Nhân đọc sách "Trò chuyện với 50 nhà báo":
Những cuộc chuyện trò thú vị...

10:07, 18/07/2005

Cuốn sách là tập hợp những bài phỏng vấn từ chuyên mục "Trò chuyện với các nhà báo" của Tạp chí Nghề Báo của Hội nhà báo TP. Hồ Chí Minh trong vòng 6 năm nay. ngoài ra còn có sự đóng góp của những bài phỏng vấn đã đăng tải trên báo phụ nữ chủ nhật.

Cuốn sách "Trò chuyện với 50 nhà báo"

Cuốn sách là tập hợp những bài phỏng vấn từ chuyên mục "Trò chuyện với các nhà báo" của Tạp chí Nghề báo của Hội nhà báo TP. Hồ Chí Minh trong vòng 6 năm nay. ngoài ra còn có sự đóng góp của những bài phỏng vấn đã đăng tải trên báo Phụ nữ Chủ nhật.

 

50 gương mặt được giới thiệu trong cuốn sách hầu hết là những nhà báo có bản lĩnh, xuất sắc trong nghề nghiệp. Họ là những người xung kích trên tất cả các loại hình: báo hình, báo nói, báo in và không ít nhà báo còn "lấn sân" cả sang lĩnh vực điện ảnh, văn học...

Những nhà báo tham gia trò chuyện trong cuốn sách này, không theo một thứ tự nghề nghiệp hay lĩnh vực nào. Từ trang đầu đến trang cuối là một cuộc trải nghiệm thú vị về những kinh nghiệm, những tâm sự rất thật lòng của những người làm báo.

Người đọc có thể tìm thấy ở đây hầu hết các tên tuổi sáng giá trong làng Báo chí Việt Nam đương đại. Một Huy Đức với những bài phỏng vấn sắc sảo, những bài điều tra gai góc và đi đến tận cùng của vấn đề... Hay một Tạ Bích Loan bộc trực, gần gũi, kiến thức sâu rộng của chuyên mục "Người đương thời" (Đài truyền hình Việt Nam ). Một Thanh Hiệp nặng lòng cùng sân khấu nhưng lại "đèo bòng" cả những đổi thay, biến động trong xã hội, con người... Hầu như các nhà báo đều bộc bạch rất thật lòng. Với họ, những trăn trở, suy nghĩ để làm bật lên được những trang viết khi là lửa đỏ, khi là nước mắt, khi lại mang về cảm giác bình yên cho độc giả đã trở thành một phần cuộc sống, một phần máu thịt không thể tách rời. Phỏng vấn chính những người "chuyên đi phỏng vấn" là một cách làm khá độc đáo của những người làm nên quyển sách. Những cuộc chuyện trò chân thành ấy không chỉ là cuộc trao đổi, sẻ chia kinh nghiệm đơn thuần, mà qua đó, chân dung, cuộc đời, quan điểm, lý tưởng của những nhà báo, nhà văn được bộc bạch rất rõ ràng, gần gũi. Người đọc tìm thấy một nhà báo -  nhà văn Võ Phi Hùng (báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh), người mang nợ cuộc đời, có một tuổi thơ gian khổ sở và bất hạnh. Anh đã đến với nghề báo như tìm thấy một nguồn sáng, một niềm tin. Anh đã luôn tâm niệm: "Đừng bao giờ viết báo với một bầu máu lạnh". Hay một Đinh Thu Hiền (Tạp chí Thế Giới Mới) trẻ trung, giỏi nghề thì: "Sáng, tôi cười với người giữ xe chung cư, trưa cười với chị bán cơm bình dân và tối cười với bạn bè trong quán café...". Các nhà báo nữ cũng bộc bạch thật lòng mình về một cuộc sống nhiều biến động, nhiều suy tư quá đỗi, đến độ hạnh phúc đời thường nhiều khi cứ đến rồi đi như loài chim di trú.

Sách còn giới thiệu những cây bút phóng sự tài ba, để lại nhiều dấu ấn đẹp đẽ trong cuộc đấu tranh với tiêu cực, làm trong lành xã hội như Huỳnh Dũng Nhân (báo Lao động), Đức Hiển (báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh)... và có cả một nữ nhà báo tự do người Nhật, chị Hitomi Toyama, nặng lòng với Việt Nam nên cứ quanh năm suốt tháng ruổi rong trên vùng núi Sa Pa, Đà Lạt lạnh giá, soi ống kính mình trên khắp các nẻo đường. Chị còn đi cả vào những nét đẹp, những nỗi buồn, từ chiếc áo dài của những thiếu nữ tươi xinh đến những nỗi đau màu da cam... Làm báo không chỉ là nghề mà còn là cái nghiệp, đã "vướng"  vào rồi thì khó lòng thoát, khó lòng quay lưng.

Những nhà báo được giới thiệu trong tập sách đủ mọi lứa tuổi, mọi thời kỳ làm báo. Họ là những người từng cầm bút qua nhiều giai đoạn chông gai của đất nước như NSND Phạm Khắc (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Hồ (Hãng phim truyền hình TFS)... với những phút giây không dễ gì lặp lại trong đời, một bên là súng trường, một bên là máy ảnh, máy quay phim cũng xông pha ra mặt trận trên tuyến đầu như những người lính thực thụ. Họ cũng là những người còn rất trẻ như Trọng Phước (Phó trưởng ban thanh niên - báo Thanh Niên), Trung Nghĩa (báo Tuổi Trẻ)... nhưng đã khá dạn dày trong nghiệp cầm bút, mang máy ảnh xông pha trên mọi lĩnh vực cuộc sống, trên những nẻo đường trong nước và quốc tế.

Phóng viên báo địa phương duy nhất được chọn trong 50 gương mặt này là Kim Loan, phóng viên kinh tế báo Đồng Nai. Câu chuyện của chị cho thấy một phóng viên báo tỉnh vẫn có thể giỏi nghề, chuyên nghiệp trong làm báo.

Không chỉ những người cầm bút, những nhà báo làm công tác quản lý, biên tập cũng xuất hiện trên diễn đàn như nhà báo Hữu Ước (Tổng biên tập báo Công an Nhân Dân), Dương Kỳ Anh (Tổng biên tập báo Tiền Phong), Nguyễn Thị Hằng Nga (Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, nguyên Tổng biên tập báo Người Lao Động), nhà báo  Huỳnh Sơn Phước (Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ)... Có thể nói, toàn bộ những gì liên quan đến nghề báo, từ chuyện "bếp núc" đến chuyện đi viết bài, nghệ thuật phỏng vấn...) đều được "trải" ra trong từng trang sách.

 Đọc "Trò chuyện với 50 nhà báo", những người làm báo nói chung và sinh viên báo chí nói riêng - sẽ có dịp "soi" kỹ hơn những khó khăn, thuận lợi, những trắc trở lẫn vinh quang trong nghề để tích góp cho mình những kinh nghiệm cũng như chọn cho mình hướng đi đúng đắn trong nghề. Và trên hết, thông điệp mà những nhà báo muốn đem đến cho người đọc là : Không có năng lực hay thành công nào sẵn có, tất cả đều phải xuất phát từ thái độ học hỏi chân thành và sự lao động siêng năng, bền bỉ.

Kim Ngân

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích