Các bộ phim Việt Nam cứ vào các rạp được vài tuần, thậm chí chỉ là vài ngày là hết khách xem. Điều đáng nói là có khá nhiều bộ phim trong số đó lại đạt doanh thu lớn ở nước ngoài hoặc được trao những giải thưởng danh giá. Tại sao lại xảy ra tình trạng này?
|
Cảnh trong phim "Đường thư" |
Các bộ phim Việt
Nam cứ vào các rạp được vài tuần, thậm chí chỉ là vài ngày là hết khách xem. Điều đáng nói là có khá nhiều bộ phim trong số đó lại đạt doanh thu lớn ở nước ngoài hoặc được trao những giải thưởng danh giá. Tại sao lại xảy ra tình trạng này?
Cả ba bộ phim "made in Việt Nam" phát hành trong năm 2005 đều là những minh chứng đắt cho chuyện buồn này. Trước hết phải kể đến bộ phim Đường thư của Hãng phim truyện Việt Nam. Bộ phim này được đầu tư với tổng kinh phí xấp xỉ 1 tỷ đồng nhưng chỉ "sống" được 18 buổi chiếu với hơn 700 lượt người xem, đạt doanh thu hơn 13 triệu đồng tại Trung tâm chiếu phim quốc gia. Phải kể rằng, Trung tâm chiếu phim quốc gia là địa điểm "mặn mà" với bộ phim này nhất nên mới chiếu cho Đường thư lâu như vậy. Vậy mà trên các website chuyên về điện ảnh, Đường thư được các khán giả dành cho khá nhiều lời khen.
Tiếp đến là phim Mùa len trâu của Hãng phim Giải phóng. Có thể nói, đây là bộ phim sưu tập những giải thưởng về điện ảnh danh giá trên thế giới. Bộ phim này đã được gần 10 nước mua bản quyền phát hành, trong đó có những cường quốc điện ảnh như: Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Ngoài ra, Bỉ, Đài Loan, Venezuela cũng đang trong giai đoạn thương thảo. Đến mức, Cộng đồng liên Chính phủ Pháp ngữ đã trao cho Mùa len trâu giải thưởng Vì hiệu quả phát hành trên thị trường quốc tế. Vậy mà khi chiếu trong nước, doanh thu của bộ phim này rất thấp và hầu hết các rạp đều nói "không" với bộ phim này.
Phim 1.735km của Hãng phim Kỳ Đồng vừa được công chiếu trên toàn quốc từ 7-10 vừa qua. Bộ phim được quay từ Bắc vào Nam với những phong cảnh rất đẹp, bình dị mà choáng ngợp. Thủ pháp dàn dựng của bộ phim này như buộc người xem phải cảm được vẻ đẹp tinh tế của hình ảnh đằng sau mỗi khuôn hình. Thành phần chủ chốt làm ra 1.735km cũng rất đáng chú ý: Đạo diễn Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn tốt nghiệp xuất sắc tại Viện Cao học nghệ thuật California; tác giả kịch bản Nguyễn Lê Khanh đang theo học văn chương và nghệ thuật tại Trường đại học tổng hợp Grinnell (Mỹ); các người mẫu nổi tiếng như Dương Yến Ngọc, Khánh Trình vào vai chính trong phim. Tóm lại, 1.735km được làm với đủ tiêu chuẩn hướng tới thị trường. Vậy mà, chỉ sau ba tuần chiếu, bộ phim được đầu tư gần 5 tỷ đồng này chỉ thu về hơn 300 triệu đồng!
Cứ nhìn lịch chiếu tại các rạp phim của ta là có thể hiểu một phần lý do tại sao phim nội lại thất thu nặng nề như vậy. Ở các rạp, bao giờ cũng có vài phim ăn khách của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... đang được trình chiếu, được xếp vào "phòng đẹp", "giờ vàng", còn phim nội thì "năm thì mười họa" mới có và được chiếu tại các phòng nhỏ.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng từng than thở: "Đường thư phát hành đúng vào thời điểm các rạp trong cả nước đồng loạt tung ra Chiến tranh giữa các vì sao III, được quảng cáo là siêu phẩm của điện ảnh Mỹ mà chính tôi cũng chờ đợi để xem". Sắp xếp lịch chiếu phim như vậy thì Đường thư bị thất thu là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên, việc này không thể trách các chủ rạp, bởi rạp phim là nơi kinh doanh chứ không phải là nơi cứu trợ nhân đạo. Chính ông Doãn Ngọc Long, Trưởng phòng xuất nhập khẩu và phát hành (Công ty điện ảnh Hà Nội) cho biết: "Trung bình mỗi suất chiếu ở rạp tiêu tốn khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, phần lớn phim Việt Nam chỉ thu được 5% số tiền đó". Phim không có khách thì phải dẹp đi để chiếu phim có khả năng doanh thu cao là điều tất yếu. Cũng không thể trách khán giả bởi họ đến rạp là để giải trí và được quyền chọn bộ phim nào họ cho là hấp dẫn. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói: "Nếu có trách thì trách các cơ quan quản lý. Họ đã mở cửa cho phim ngoại vào Việt Nam ào ạt mà không có chính sách hỗ trợ phim nội". Ông Phạm Văn Họa, Trưởng phòng tuyên truyền quảng cáo của Công ty phát hành phim Việt Nam cho biết: "Các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc... đều có chính sách hỗ trợ điện ảnh nước nhà một cách rất hay. Họ vẫn cho công chúng trong nước được xem những tác phẩm điện ảnh trên thế giới, nhưng nếu một phim trong nước và một phim nước ngoài cùng dự định phát hành vào một thời điểm ở nước họ thì họ sẵn sàng lùi lịch chiếu của phim nước ngoài lại để cho phim trong nước đến với công chúng trước. Nếu chúng ta có chiến lược phát hành bài bản, ưu đãi phát hành phim nội thì chắc chắn phim nội sẽ không thất thu như hiện nay..."
G.Đ - X.H