Báo Đồng Nai điện tử
En

Sơn Trà - một nhà báo rất tâm huyết với nghề - đã ra đi

11:07, 06/07/2005

giờ 30 phút sáng ngày 6-7-2005, tôi đang lơ mơ ngủ thì điện thoại di động réo vang. Thức dậy, tôi chần chừ một lát rồi mới quyết định nghe điện thoại vào thời điểm rất "nhạy cảm" này. "A lô, có phải anh X.P không. Em xin báo tin là anh Sơn Trà đã mất vào hồi 0 giờ 25 phút ngày 6-7-2005".

   giờ 30 phút sáng ngày 6-7-2005 , tôi đang lơ mơ ngủ thì điện thoại di động réo vang. Thức dậy, tôi chần chừ một lát rồi mới quyết định nghe điện thoại vào thời điểm rất "nhạy cảm" này. "A lô, có phải anh X.P không. Em xin báo tin là anh Sơn Trà đã mất vào hồi 0 giờ 25 phút ngày 6-7-2005". Tôi thừ người khi nhận được tin này mặc dù mấy ngày trước đó cũng đã biết tình hình bệnh ung thư gan của Sơn Trà (Trần Công Hòa) mới phát hiện sau tết Ất Dậu, sau gần 10 năm "sống chung" với bệnh tiểu đường, đã trở nên trầm trọng. Và chỉ sau một cơn đau đầu được gia đình đưa vào bệnh viện Long Khánh cấp cứu, anh đã bị hôn mê sâu. Như vậy, chỉ trong vòng có 11 ngày mà báo Đồng Nai đã mất đi 2 cộng tác viên rất thân thiết, trước đó là anh Hồ Văn Lưu.

Nhớ lại, cách đó chừng khoảng 2 tuần, vào dịp kỷ niệm 80 năm báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), tôi có gọi điện hỏi thăm sức khỏe của Sơn Trà và được nghe anh cho biết đang đi lên Sài Gòn cho các bác sĩ tái khám để biết số phận cuộc đời mình còn kéo dài thêm bao lâu. Ngay sau khi rời bệnh viện, Sơn Trà điện lại cho tôi đã không hề đả động đến chuyện bệnh tình của mình mà chỉ cho biết có mail về máy của tôi 1 bài báo kèm ảnh về cái chuyện làm lề đường ở Đà Nẵng mà anh đã có dịp ra đây nhân dịp dự đám giỗ cho cha vợ hồi đầu tháng 6. Anh bức xúc nói cái lề đường của người ta làm hay lắm , không như cái lề đường ở Long Khánh làm cao lêu nghêu gây khốn khổ cho người dân có nhà ở mặt đường. Trong máy tính của tôi hiện còn lưu lại một bài viết  mặc dù có ảnh kèm đầy đủ nhưng chưa hoàn tất của Sơn Trà về chuyện một người làm giàu  (anh Ngữ ở Thống Nhất) mở thêm nhiều ngành nghề sản xuất tạo cho nhiều người ở nông thôn nghèo khó có việc làm. Đây có lẽ là bài viết còn dang dở của Sơn Trà, một nhà báo luôn tâm huyết với cái nghiệp làm báo,   trước khi ra đi.

Chị Phượng, vợ Sơn Trà, nói với tôi, anh không hề than thở và giấu kín gia đình về bệnh ung thư của mình đang trong giai đoạn cuối. Một ngày trước khi  được gia đình đưa đi cấp cứu, Sơn Trà còn mua về một chiếc xe đạp leo núi với dự định sẽ chạy mỗi sáng để tăng cường thể lực chống chọi với căn bệnh ung thư. Nhưng chiếc xe đạp, theo lời em ruột Sơn Trà, anh chưa kịp đạp 1 vòng thì đã vĩnh viễn ra đi. Trong 10 năm chung sống với chồng, chị nhận xét rằng niềm đam mê lớn nhất của anh là đi thực tế và viết báo. Dành dụm được ít tiền là anh bỏ ra sắm sửa các "đồ nghề" cho hoạt động nghiệp vụ: nào là máy vi tính xách tay  second hand, máy ảnh kỹ thuật số, ghi âm kỹ thuật số, máy quay phim và đã trở thành một trong những nhà báo "hiện đại hóa" ở Đồng Nai . Mới tháng trước, Sơn Trà còn hăm hở lên Sài Gòn mua chiếc laptop mới để xách theo ra Đà Nẵng tác nghiệp. Tại đây anh cũng đã gởi về báo Đồng Nai bài và ảnh về đường hầm Hải Vân (đăng trên báo Đồng Nai số ra ngày 14-6-2005 ). Cho tới nay, có lẽ Sơn Trà là nhà báo đa năng nhất nhì ở Đồng Nai, vì anh có thể viết tin, bài cộng tác cho báo Đồng Nai và một số tờ báo khác ở TP.HCM, lại còn tham gia làm phát thanh trực tiếp và quay phim thực hiện các tin, phóng sự cho Đài PT-TH Đồng Nai.

Gần 20 năm về trước, khi còn là Trưởng ban văn hóa - thông tin xã Phú Lâm (huyện Tân Phú), Sơn Trà đã gõ lóc cóc trên chiếc máy đánh chữ cũ kỹ để có những bản tin đầu tiên phản ánh đời sống nông thôn gởi cho báo Đồng Nai. Bén duyên nghiệp báo từ đây để Sơn Trà tiến lên một bước xa hơn, dài hơn cho cuộc đời làm báo sau này với rất nhiều bài viết gần gũi với cuộc sống ở nông thôn và của nông dân. Là anh lớn trong 1 gia đình có tới 8 đứa em, cuộc sống Sơn Trà trong những năm sau giải phóng rất gian nan và khó khăn, nhất là sau khi thôi công việc ở xã để bước vào cuộc đời của một nhà báo đầy gian truân, vất vả. Nhiều năm liền phải ở trọ tại đài truyền thanh Long Khánh nhưng Sơn Trà, một nhà báo "nghiệp dư" không thuộc biên chế cơ quan báo chí nào, vẫn hăm hở đi và viết , thường xuyên có mặt ở các "điểm nóng" để có tin, bài gởi về kịp thời  cho các báo, đài mình cộng tác. Chính nhờ lòng nhiệt huyết với nghề như thế, báo Đồng Nai đã đặc biệt luôn giúp đỡ, ưu ái Sơn Trà từ những ngày mới chập chững bước vào nghề báo. Có lẽ số tin, bài Sơn Trà cộng tác với các báo, đài trong gần 20 năm qua lên tới con số cả ngàn. Rất nhiều bài viết của anh được đồng nghiệp khen ngợi. Đặc biệt là mới đây, vào dịp kỷ niệm 60 năm xảy ra nạn đói Ất Dậu, Sơn Trà gởi một bức thư tâm huyết cho nhà sử học Dương Trung Quốc đặt vấn đề xây dựng tượng đài tưởng nhớ sự kiện bi thảm này. Bức thư này đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ và  mở đầu cho hàng loạt phản hồi của giới sử học và các cuộc hội thảo bàn về tượng đài kỷ niệm cho sự kiện lịch sử này.

Vĩnh biệt Sơn Trà  - một nhà báo tài năng đầy tâm huyết, một nhà báo như cách nói của chúng tôi là "nghiệp dư" nhưng lại hành nghề rất chuyên nghiệp.

X.Phú

Tin xem nhiều