Báo Đồng Nai điện tử
En

"Tổng biên tập" báo Đồng Nai thời đánh Mỹ

09:06, 17/06/2005

Vào tháng 6-1961, tỉnh Biên Hòa được lập lại (trước đó sáp nhập với Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên). Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa là đồng chí Năm Kiêm (tức Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Văn Trị) kiêm Trưởng ban tuyên huấn.

Một số tờ báo Đồng Nai trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Vào tháng 6-1961, tỉnh Biên Hòa được lập lại (trước đó sáp nhập với Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên). Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa là đồng chí Năm Kiêm (tức Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Văn Trị) kiêm Trưởng ban tuyên huấn. Ngoài bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm trưởng ban tuyên huấn, phó ban là đồng chí Chín Nam (Nguyễn Hoàng Nam), lãnh đạo Ban tuyên huấn còn có đồng chí Tám Thạch (Nguyễn Văn Thạch) là ủy viên Ban tuyên huấn, phụ trách Hội Văn nghệ giải phóng tỉnh Biên Hòa. Để phục vụ nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, đồng thời cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy Biên Hòa chủ trương ra tờ báo lấy tên Đồng Nai và giao cho ủy viên Ban tuyên huấn Tám Thạch phụ trách.

Ông Sáu Ri (Nguyễn Văn Ri - nguyên phó trưởng ban Kiểm tra Đảng Tỉnh ủy Đồng Nai) đang nghỉ hưu ở phường Tam Hiệp (TP. Biên Hòa) nhớ lại: "Hồi đó Tỉnh ủy giao cho đồng chí Tám Thạch phụ trách báo Đồng Nai. Nói là phụ trách chớ không có chức danh "Tổng biên tập" như bây giờ, hoặc gọi là "chủ bút" như báo chí Sài Gòn gì cả! Cũng như Trần Văn Ron - trưởng đoàn văn công hy sinh, tôi lên thay được gọi là..."phụ trách". Nhưng "thủ trưởng" Tám Thạch giỏi lắm, vừa "phụ trách" đám văn nghệ vừa làm "Tổng biên tập" báo Đồng Nai ngon lành!".

Ông Sáu Ri vui vẻ kể thêm:

- "Để chuẩn bị làm tờ báo Đồng Nai trong hoàn cảnh gần như không có gì, ngoài ông "Tổng biên tập" Tám Thạch và "giám đốc" nhà in Đồng Nai là Ba Tùng (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thống Nhất - nay đang nghỉ hưu ở thị trấn Trảng Bom) với cái máy quay Ronéo, Tỉnh ủy đã tăng cường cho báo Đồng Nai một số cán bộ từ thị xã Thủ Dầu Một qua như: Bảy Chí (Mai Xuân Việt), Tư Kỳ, Tư Bạch... đặc biệt là một họa sĩ lấy tên là Thợ Ba để làm khâu trình bày; trang trí cho tờ báo. Thật tình, họa sĩ Thợ Ba vốn là một học sinh đệ tam, mới nhảy vô rừng, nên đã xảy ra những chuyện cười muốn chết. Báo Đồng Nai lúc đó chủ trương mỗi số ở trang nhất đều có một tranh minh họa chủ đề. Ông Tám Thạch gợi  ý, còn Thợ Ba thì vẽ. Có lần Tám Thạch giao vẽ hình tên Nhật thì "họa sĩ báo" lại vẽ giống thằng Tây. Riêng số báo đặc biệt mừng xuân Nhâm Dần 1962 (được xem là giai phẩm báo chí bề thế nhất lúc bấy giờ dày cả 38 trang), Thợ Ba vẽ hình cọp mà cả Ban tuyên huấn cười bò lăn vì nó giống... con mèo. Hỏi ra mới biết ông họa sĩ này chưa bao giờ nhìn thấy cọp. Nghe nó giống mèo nên anh cứ ang áng con mèo mà vẽ. Còn tôi thì được giao ra Trảng Bom, An Viễng để tải giấy về in báo. Hồi đó ở khu vực này "bồ" (voi) nhiều lắm. "Bồ" đi thành đàn. Tôi tải giấy về tới An Viễng thì bị... "bồ" cản. Nóng ruột với công việc, tôi bèn móc súng ra bắn 2 phát để dọn đường. Hoàn thành nhiệm vụ một cách ngon lành như vậy, tưởng là được "thủ trưởng" ngợi khen, ai dè ông Tám Thạch lôi tôi ra "nạo" một trận rất dữ. Vậy chứ ông Tám Thạch sống với anh em tình cảm lắm. Ổng vốn là thầy giáo, giỏi văn thơ; nói đã hay và viết chữ cũng rất đẹp.

Báo Đồng Nai do "Tổng biên tập" Tám Thạch trực tiếp điều hành, tổ chức bài vở, in ấn, phát hành đã ra được số báo đầu tiên ngày 25-1-1962 . Đây cũng là số báo đặc biệt mừng xuân Nhâm Dần nên với 38 trang trên khổ 30-40cm, tờ báo Đồng Nai (còn được tính là tờ báo số 6, tiếp nối 5 số báo Thủ Biên trước đó) được in ra với số lượng 3.000 tờ.

Báo Đồng Nai ra mỗi tháng một kỳ và trên mỗi số báo đều có chủ đề riêng như: số đặc biệt về Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Biên Hòa lần thứ nhất; số đặc biệt kỷ niệm Cách mạng tháng Tám; số báo nhiệt liệt hưởng ứng 4 chủ trương cứu nước khẩn cấp của Mặt trận... Mỗi số đều có xã luận, ghi nhanh, tin tường thuật sự kiện liên quan đến chủ đề trọng tâm, tranh minh họa, thơ... đặc biệt báo còn có mục tiểu phẩm dưới bút danh: "Hầm chông", "Tầm vông vạt nhọn"... do chính "Tổng biên tập" Tám Thạch thủ bút với lối phê phán, đả kích khá dí dỏm, sắc sảo, được bạn đọc thích thú theo dõi. Đáng chú ý là mỗi số báo đều có mục "hộp thơ" cũng do Tám Thạch phụ trách với bút danh là Văn Thạch trả lời rất trân trọng từng bài vở, ý kiến, thắc mắc của cộng tác viên, bạn đọc trong vùng giải phóng lẫn ngoài thành đang bị tạm chiếm.

Hai người thân còn lại của cố Tổng biên tập báo Đồng Nai Nguyễn Văn Thạch (Tám Thạch) : bà vợ Nguyễn Thị Chính và con trai Lê Nguyễn Chinh Chiến

Phải nói, trên những số báo Đồng Nai đặc biệt hoặc báo Đồng Nai Tết rất là đa dạng, phong phú bài vở với đủ loại thể tài. Ngoài phần điểm lại tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh, còn có truyện ngắn, tuyển thơ, vọng cổ, đố vui, sớ táo quân...

Không kể ông "Tổng biên tập" Tám Thạch gần như "bao sân" trên báo Đồng Nai với những bài xã luận, chính luận, tiểu phẩm... người đọc còn nhận ra được những cây bút có bản sắc riêng như Thanh Lam, Đinh Châu, Hùng Hoa, Chính Nghĩa, Hồng Châu, soạn giả Thanh Hải, nhạc sĩ Vĩnh Tân, họa sĩ Lê Minh, khắc gỗ Văn An... Nhưng đặc sắc nhất có lẽ là những truyện ngắn của Văn Khanh (tức ông Nguyễn Văn Y - Phó ban kinh tài tỉnh Biên Hòa  thời bấy giờ và sau này cũng là một cộng tác viên tích cực của báo Đồng Nai bộ mới sau giải phóng)".

Ông Sáu Báu (Nguyễn Văn Khinh - nguyên là phó đoàn văn công tỉnh Biên Hòa) nay đã 70 tuổi đang nghỉ hưu ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) kể lại:

"Tui vô rừng ngày 20-10-1961 . Lúc đó ông Tám Thạch là thủ trưởng của tui. Ổng giảng bài rất hay và thuộc rất nhiều thơ cách mạng. Đang giảng bài ổng đọc thơ minh họa làm cho học viên nghe rất khoái. Khi làm báo Đồng Nai ổng vừa ngồi hút thuốc rê tỏa khói mù mịt vừa viết bài đọc nghe rất đã. Ông quan hệ rất tốt với anh em văn nghệ sĩ rồi gợi ý cho từng người viết bài, đặt nhạc, làm thơ để đăng báo. Ai viết cách gì qua tay ổng sửa cũng đều được đăng lên báo nên anh em cộng tác với báo Đồng Nai rất đông. Đặc biệt, ông Tám Thạch còn móc được với cô gái Đồng Thị Chỉnh lúc đó đang dạy ở Trường tiểu học Phú Mỹ viết bài, làm thơ lấy tên là Tường Vi để gởi vô rừng đăng báo Đồng Nai".

Trong căn nhà nằm giữa vườn cây trái xanh tươi ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội, vợ cố Tổng biên tập Nguyễn Văn Thạch (đã hy sinh vào ngày mùng 6 Tết Mậu Thân tại Tân Uyên - nay thuộc tỉnh Bình Dương), bà Nguyễn Thị Chính, 81 tuổi, bùi ngùi nhắc lại:

"Ông Tám cưới tui năm tui 22 tuổi, còn ổng đã 27 tuổi. Ông cao ráo, trắng trẻo, hiền lành và vui tính lắm! Chỉ mỗi cái là ổng hút thuốc rê liền tù tì đến vàng cả mấy ngón tay. Cưới nhau xong, ổng đi biền biệt. Đầu năm 1949 giặc bố ráp quá, ổng mới về đưa tôi vào sống ở chiến khu Phước An. Lúc đó tôi mới biết là ổng làm công tác tuyên huấn và ổng viết báo, làm thơ đủ thứ... Năm sau thì tôi sanh thằng con đầu lòng!".

"Thằng con đầu lòng" của ông Tám Thạch là Lê Nguyễn Chinh Chiến nay đã 55 tuổi và đang là thầy giáo của Trường THPT bán công Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Long Thành. Ông Chiến đưa ra tấm huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam " do Hội Nhà báo Việt Nam truy tặng cho ba ông và nói: "Đáng tiếc là chúng tôi không giữ được tấm hình nào của ông. Còn tên thật của ông là Lê Văn Đấu. Bà con ở Phú Hội hay gọi là thầy giáo Tám Đấu...".

Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều