứ Quảng, dân ca Trà Vinh v.v... Ngoài ra, một số nhạc sĩ đã góp phần vào việc xây dựng, bổ sung cho các giáo trình ở các trường dạy nhạc như: nhà giáo lão thành Hồ Mộ La với cuốn Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây, nghệ sĩ ưu tú Đoàn Phi Liệt với cuốn Chỉ huy dàn dựng hát tập thể. Hai nhà giáo Hoàng Long và Hoàng Lân đóng góp cuốn Phương pháp dạy học âm nhạc... Giải nhất về thể loại này được trao cho hai tác giả Lư Nhất Vũ và Lê Giang ở TP.Hồ Chí Minh với cuốn sách Hát ru Việt Nam. Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng tặng giải đặc biệt cho nhóm các giáo sư: Trọng Bằng, Tô Ngọc Thanh, phó giáo sư Hoàng Dương và cố phó giáo sư Nguyễn Xinh đã tham gia biên tập phần âm nhạc của Từ điển Bách khoa Việt Nam (từ tập 1 đến tập 4).

Giải nhất về thể loại báo chí được trao cho tác giả Nguyễn Thị Minh Châu (Hà Nội) với các bài viết và tiểu luận phê bình đề cập một số vấn đề thời sự của âm nhạc trong 2 năm qua. Tuy nhiên, theo giáo sư, nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các tác phẩm phê bình về đời sống âm nhạc hiện nay chưa mạnh mẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, cần mạnh mẽ hơn nữa.

 

* Khí nhạc có nhiều tác phẩm đồ sộ

 

Các tác phẩm khí nhạc năm nay có nhiều tác phẩm có qui mô lớn như: tác phẩm Requiem (thơ Lê Anh Thư), gồm 7 chương hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Đỗ Dũng. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ gửi bản hợp xướng 3 chương có tên Khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhạc sĩ Đào Trọng Minh với cantata Bài ca tuổi trẻ thành phố mang tên Bác. Một số tên tuổi mới xuất hiện trong lĩnh vực khí nhạc như: Trương Quang Tuyến, Lê Quang Vũ, Thạch Mộ Ly hứa hẹn triển vọng tốt đẹp trong tương lai. Nhạc sĩ lão thành Nguyễn Văn Quỳ ở Hà Nội năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn bền bỉ lao động nghệ thuật và bản xô-nát số 8 viết cho đàn violon và piano của ông được trao giải nhì, giải cao nhất của thể loại này.

Các thể loại hòa tấu nhạc cụ dân tộc được các nhạc sĩ khai thác triệt để, có nhiều loại nhạc cụ như: sáo trúc, sáo mèo, đàn bầu, nhị, trưng. Nổi lên là nhạc sĩ Nguyễn Anh Tấn (TP.Hồ Chí Minh) đã vượt qua lối viết phổ biến của một số nhạc sĩ trước đây để tìm được bút pháp mới, độc đáo, hấp dẫn qua tác phẩm Trăng rằm (độc tấu đàn nguyệt cùng dàn nhạc). Khuyến khích sự sáng tạo tìm tòi, nhưng cách biểu đạt lập dị kiểu như Đỗ Kiên Cường với tác phẩm Qui luật chỉ vạch vạch ra vài đường kẻ trên một mặt giấy đã bị phê phán.

 

* Ca khúc vẫn có số lượng đông đảo nhất

 

Thể loại ca khúc vẫn có nhiều tác phẩm tham dự nhất, với hơn 430 tác phẩm của hơn 230 tác giả. Tổng cộng có 28 giải ca khúc và 11 giải ca khúc thiếu nhi. Điều đáng mừng là ở cả hai thể loại này đều có giải nhất. Tác giả Trần Quế Sơn (TP.Hồ Chí Minh) đoạt 2 giải: Giải nhất ca khúc với tác phẩm Cõng mẹ đi chơi và giải ba với tác phẩm Mưa gió biên cương, với nét nhạc mang đậm màu sắc dân tộc miền núi, cùng với phần hòa âm phối khí và thể hiện của chính tác giả, được Hội đồng nghệ thuật đánh giá là có nhiều tìm tòi trong bút pháp và phong cách thể hiện. Một số tác phẩm đã gây xúc động mạnh như: Đi tìm đồng đội của nhạc sĩ Minh Đức (thơ Lê Ngọc Nam) đã từng vang lên ở Nghĩa trang Trường Sơn nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7-2005. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn cũng đoạt giải với tác phẩm Ôi mẹ Việt Nam yêu em đời đời viết về liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhạc sĩ Trần Xuân Tiên đoạt giải nhất của thể loại ca khúc thiếu nhi với tác phẩm: Hát lên bạn ơi được Hội đồng nghệ thuật đánh giá là có chất lượng nghệ thuật cao, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức dàn dựng, biểu diễn để phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam để giới thiệu với đông đảo công chúng trong và ngoài nước những tác phẩm đoạt giải âm nhạc 2005, góp phần định hướng thị hiếu âm nhạc của công chúng - nhất là công chúng trẻ - hiện nay.

Mai Hồng

 

Tin xem nhiều
Đón xem kết quả xsmb siêu chuẩn