Báo Đồng Nai điện tử
En

Vài kỷ niệm nhỏ với ông chủ nhiệm duy nhất của báo Đồng Nai

12:06, 21/06/2005

Chức danh chủ nhiệm nghe có vẻ lạ đối với nhiều người làm báo bây giờ. Nhưng báo Đồng Nai (bộ mới sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam) hồi đầu mới ra mắt bạn đọc thì ngoài ông Lê Tư Huyền, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm tổng biên tập; ông Đoàn Ngọc Giao, Phó tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn...

Đ/c Lê Quang Thành, nguyên chủ nhiệm báo Đồng Nai trong lần về thăm và dự buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm báo Đồng Nai

Chức danh chủ nhiệm nghe có vẻ lạ đối với nhiều người làm báo bây giờ. Nhưng báo Đồng Nai (bộ mới sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam) hồi đầu mới ra mắt bạn đọc thì ngoài ông Lê Tư Huyền, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm tổng biên tập; ông Đoàn Ngọc Giao, Phó tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn... còn có ông Lê Quang Thành - Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo làm chủ nhiệm. Ông tổng biên tập thì hàng tháng đôi ba lần ghé tòa soạn báo hội  ý, bàn bạc với phó tổng biên tập chịu trách nhiệm điều hành công việc làm báo hoặc cho ý kiến về vấn đề nhân sự. Riêng ông chủ nhiệm thì hầu như không đặt chân đến tòa soạn. Tuy vậy, việc chỉ đạo của ông chủ nhiệm đối với tờ báo thật sát sao. Còn nhớ lúc ấy tòa soạn báo Đồng Nai chỉ có chừng chục người cả biên tập, phóng viên lẫn nhiếp ảnh... sống và làm việc tại cơ quan (đặt tại 100/1, cạnh ao rau muống ở QL1). Chúng tôi rất nhiều lần, khi thì bữa trưa, lúc thì buổi tối lốc thốc kéo nhau qua nhà của ông chủ nhiệm (cạnh nhà thiếu nhi tỉnh) để được nghe phổ biến nhanh chủ trương mới của Tỉnh ủy, để kịp thời có kế hoạch tuyên truyền. Lúc đó, tỉnh mới vừa thành lập nên có rất nhiều công việc phải giải quyết. Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm việc, họp hành không kể ngày đêm. Các cơ quan khác cũng vậy, huyện hội họp ban đêm là rất bình thường. Niềm vui của những người làm báo Đồng Nai chúng tôi lúc đó là thấy mình được Tỉnh ủy quan tâm, nên bất kể giờ giấc, mỗi lần được chủ nhiệm "kêu" qua là rất phấn khởi. Tuy vậy, có một chuyện mà ai cũng ngán khi ngồi làm việc với ông chủ nhiệm Tư Thành (Lê Quang Thành). Đó là ông rất ghét thuốc lá. Ông cấm ngặt con trai ông (Phó tổng biên tập Đoàn Ngọc Giao) không được hút thuốc. Và thủ trưởng Ba Giao mỗi lần kéo chúng tôi đến nghe ông chủ nhiệm phổ biến chủ trương mới của Tỉnh ủy đều căn dặn rất kỹ chuyện này. Có người như Lữ Sĩ Sinh (nay là Phó giám đốc Đài PTTH Bà Rịa - Vũng Tàu) hoặc tôi... kéo thuốc rê tỏa khói như ống tàu bể đến nỗi vàng cả mấy ngón tay... Nhưng nhìn thấy ông Phó tổng biên tập Ba Giao cứ cục cựa vì thèm thuốc, còn ông chủ nhiệm thì nghiêm quá nên dân ghiền chúng tôi đều ráng trân mình chịu đựng. Đến nay, tôi đã "nói không" với thuốc lá được trên mười năm và có thể tự hào nói rằng mình đã đoạn tuyệt được với thuốc lá, mỗi lần nhớ lại  chuyện  ghét thuốc lá  của ông chủ nhiệm báo Đồng Nai Lê Quang Thành với những giờ phút bị tra tấn bởi cơn ghiền mà mình phải chịu đựng đều nghĩ rằng đây cũng là một thử thách giúp nhà báo vượt qua... Còn kỷ niệm lớn hơn của tôi với vị chủ nhiệm đầu tiên và cũng là duy nhất này của báo Đồng Nai (vì đến nay báo Đồng Nai không hề có vị nào được cử làm chủ nhiệm sau đồng chí Tư Thành) lại là vấn đề... nghề báo. Trong những lần phổ biến nhanh chủ trương mới của Tỉnh ủy, ông chủ nhiệm Tư Thành thường hay dặn dò những công việc mà báo phải làm. Tôi nhớ nhất là câu nhấn mạnh của chú Tư:

- Chủ trương của Tỉnh ủy là như vậy! Nhưng tôi lưu ý các đồng chí báo Đồng Nai, nhất là mấy cô, cậu phóng viên trẻ trẻ là phải bám sát với cuộc sống để ráng sức tìm cho được những cách làm mới, những mô hình mới nhằm mở rộng thành phong trào quần chúng, biến chủ trương thành hoạt động cách mạng một cách sinh động, thực tiễn. Tôi phải nói thêm chỗ này vì công việc cách mạng mới mẻ lắm, chưa có tiền lệ... Mình làm nhà báo là để động viên, cổ vũ quần chúng tham gia các hoạt động cách mạng, phải biết tìm ra nhân tố mới, điển hình, người tốt - việc tốt mà đưa lên báo, nhằm phát huy, cổ vũ đông đảo mọi người làm theo.

Ghi nhớ những lời chỉ dạy của ông chủ nhiệm Tư Thành, một hôm cùng phó tổng biên tập Ba Giao đi dự hội nghị điển hình của ngành thương nghiệp được tổ chức lần đầu tiên ở tỉnh nhà, ngoài một tin tường thuật, tôi còn khai thác và viết một bài người tốt - việc tốt có tựa đề là: "Nàng dâu đảm đang trăm họ" để biểu dương một cô mậu dịch viên của Công ty công nghệ thực phẩm Đồng Nai có thái độ phục vụ tốt. Bài viết này đã mang đến cho tôi một... "vinh quang" hiếm có. Sáng báo vừa phát hành, chủ nhiệm Tư Thành đã chỉ đạo cho Phó tổng biên tập Ba Giao chuẩn bị sẵn 100 tờ báo và giao cho tôi ôm ra xe để cùng với ông chủ nhiệm  đi dự bế giảng lớp biên tập đầu tiên của tỉnh đang tổ chức tại trường Đảng ở Tân Mai. Mỗi học viên được phát một tờ báo Đồng Nai. Trong bài phát biểu với học viên, chú Tư Thành đã đưa bài viết của tôi lên để làm một thí dụ điển hình trong cách khai thác và viết về người tốt - việc tốt. Mặc dù chú Tư Thành không hề nói tên của tác giả, nhưng ngồi bên dưới tôi nghe mà nở từng khúc ruột. Mặc dù bài viết này chỉ có khoảng ba trăm chữ, mà trong đó có đến hơn hai phần ba của bản thảo bị sửa chữa đỏ bởi nét chữ của thư ký tòa soạn. Thế mà bài viết ấy vẫn làm cho tôi ngất ngây đến mấy ngày.

Một lần khác, được chỉ đạo trực tiếp của chủ nhiệm Tư Thành, anh Ba Giao lái xe và vác máy ảnh chở tôi đi gấp xuống Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) để phản ánh không khí thi đua lao động tại công trình thủy lợi  lớn và đầu tiên của tỉnh. Lúc đó dân ăn chưa no, còn cán bộ thì cũng đói nên hai nhà báo của tỉnh phải ăn mỗi người một cái bánh ú và uống 1 ly cà phê đen lót dạ. Sau chuyến đi này, tôi lại phát hiện và đưa lên báo một gương lao động nhiệt tình của một thanh niên Thiên chúa giáo. Bài viết được bạn đọc chú ý. Đáng mừng hơn là vài năm sau khi tỉnh mở đại hội điển hình thanh niên tiên tiến lần thứ 1 ở Nhà thiếu nhi tỉnh, "nhân vật" của tôi được cử làm đại biểu tham dự. Hai chúng tôi gặp nhau mừng rỡ, xúc động. Tôi gặp và viết về anh khi chỉ là một phóng viên tập sự rất đỗi ngỡ ngàng với những từ ngữ xa lạ đối với dân đô thị miền Nam lúc bấy giờ như: "thủy lợi", "đông xuân"... (mà nói như Phó tổng biên tập Ba Giao: phóng viên mới vô nghề chúng tôi lúc ấy đều là... "nông dân cày đường nhựa") thì khi gặp lại anh tại đại hội, anh đã là bí thư Đoàn xã Vĩnh Thanh, còn tôi cũng đang nghiễm nhiên là trưởng tiểu ban tuyên truyền về nông nghiệp.

Về các lĩnh vực chuyên ngành thì có rất nhiều điều tôi phải học, nghiên cứu mỗi khi được ban biên tập  giao và  phân công lĩnh vực tuyên truyền mới. Thế nhưng, điều mà tôi học được và rất tâm đắc trong nghề làm báo là phải hết sức quan tâm, chú ý đến việc phát hiện nhân tố điển hình, nhân tố mới, người tốt - việc tốt như lời chỉ dẫn ân cần của vị chủ nhiệm đầu tiên của báo Đồng Nai.

Từ những chỉ dẫn ban đầu của chủ nhiệm Tư Thành, trong nhiều năm qua trên trang báo Đồng Nai có chuyên mục "Trong cảnh đời thường" (nay được đổi thành Nét đẹp đời thường) đã đứng chân trên mặt báo, được bạn đọc xa gần quan tâm, chú ý và cũng tạo ra được những hiệu quả xã hội nhất định.

Tôi viết bài này trong dịp kỷ niệm 80 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam cũng là lúc mà vị cựu chủ nhiệm đầu tiên và duy nhất của báo Đồng Nai đã 81 tuổi, đang bên bờ tử sinh của ca phẫu thuật hiểm nghèo bởi chứng suy mạch vành của một con tim mang nhiều rung động cuộc đời.

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều