Báo Đồng Nai điện tử
En

Người đánh cá thượng nguồn sông Đồng Nai và chuyện cứu người trên chuyến đò định mệnh

09:07, 20/07/2005

Anh không nhận công lao cho riêng mình. Vì, với anh, hôm ấy còn có nhiều người cũng lao xuống dòng thác cứu những nạn nhân bị chìm đò. Anh chỉ nhận mình là người quá quen thuộc với từng khúc sông, bãi đá ngầm, dòng chảy và nhờ tài bơi lội, cộng với chút lòng quả cảm.

Anh Lê Văn Nghi (thường gọi là anh An)

Anh không nhận công lao cho riêng mình. Vì, với anh, hôm ấy còn có nhiều người cũng lao xuống dòng thác cứu những nạn nhân bị chìm đò. Anh chỉ nhận mình là người quá quen thuộc với từng khúc sông, bãi đá ngầm, dòng chảy và nhờ tài bơi lội, cộng với chút lòng quả cảm. Câu chuyện đầy cảm động mà chúng tôi sắp kể dưới đây cho thấy, anh thật sự xứng đáng được dân làng tôn vinh là vị cứu tinh ở thượng nguồn sông Đồng Nai vì những hành động dũng cảm và thấm đượm tình người...

 

* Cứu người trên sông giữa đêm tối trời

Sau một ngày ngược dòng sông  Đồng Nai chài lưới trở về, anh chưa kịp ngồi ăn cơm thì thấy KBrịt chạy đến nhà van nài: "Chú An ơi! Cứu chị em cháu đang kẹt giữa thác Thượng gấp, không thì chúng nó chết hết". Anh vội phóng ào ra cửa, chạy như bay về hướng dòng thác. Trời tối đen như mực. Thác đổ ầm ầm. Mưa vẫn rỉ rả. Sau vài phút định thần, anh ra lệnh cho đám thanh niên chạy tìm gấp dây thừng và một chiếc xuồng. Mọi thứ nhanh chóng được mang đến. Theo lệnh  anh An, đám thanh niên buộc chặt một đầu dây thừng vào bụi rù rì mọc gần bờ, đầu còn lại nối với dây xuồng mà anh và KBrịt đã ngồi sẵn trên đó. Xuồng bắt đầu xuất bến, theo con nước đổ, hướng về nơi có hai phụ nữ và một trẻ em đang bị  kẹt giữa sông. Nhờ anh "thuộc nằm lòng" đoạn sông và đặc tính của dòng nước mùa lũ dâng nên chuyện vượt sông, "ngồi trên đầu" ngọn thác Thượng vào giữa đêm tối trời như thế này thực tế không mấy khó khăn.

Thế nhưng có một sự cố bất ngờ đã xảy ra. Khi vừa đến nơi, nước chảy quá mạnh, chiếc xuồng của anh va vào đá gãy làm đôi. Thấy vậy, ba nạn nhân bị kẹt giữa dòng thác càng gào khóc thảm thiết. Anh An trấn an: "Đừng khóc làm rối đội hình. Để từ từ tao tìm cách cứu cho. Tụi bây ở hiền gặp lành mà. Sợ gì chết!". Nói rồi, anh và KBrịt cho lật úp lại một nửa chiếc xuồng bị gãy và khiêng đặt trên một tảng đá để các nạn nhân lên ngồi cho đỡ lạnh. Mọi người lên ngồi trên xuồng, quần áo chưa kịp khô thì mưa lại bắt đầu đổ hạt. May mắn là mưa nhỏ và mau dứt. Nhìn sao trời, anh An dự đoán  đã quá nửa đêm. Hai bên bờ  sông, mọi người chờ đợi mỏi mòn đã lần lượt kéo nhau về nhà ngủ hết. Ở đầu bến đò chỉ còn mỗi ngọn đèn dầu leo lét treo lơ lửng. Anh An nghĩ, biết đâu đó là đèn của vợ mình! Nhưng không làm sao liên hệ được vào trong bờ, vì thác nước vẫn gầm  thét dữ dội. Anh quay lại "kiểm tra" các nạn nhân: "Tụi bây ăn uống gì chưa?". Chừng đó mọi người mới sực nhớ đã gần một ngày trôi qua họ chưa có miếng cơm nào trong bụng. Vào hoàn cảnh ấy thì thứ duy nhất có thể cứu sống những người đang kẹt giữa sông chính là những đọt rù rì. Ăn xong, mọi người vốc nước thác lên mà uống. Giải quyết yên phần nào cái bụng, những người bị kẹt giữa sông lại phải đối phó với đám muỗi. Muỗi nhiều như trấu vãi. Nhưng khổ nhất vẫn là anh An, vì khi chạy đi cứu người chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn nên tấm lưng trần của anh mặc sức cho lũ muỗi chọn làm bãi đáp. Vậy mà anh vẫn không bỏ cái tật hay cà rỡn khi thấy chị em KThủy, KHòa cứ sụt sùi: "Tụi bây cứ khóc  cho đã đi, mai chết là hết khóc được nữa rồi".

9 giờ sáng hôm sau, chính quyền địa phương và người dân đã tổ chức cứu đói cho các nạn nhân đang kẹt giữa dòng sông. Vợ KBrịt nấu cơm. Ông KSa cho thêm keo muối cục. Cơm, muối cho vào bình nhựa (loại 5 lít), buộc chặt vào một đầu dây thừng nhờ sức nước đưa ra chỗ các nạn nhân đang đứng. Có cơm, mọi người lấy lại sức, lấy lại bình tĩnh. Lúc này anh An quyết định cho KBrịt lần theo dây thừng trở vào bờ trước để tìm phương án cứu nạn. 12 giờ trưa vẫn không có tín hiệu khả quan nào báo ra nên anh quyết định một mình "đu" dây vào bờ tiếp. Lúc đó, lãnh đạo UBND huyện và Ban chỉ huy Công an huyện Định Quán đã có mặt và trực tiếp chỉ đạo các biện pháp cứu người. Phương án cuối cùng mà tập thể UBND huyện và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một đã tính tới là đưa trực thăng xuống  cứu hộ. Nhưng rồi mọi người cũng rất đồng tình với ý kiến của anh là với điều kiện, phương tiện hiện có thì cứ còn nước còn tát. Thế là chiếc ca nô của Công an huyện Định Quán do tài công Mười  điều khiển vượt sông hướng về ngọn thác. Nhưng do không quen luồng, quen dòng chảy  nên ca nô bị nước cuốn về bãi đá, rồi đột ngột quay sang đập vào một ghềnh đá. Theo chỉ đạo của Trung tá Nguyễn Đức Chương (lúc đó là Phó trưởng Công an huyện Định Quán), "đội" cứu hộ phải làm theo lệnh của anh An - một người rất am hiểu dòng chảy, bãi đá ngầm, luồng lạch nơi đây. Thế là chiếc ca nô không nổ máy nữa mà lần thả theo sợi dây thừng đã được bố trí vào đêm trước. Ca nô cũng không đến được nơi các nạn nhân đang đứng vì đụng đá ngầm. Các thành viên trong "đội" cứu hộ đã phải vượt thác để cõng từng người đưa  lên ca nô.

18 giờ ngày 13-6-2003 , tức là sau hơn 24 giờ bị kẹt giữa dòng thác lũ, các nạn nhân đã được cứu thoát. Hàng trăm người dân chạy đến công kênh các chiến  sĩ công an, reo mừng thắng lợi. Trung tá Nguyễn Đức Chương thưởng "nóng" 500.000 đồng cho anh An - người cứu hộ tài ba nhất hôm đó ...

Anh An đang chỉ tay về hướng thác nước, nơi các nạn nhân bị chìm đò

 

* Chuyến đò định mệnh và tấm lòng người dân

Sự kiện anh An đánh cá trên thượng nguồn sông Đồng Nai mưu trí,  dũng cảm, tham gia cứu được 3 người sắp chết đuối do chuyến đò định mệnh bị chìm vào 4 giờ chiều ngày 12-6-2003 tại bến đò thác Thượng trên sông Đồng Nai (thuộc ấp 7, ấp xa nhất của xã Phú Tân, huyện Định Quán) được nhiều người nể  phục. Tai nạn đã làm  3 người chết, 5 người tự bơi vào bờ hoặc được cứu vớt kịp thời, 3 người khác gồm chị em KThủy,  KHòa và một em bé mới hơn 2 tuổi bị kẹt lại giữa dòng sông và cũng là đầu ngọn thác Thượng. Tại nơi xảy ra tai nạn, lòng sông rộng khoảng 400m, sâu chừng 4-5m, có nhiều bãi đá ngầm nguy hiểm và nước chảy rất xiết. Ba người bị kẹt giữa dòng thác may mắn còn sống sót là nhờ nắm được mấy cây rù rì mọc giữa sông (thứ cây cỏ thân mảnh mai,  rễ bám vào khe đá, thường mọc dưới nước). Các nạn nhân phải đứng giữa sông, giữa dòng thác dữ, chịu đựng quá một ngày đêm. Trong khi đó, để cứu họ, hàng trăm người dân hai bên bờ sông đã làm nhiều việc hết sức cảm động: Thị Quý nhờ bơi giỏi,  nhanh trí, đã cứu sống được 2 người; vợ chồng Kịt A Dưỡng bỏ tiền túi ra lo cơm nước phục vụ miễn phí cho "đội" cứu hộ; hàng trăm người dân hò nhau cùng Công an huyện Định Quán phụ kéo chiếc ca nô vượt qua 2km đồi rẫy... Lãnh đạo huyện Định Quán  và các cán bộ, chiến sĩ công an huyện, xã cũng đã có mặt kịp thời để chỉ đạo và triển khai các phương án cứu nạn. Và phương án cuối cùng đưa ra là gọi trực thăng cứu hộ cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tính đến. Nhưng nhờ có những con người quả cảm như anh Lê Văn Nghi (thường gọi là An) 45 tuổi, cùng với Chương Sinh, KBrịt, Sơn Trắng, Mười tài công... nên đến 6 giờ chiều  ngày hôm sau của vụ tai nạn, tức 13-6-2003  ba nạn nhân còn lại của vụ chìm đò đã được cứu thoát.

Phong Vũ

Tin xem nhiều