Nguyễn Thị Sâm Nhung, 51 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Lộc An (huyện Long Thành). Nhờ bán tranh thêu mà thu nhập của gia đình khá ổn định, bà yên tâm tham gia công tác Hội.
Nguyễn Thị Sâm Nhung, 51 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Lộc An (huyện Long Thành). Nhờ bán tranh thêu mà thu nhập của gia đình khá ổn định, bà yên tâm tham gia công tác Hội.
Vào những năm 1980, bà Nhung vừa làm công việc nội trợ vừa nhận thêu áo dài cho các tiệm may trong xã. Đến năm 1995, bà tham gia công tác đoàn thể ở địa phương với nhiệm vụ: cán bộ chuyên trách dân số; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; nhân viên y tế thôn, ấp. Năm 2004, bà được bầu làm chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Lộc An. Cũng trong thời gian này, sức khỏe chồng bà suy nhược và phải nghỉ việc. Bà phải gánh trách nhiệm làm chủ gia đình. Trong khi đó, tiền lương tham gia công tác Hội quá thấp, bà đã nghĩ phải tìm việc gì nhằm kiếm thêm thu nhập để yên tâm công tác. Vốn ham thích thêu thùa và lại đam mê những bức tranh thêu, bà thử thêu vài bức tranh để treo cho vui. Thế nhưng khi bạn bè, chòm xóm vào nhà chơi nhìn thấy những bức tranh "bắt mắt" liền ngỏ ý mua. Ý tưởng thêu tranh bán xuất hiện từ đó. Thông qua Hội liên hiệp phụ nữ huyện, bà được vay vốn để đầu tư mua khung ảnh, chỉ thêu... Mỗi ngày, ngoài thời gian tham gia công tác ở địa phương, lúc rảnh ở nhà, bà miệt mài thêu. Những bức tranh được bà thêu, đa số đều được lấy từ tranh lịch. Sau đó bà in từ lịch qua vải để thêu. Để tranh của mình có mẫu mã phong phú, bà thường xuyên chú ý những mẫu tranh, ảnh đẹp trong cuộc sống và đôi khi bà còn bỏ tiền ra mua những bức tranh đẹp ở các cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh để học hỏi. Bà còn nhận thêu những mẫu mã khách hàng yêu cầu.
Những bức tranh bà thêu có giá từ 60 - 400 ngàn đồng. Trung bình khoảng 10 ngày bà mới hoàn thành một bức tranh với giá 400 ngàn đồng, trừ các khoản chi phí còn lời 300 ngàn đồng. Với giá cả vừa phải nên tranh của bà thêu ra không đủ bán, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Khách hàng của bà chủ yếu là người hàng xóm mua tặng các tiệc tân gia, cưới hỏi; các đơn vị, ban, ngành của huyện khi có hội nghị và có cả người mua để gửi cho thân nhân ở nước ngoài. Nhiều nhà sách ở thị trấn Long Thành còn đề nghị bà gửi tranh thêu cho họ bán nhưng bà phải từ chối vì không đủ hàng cung cấp.
Ước mơ của bà thật đơn giản là xây được một căn phòng để treo những bức tranh mình đã thêu. Nhưng hiện nay bà phải lo cho chồng và người con trai bị bệnh.
Ngọc Thư