Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc kịch đất nước đứng lên: Hoành tráng và mang đậm bản sắc Tây Nguyên

10:09, 10/09/2005

Tối 12-9, tại Nhà thi đấu Sở thể dục - thể thao Đồng Nai, Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật quân đội sẽ công diễn suất duy nhất vở nhạc kịch Đất nước đứng lên. Đây có lẽ là lần đầu tiên khán giả Đồng Nai được thưởng thức loại hình nghệ thuật này.

Cảnh trong vở nhạc kịch "Đất nước đứng lên"

Tối 12-9, tại Nhà thi đấu Sở thể dục - thể thao Đồng Nai, Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật quân đội sẽ công diễn suất duy nhất vở nhạc kịch Đất nước đứng lên. Đây có lẽ là lần đầu tiên khán giả Đồng Nai được thưởng thức loại hình nghệ thuật này.

Có thể nói, sự ra đời của vở nhạc kịch Đất nước đứng lên không chỉ mang ý nghĩa thiết thực chào mừng 60 năm ngày thành lập nước của thầy và trò Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật quân đội mà còn được giới chuyên môn đánh giá như một sự kiện văn hóa trong năm khi nó đánh dấu sự trở lại của loại hình nghệ thuật này sau vài chục năm vắng bóng trên sân khấu trong nước. Nhạc kịch Đất nước đứng lên được nhạc sĩ An Thuyên (hiệu trưởng của trường) chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên rất nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc. Chính nhạc sĩ An Thuyên cũng là đạo diễn của vở nhạc kịch này. Vở nhạc kịch có sự tham gia của các nhạc sĩ Đức Trịnh, Xuân Thủy, Xuân Phương (phối khí), Kiều Lê, Hiền Trang, Thanh Tâm (biên đạo), Tất Ngọc, Nguyễn Hi (thiết kế mỹ thuật) cùng 120 học sinh của trường (trong đó có gần 100 học sinh là con em các dân tộc Tây Nguyên). Thông qua câu chuyện về quá trình buôn làng Kông Hoa chuyển từ nhận thức sang hành động, đứng lên cầm vũ khí kháng chiến chống Pháp, vở diễn ca ngợi tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sự kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống giặc ngoại xâm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tất cả diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ với kết cấu gồm 6 chương: "Đạn bom và câu hỏi lớn", "Trên rẫy và tiếng người đi", "Bắn Pháp chảy máu", "Cơn đói kinh hoàng và niềm tin", "Cách mạng", "Chiến đấu, chiến thắng và vinh quang". Để thể hiện phần nội dung hoàn chỉnh trên, nhạc sĩ An Thuyên đã sử dụng gần 30 bản hợp xướng, aria (tiểu đoạn ca từ và giai điệu), dio (song ca)... nối tiếp nhau do chính ông sáng tác. Nếu chỉ nhìn vào hình thức sân khấu, lực lượng diễn viên, ca sĩ đông đảo, vở nhạc kịch này cũng đã tạo cho người xem những ấn tượng về sự hào hùng và hoành tráng. Những gì là bản sắc của Tây Nguyên được nhạc sĩ khai thác triệt để không chỉ bằng những giai điệu, những động tác múa có chất liệu lấy từ truyền thống dân gian của đồng bào các dân tộc nơi đây mà còn bằng những âm thanh quen thuộc của núi rừng Tây Nguyên: tiếng cồng chiêng, đàn trưng, klongpút, tiếng suối chảy, tiếng voi gầm gọi bầy...

Anh Phan Bá Thảo, đại diện của đoàn cho biết: Kể từ sau đêm công diễn vào tối 17-8 vừa qua tại Hà Nội, vở nhạc kịch này đã biểu diễn phục vụ được hơn chục đêm diễn cho một số đơn vị quân đội và đồng bào các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng. Đặc biệt đoàn có một đêm diễn tại bản làng quê hương của anh hùng Núp - nhân vật trung tâm của vở kịch.

Di chuyển một đoàn hát với gần 130 người cộng thêm hàng tấn thiết bị đạo cụ, âm thanh, ánh sáng... để biểu diễn phục vụ khán giả cả nước quả là nỗ lực không nhỏ và rất đáng quý của thầy và trò Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật quân đội. Hy vọng khán giả Đồng Nai sẽ được thưởng thức một món ăn tinh thần hay và lạ.

Minh Chánh

 

Tin xem nhiều