Báo Đồng Nai điện tử
En

5 năm phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa":
Chuyển biến tích cực ở từng khu dân cư

01:10, 11/10/2005

Đồng Nai là một trong những tỉnh sớm triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Trong 5 năm qua, phong trào này đã thực sự trở thành một cuộc vận động văn hóa lớn, sâu rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội và góp phần tạo những chuyển biến tích cực trên các địa bàn dân cư.

Lễ đón nhận danh hiệu "Ấp văn hóa" tại ấp Long Đức, xã Tam Phước, huyện Long Thành.

Đồng Nai là một trong những tỉnh sớm triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Trong 5 năm qua, phong trào này đã thực sự trở thành một cuộc vận động văn hóa lớn, sâu rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội và góp phần tạo những chuyển biến tích cực trên các địa bàn dân cư.

 

* Đổi thay từ phong trào

 

Ngày 31-8-2000, tỉnh đã tổ chức lễ phát động phong trào, ra mắt Ban chỉ đạo và triển khai kế hoạch hoạt động. Phong trào này được chia thành 7 chương trình, do các ban ngành liên quan trực tiếp làm chủ nhiệm. Cấp huyện, thành phố và các xã, phường cũng thành lập Ban chỉ đạo, riêng ấp, khu phố chỉ thành lập Ban vận động. Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp quy, Ban chỉ đạo tỉnh đã soạn thảo và cung cấp cho các địa phương nhiều văn bản, tài liệu quan trọng có liên quan đến cuộc vận động.

Nếu như năm 2000, cả tỉnh mới chỉ có 100 ấp, khu phố đạt danh hiệu "Ấp, khu phố văn hóa" thì tính đến nay, con số ấp, khu phố đạt danh hiệu trên đã là 637  (chiếm tỷ lệ 66%), trong đó có 133 ấp, khu phố giữ vững danh hiệu 3 năm liên tục và được UBND tỉnh tặng bằng khen. Tỉnh đã chọn 2 khu dân cư tiêu biểu là khu phố 4 (phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) và ấp 1 (xã Bình Lộc, TX Long Khánh), đại diện các khu dân cư trong tỉnh dự hội nghị tuyên dương toàn quốc do UBMTTQ Việt Nam tổ chức. Bên cạnh việc hoàn thiện 6 nội dung tiêu chuẩn công nhận ấp, khu phố văn hóa, Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh đã bổ sung thêm nội dung đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chăm sóc sức khỏe cộng đồng vào tiêu chí bình xét ấp, khu phố văn hóa.

 Qua 5 năm, có thể nói cuộc vận động xây dựng ấp, khu phố văn hóa đã góp phần tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trên địa bàn dân cư. Các hoạt động giúp nhau làm kinh tế thông qua việc cho mượn con giống, ngày công lao động, cho vay vốn ưu đãi... đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Trong 5 năm qua, nhân dân cũng đã đóng góp 5 tỷ đồng vào quỹ xóa đói giảm nghèo để xây dựng cơ sở hạ tầng, cho vay ưu đãi, giải quyết việc làm cho hộ nghèo...  Từ phong trào, các hoạt động tương thân tương ái, đền ơn đáp nghĩa tiếp tục phát triển. Nhân dân đã đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã với số tiền trên 17,5 tỷ đồng. Các hoạt động cứu trợ, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam đã vận động được số tiền trên 20 tỷ đồng. Ở các ấp, khu phố văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội đều hoàn thành tốt, tệ nạn mại dâm, ma túy được ngăn chặn có hiệu quả, quy chế dân chủ được phát huy. Việc giảm bớt  những lãng phí trong sinh hoạt hiếu hỷ, lễ tang được nhiều địa phương vận động có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% ấp, khu phố xây dựng được quy ước ấp, khu phố văn hóa cho mình. Nhân dân đã tích cực tham gia hoạt động hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, với gần 5.000 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đã được giải quyết, cảm hóa được gần 1200 thanh thiếu niên chậm tiến trở thành người có ích cho xã hội. Thông qua phong trào, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được khơi dậy từ cơ sở. Môi trường cảnh quan trong khu dân cư dần được cải thiện và với hàng ngàn km đường giao thông, hàng trăm chiếc cầu do nhân dân đóng góp cùng Nhà nước làm mới, sửa chữa. Truyền thống hiếu học được phát huy từ mỗi gia đình, mỗi khu dân cư, dần tạo nên xã hội học tập. Đến nay, 100% xã, phường trong toàn tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng, trên 600 ấp, khu phố có quỹ khuyến học, nhiều ấp có phong trào khá toàn diện.

 

* Để nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào

 

Ban chỉ đạo của tỉnh cũng đã nhìn nhận những mặt còn hạn chế của phong trào như: việc xây dựng và ban hành một số văn bản còn lúng túng và chậm, một số cán bộ làm công tác phong trào chưa tập trung, chưa theo sát phong trào ở địa phương do mình phụ trách. Ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có nơi còn chưa sát với thực tế tình hình địa phương. Việc phân định vai trò và mối quan hệ giữa các ban, ngành liên quan đến phong trào còn chưa rõ ràng. Kết quả hoạt động 7 chương trình còn chưa đồng đều. Kinh phí đầu tư cho Ban chỉ đạo cấp huyện, xã còn hạn chế. Quy chế xây dựng ấp, khu phố văn hóa ở một vài cơ sở còn chung chung, công thức, chưa sát với tình hình thực tiễn và đặc trưng của địa phương.

Kinh nghiệm rút ra từ những địa phương có phong trào mạnh cho thấy: Ban chỉ đạo phong trào cấp xã, huyện cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các ban ấp, kịp thời chỉ đạo phong trào thông qua các nghị quyết chương trình và sự phân công cụ thể từng thành viên. Sự phối hợp giữa các đoàn thể, các cấp hội ở địa phương cần đồng bộ, chặt chẽ và thường xuyên. Ban vận động phải có cách làm đúng, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương mình, biết chủ động tháo gỡ khó khăn về kinh phí và chủ động triển khai. Chế độ tập huấn cho cán bộ làm công tác phong trào cũng cần được duy trì thường xuyên, cập nhật kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, vận động. Đây là cuộc vận động văn hóa lớn và sâu rộng, có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Vì vậy, từ những mục tiêu, con số ban đầu mà tỉnh đã đạt được, việc nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào trong những năm tới sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các ban vận động, ban chỉ đạo phong trào.

 

Quốc Bảo

 

 

                                                                                                 

Tin xem nhiều