Báo Đồng Nai điện tử
En

Xã Phước Bình (huyện Long Thành) : Những điển hình vượt khó, sống tốt ở làng dân tộc Châu Ro

09:10, 08/10/2005

Đến năm 1997, tỉnh đầu tư xây dựng làng dân tộc Châu Ro ở xã Phước Bình, huyện Long Thành. Mỗi hộ dân được cấp 1 căn nhà cùng 1.000m2 đất thổ cư và 4.000m2 đất nông nghiệp. Trường học, trạm xá, giếng nước sạch, sân bóng... dần dần được xây dựng.

Anh Dương Văn Muông bên căn nhà mới xây khang trang

Đến năm 1997, tỉnh đầu tư xây dựng làng dân tộc Châu Ro ở xã Phước Bình, huyện Long Thành. Mỗi hộ dân được cấp 1 căn nhà cùng 1.000m² đất thổ cư và 4.000m²đất nông nghiệp. Trường học, trạm xá, giếng nước sạch, sân bóng... dần dần được xây dựng. Đặc biệt là Nhà văn hóa dân tộc Châu Ro được hình thành ngay trung tâm của làng khiến người dân ở đây rất phấn khởi. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con có những chuyển biến đáng mừng. Chúng tôi xin giới thiệu 3 tấm gương điển hình vượt khó, sống tốt của làng dân tộc Châu Ro.

 

* Anh Dương Văn Muông : "Từ đói nghèo vươn lên khá giả"

 

Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Dương Văn Muông (46 tuổi) cùng vợ và 9 người con  thường phải ăn củ chụp (khoai rừng) thay cơm. Kể từ khi được Nhà nước xây nhà và cấp đất, vợ chồng anh Muông đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. 2 hécta đất rẫy, anh trồng cà phê; 4 sào đất được cấp anh trồng điều và kết hợp trồng khoai mì. Để có thêm thu nhập, vợ chồng anh còn nuôi thêm heo, gà. Nhờ cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn nên anh nuôi gà rất hiệu quả. Anh tự sáng tạo ra thức ăn cho gà thay cám thực phẩm nhằm giảm chi phí chăn nuôi bằng cách nấu gạo tấm chín, sau đó lấy cám sống trộn vào để gà ăn không bị dính cổ. Khi đàn gà gần xuất chuồng, anh trộn thêm bắp xay cùng cám sống vào cơm tấm để gà ăn cho chắc thịt.  Nhờ đó mà đàn gà của nhà anh phát triển hơn hẳn so với đàn gà của các gia đình khác ở trong làng...  Trung bình hàng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình anh có thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi được hơn 20 triệu đồng.

Thế nhưng, điều anh hạnh phúc nhất là những người con của anh được học hành đầy đủ. Nhất là anh con trai tên là Dương Văn Nụm, hiện đang học nghề ở Trường dạy nghề khu vực miền Nam,  vừa được kết nạp Đảng vào đầu năm 2005. Anh Muông tâm sự: "Gia đình tôi mang ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều. Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện mà gia đình tôi không còn sợ đói và con cái tôi được học hành".

 

* Anh Đào Văn Được: "Đi chăn bò thuê để được đến trường"

Anh Đào Văn Được

 

3 anh em của Đào Văn Được mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải sống nương tựa vào ông bà ngoại. Ông bà ngoại đã già lại nghèo khó nên để được cắp sách đến trường, Được phải một buổi đi học, một buổi chăn bò thuê.

Đến năm 1990, khi làng dân tộc Châu Ro được thành lập, mấy anh em của Được đã được Nhà nước tặng cho một căn nhà và đất sản xuất. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định. Anh được xét đặc cách đi học tại Trường dân tộc nội trú tỉnh. Sau đó, Được thi đậu vào khoa Anh ngữ của Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai. Tốt nghiệp, anh được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Phước Bình. Trong 5 năm đi dạy anh  đã có 5 mùa hè tình nguyện mở lớp học tình thương dạy cho trẻ em trong làng. Chính vì vậy, người dân trong làng rất tin tưởng và yêu mến Được. Hiện nay, anh đang học chuyên tu cử nhân Anh văn tại Trường đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

 

 

* Anh Dương Văn Đài : "Quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa người dân tộc Châu Ro"

 

Anh Dương Văn Đài tham gia công tác ở địa phương đã nhiều năm rồi, từ công tác dân vận của xã, phó công an ấp 6 và hiện nay anh là trưởng ban quản lý Nhà văn hóa dân tộc Châu Ro. Vốn hiểu và nói được tiếng dân tộc Châu Ro cũng như những kinh nghiệm, tập tục của dân tộc này nên anh làm công tác dân vận  rất tốt.

Anh Dương Văn Đài

 Năm 2004, Nhà văn hóa dân tộc Châu Ro được xây dựng. Để khôi phục lại những tập tục sinh hoạt của người Châu Ro, anh cùng đại diện chính quyền địa phương phải đi nhiều nơi tìm những trang phục, dụng cụ sinh hoạt để trưng bày tại nhà văn hóa. Để người dân tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, anh phải đến vận động từng gia đình, từng cá nhân. Hiện trong làng đã duy trì được 1 đội văn nghệ, 1 đội bóng đá, 1 đội bóng chuyền, 1 đội kéo co và bắn nỏ. Trong đó, môn thể thao truyền thống bắn nỏ ở làng rất mạnh, đã đoạt nhiều giải vô địch trong các cuộc thi với người dân tộc ở các xã: Tân Hiệp, Bình Sơn...

Công tác xây dựng phong trào hầu như chiếm gần hết thời gian của anh, nhưng anh vẫn vui vẻ: "Từ khi nhà văn hóa đi vào hoạt động đã lưu giữ lại được những phong tục của dân tộc Châu Ro tưởng như đã bị mai một theo thời gian. Rất mừng vì ngày càng có đông đảo nhân dân tham gia vào các hoạt động thể thao, văn hóa - văn nghệ tại đây. Bà con ở đây phấn khởi lắm. Chúng tôi  sẽ quyết tâm gìn giữ bản sắc văn hóa người dân tộc Châu Ro".

 

 Ngọc Thư

 

 

 

Tin xem nhiều