Sau khi hoàn thành chương trình 135 (chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn) tỉnh chủ trương tiếp tục đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống đến từng khu dân cư nghèo, trong đó ưu tiên vùng đồng bào các dân tộc.
Sau khi hoàn thành chương trình 135 (chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn) tỉnh chủ trương tiếp tục đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống đến từng khu dân cư nghèo, trong đó ưu tiên vùng đồng bào các dân tộc.
Hiện nay, hơn 90% hộ đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh có chỗ ở và nhà ở ổn định, trong đó 70% là nhà kiên cố và bán kiến cố. Như vậy vẫn chưa yên tâm. Bởi vì vẫn còn nhiều hộ đồng bào dân tộc chưa có đất để ở, chưa có tiền để xây nhà. Tỉnh ủy sớm nhận thấy điều này nên đã giao cho Ủy ban MTTQ tỉnh đứng ra vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng nhà tình thương tặng đồng bào dân tộc nghèo. Năm 2004, chương trình 2.000 căn nhà tình thương mà MTTQ tỉnh vận động đã hoàn thành, nhiều hộ được tặng nhà mới để ở. Năm nay và các năm tiếp theo, MTTQ tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, ban ngành trong tỉnh tiếp tục vận động các nhà hảo tâm đóng góp, giúp đỡ đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn còn lại. Ví dụ như huyện Trảng Bom, bên cạnh chăm lo cho đồng bào có nhà tình thương huyện còn tìm quỹ đất để đồng bào có chỗ ở ổn định và xem xét cấp đất sản xuất. Huyện Xuân Lộc thì có cách làm khác là tặng bò, lúa giống, bắp giống chất lượng cao, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho các hộ dân tộc. Cách làm này đã giúp cho đồng bào ở nhiều nơi thoát nghèo. Điển hình như nhiều hộ đồng bào Châu Ro ở ấp Gia Hòa (xã Xuân Trường), ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú) đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả và giúp đỡ các hộ xung quanh cùng thoát nghèo.
Nhưng để căn cơ hơn, tỉnh đang tiếp tục lập kế hoạch đầu tư nhiều vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng đến các khu dân cư, các ấp có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Ông Võ Hồng Thanh, Trưởng ban Tôn giáo - dân tộc tỉnh cho biết, 5 năm qua Nhà nước đã đầu tư cho 24 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh trên 760 tỷ đồng. Đến nay, các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh cơ bản đã thoát nghèo. Hệ thống giao thông đã được nhựa hóa đến trung tâm các xã, hệ thống điện, điện thoại, trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở được xây mới đạt tiêu chuẩn quốc gia... Tuy nhiên, đi sâu vào các ấp, các khu dân cư thì đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh đang xin chủ trương trung ương cho phép Đồng Nai tiếp tục thực hiện chương trình 135 đến các ấp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Tới giải thích, trước đây nhiều ấp có đông đồng bào dân tộc sinh sống lại không nằm trong xã đặc biệt khó khăn nên không được đầu tư kinh phí phát triển. Vì vậy, hệ thống giao thông ở nhiều nơi còn lầy lội, thậm chí có một số nơi chỉ là những con đường mòn nên việc đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Các cháu nhỏ muốn đến trường phải lội bộ năm, bảy cây số. Vì vậy, tỷ lệ thất học của các cháu đồng bào dân tộc ở một số nơi còn cao. Có không ít đồng bào bao đời nay chưa được sử dụng điện thắp sáng, không có nước sạch và thiếu trầm trọng nước sinh hoạt trong mùa khô. Các chế độ chính sách về bảo hiểm y tế, trợ giá các mặt hàng nhu yếu hầu như chưa đến được với đồng bào. Cho nên cái nghèo vẫn đang đe dọa. Vì vậy, chủ trương tiếp tục đầu tư chương trình 135 đến tận các ấp là rất cần thiết và có ý nghĩa thiết thực khi mà tỉnh đang phấn đấu đến năm 2010 xây dựng thành một tỉnh công nghiệp. Và cách làm theo ông Đoàn Hải, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo chương trình 135 của tỉnh là sẽ triển khai mạnh chương trình lồng ghép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Kinh nghiệm của các huyện Long Thành, Trảng Bom, Xuân Lộc cho thấy, việc đầu tư lồng ghép vốn từ nguồn xây dựng cơ sở hạ tầng vào các công trình phúc lợi công cộng rất được các doanh nghiệp, các nhà đầu tư ủng hộ. Bên cạnh với đầu tư cho phát triển kinh tế thì lồng ghép đầu tư phục vụ dân sinh đã trở thành chủ trương lớn mà Đồng Nai là một điển hình.
Lần này, cùng với việc tiếp tục trợ giá, trợ vốn, trợ giống, cấp đất sản xuất, tỉnh chủ trương tạo "cần câu" và "hướng dẫn cách câu" cho các hộ đồng bào dân tộc. Hệ thống trung tâm học tập cộng đồng được xây dựng ở các xã đã phát huy hiệu quả khi đưa được cái chữ về đến đồng bào, đưa kỹ thuật trồng trọt đến từng ruộng, vườn của người dân tộc. Tiêu biểu phải kể đến trung tâm học tập cộng đồng ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), các trung tâm học tập cộng đồng ở huyện Định Quán, Tân Phú đã giúp nhiều hộ đồng bào thoát nghèo bằng những kinh nghiệm, kỹ thuật khuyến nông, khuyến ngư. Bên cạnh, tỉnh cũng chủ trương tiếp tục đầu tư chiều sâu và ưu tiên giúp con em đồng bào dân tộc được học chữ. Hiện nay, ngoài Trường dân tộc nội trú tỉnh, dân tộc nội trú khu vực Tân Phú- Định Quán, tỉnh đang lập thủ tục xây dựng thêm cụm trường dân tộc nội trú khu vực Long Khánh- Xuân Lộc. Mặt khác, tỉnh sẽ tiếp tục tài trợ và vận động nhiều thanh niên đăng ký học nghề tại Trường đào tạo nghề khu vực miền Nam của Bộ Quốc phòng đóng tại TP. Biên Hòa. Các huyện, thị xã cũng chủ động thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp về địa bàn vùng sâu, vùng xa và ưu tiên tuyển lao động, giải quyết việc làm cho con em đồng bào các dân tộc. Song song đó, các trung tâm, các cơ sở dạy nghề phải được mở ra ở nhiều nơi để đồng bào được học nghề...
Hy vọng đề án tiếp tục đầu tư chương trình 135 đến tận ấp, khu dân cư có đông đồng bào dân tộc, đồng bào nghèo, vùng sâu xa sớm được triển khai thực hiện.
Phong Vũ