Vào giữa năm 2001, cứ hết giờ làm ở công ty, cô công nhân dáng người nhỏ đi xe đạp trên 20 km từ Trảng Bom lên Biên Hòa để... tập thể hình. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi tham gia tập luyện thường xuyên, cô đã mang về cho tỉnh tấm huy chương vàng (HCV) đầu tiên của môn thể hình nữ.
Vào giữa năm 2001, cứ hết giờ làm ở công ty, cô công nhân dáng người nhỏ đi xe đạp trên 20 km từ Trảng Bom lên Biên Hòa để... tập thể hình. Chỉ sau 2 tháng kể từ khi tham gia tập luyện thường xuyên, cô đã mang về cho tỉnh tấm huy chương vàng (HCV) đầu tiên của môn thể hình nữ. Và từ đó đến nay, chỉ hơn 4 năm, cô gái thể hình này đã có một bộ sưu tập với 13 tấm huy chương các loại ở các giải đấu cấp tỉnh, quốc gia và cả quốc tế. Đó là Tôn Hoàng Khánh Lan, vận động viên của đội tuyển thể dục thể hình Đồng Nai, đồng thời là thành viên của đội tuyển thể hình quốc gia.
* Những ngày vất vả đã qua
Tuổi thơ của Khánh Lan đầy nhọc nhằn. Từ nhỏ, cô sống xa cha mẹ. Khánh Lan lớn lên nhờ vào vòng tay chăm sóc của bà ngoại và sự thương yêu, đùm bọc của các cậu, dì. Học hết THPT, do hoàn cảnh khó khăn, Khánh Lan xin vào làm nhân viên phục vụ ở sân golf Thống Nhất.
Khánh Lan kể, từ nhỏ cô chỉ thích chơi trò con trai. Đá bóng, chạy nhảy, võ thuật..., món nào Khánh Lan cũng làm được và hễ thi là thắng. Nhưng bà ngoại và các dì ngăn cản vì sợ Khánh Lan chơi thể thao riết rồi không lấy chồng được. Chỉ các cậu vốn là những người mê thể thao nên ủng hộ sở thích của cô cháu gái mình. Ở trường THCS, rồi THPT, Khánh Lan từng tham gia các môn bóng đá, bóng chuyền. Còn chạy việt dã, đua xe đạp, nhảy cao, nhảy xa thì Lan không có đối thủ. Có những lần Khánh Lan còn thử sức mình bằng việc đăng ký chạy việt dã, đua xe đạp cùng với phái nam. Khánh Lan cũng đã từng học taekwondo tới cấp huyền đai nhị đẳng. Để được như vậy, cô đã từng nhiều lần trốn nhà, giấu ngoại để học. Vậy rồi cuộc đời của Khánh Lan lại rẽ sang con đường khác từ cái ngày tình cờ gặp thầy Trương Văn Thông, Trưởng phòng nghiệp vụ của Sở Thể dục - thể thao (TD-TT).
Đó là ngày xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) tổ chức đại hội TD-TT, Khánh Lan chỉ xuất hiện trong đội rước đuốc vì nếu dự thi thì không có... đối thủ. Nhưng qua người quen giới thiệu, thầy Thông lại tìm gặp và hỏi cô có thích làm vận động viên thể hình không. Mặc dù chưa có điều kiện thử sức với môn thể thao này, nhưng qua xem truyền hình thấy cơ bắp nhiều vận động viên nữ "còn thua xa" mình nên Khánh Lan nung nấu khát vọng được đứng trên bục thi thố. Vì vậy, khi thầy Thông đánh tiếng là Khánh Lan gật đầu ngay mà không cần suy nghĩ. Từ hôm đó, trăm ngày như một, sau giờ tan ca ở sân golf, Khánh Lan lại đi xe đạp lên Biên Hòa để tập thể hình. Có những hôm gặp mưa to, gió lớn, nước ngập đi lại rất khó khăn, nhưng Khánh Lan vẫn không bỏ cuộc. Nhiều lần, khi Khánh Lan đến được phòng tập thể hình ở Sở TD-TT thì mọi người đã về hết. Nhưng cảm thông cho hoàn cảnh của cô gái nghèo say mê thể thao nên hai huấn luyện viên Cao Minh Tuấn và Bùi Anh Vũ vẫn tận tình giúp đỡ, hướng dẫn Khánh Lan từng động tác, cách thức biểu diễn. Rồi sau giờ tập, Khánh Lan lại lộc cộc đạp xe trở về nhà ở ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền (huyện Trảng Bom).
* Hễ đi thi đấu là mang về huy chương
Chỉ sau 2 tháng tập luyện, Khánh Lan đã được chọn vào đội tuyển của tỉnh và được đưa đi tham dự giải vô địch thể hình toàn quốc vào tháng 8-2001. Chiến công đầu tiên Khánh Lan mang về cho tỉnh là một HCV và một huy chương bạc (HCB). Ở lần ra quân đầu tiên này, Khánh Lan đã được tuyển thẳng vào đội tuyển thể hình quốc gia vì cô có thể hình rất đẹp và khả năng vận động cơ bắp tuyệt vời.
Trong những lần tham gia thi đấu, Khánh Lan đã tranh thủ quan sát, chú ý lắng nghe những lời nhận xét của đồng đội, các vận động viên, huấn luyện viên và cả khán giả để biết điểm mạnh, chỗ yếu của mình. Vì vậy, khi trở về phòng tập, bên cạnh với sự chỉ dẫn tận tình của các huấn luyện viên, giúp đỡ của đồng đội, Khánh Lan còn cố gắng khắc phục những nhược điểm, phát huy thế mạnh trong việc tập luyện, biểu diễn thể hình. Vì vậy, vào năm 2002, với 3 lần đi thi đấu ở các giải, Khánh Lan đã mang về thêm 3 HCV, 1 HCB. Tên tuổi của cô gái thể hình Tôn Hoàng Khánh Lan đã được nhiều người biết đến. Nhưng cô không muốn cứ đem những "món ăn" cũ ra chiêu đãi khán giả dễ làm người ta nhàm chán nên đã chủ động đề nghị các huấn luyện viên hướng dẫn nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn. Muốn như vậy, Khánh Lan càng phải kiên trì tập luyện và đặc biệt phải có sức khỏe thật tốt, chế độ ăn uống điều độ, thời gian tập luyện phải nhiều hơn. Đó là chưa kể, ngoài tập luyện ở Sở TD-TT, Khánh Lan còn tập trung tập luyện ở đội tuyển quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh. Từ những phấn đấu này, năm 2003, Khánh Lan lại tiếp tục đoạt 5 huy chương các loại ở 3 lần thi đấu, trong đó có cả lần dự thi giải Toàn năng lực sĩ đẹp. Nhiều người không thể ngờ, với cường độ tập luyện căng thẳng, mệt nhọc như thế nhưng có khi cả tháng trời Khánh Lan không được ăn một miếng cơm nào. Cô còn phải tự rèn luyện kiêng ăn bột, đường và các món ngon vật lạ để ép ký, nhất là khi tập luyện ở cường độ cao, chuẩn bị vào thi đấu. Sự khổ luyện đó đã được đền đáp bằng việc vào năm 2004 Khánh Lan đem về cho tỉnh thêm 4 HCV, 1 HCB. Và đặc biệt, lần đầu tiên một cô gái Đồng Nai đại diện cho Việt Nam đi thi đấu ở giải vô địch thể hình châu Á cũng đã "rinh" về tấm HCB danh giá. Năm 2004, Khánh Lan còn vinh dự nhận được giải thưởng vận động viên có thể hình tiến bộ nhất.
Hiện nay, Khánh Lan đang tập trung tập luyện ở đội tuyển quốc gia để chuẩn bị cho giải Vô địch thể hình châu Á lần thứ II. Cả tuần tập luyện ở TP. Hồ Chí Minh vất vả, ngày nghỉ Lan tranh thủ về thăm nhà rồi lại đến Sở TD-TT nhờ các thầy hướng dẫn tiếp. Dù đang ở tột đỉnh vinh quang nhưng Lan vẫn giữ lối sống giản dị, sự hồn nhiên, chân chất. Cô sống hòa đồng với mọi người, với đồng đội, kính trọng thầy dạy. Thầy Bùi Anh Vũ, huấn luyện viên trực tiếp kèm cặp Khánh Lan, nhận xét: "Khánh Lan đã hơn người về tố chất thể hình, lại còn hơn không ít người về đạo đức, lối sống". Hy vọng cô sẽ tiếp tục làm rạng danh quê hương Đồng Nai trong thời gian tới.
Phong Vũ