Báo Đồng Nai điện tử
En

Những làng dân tộc phát triển bền vững ở Xuân Lộc

09:06, 27/06/2005

Xuân Lộc có 12.252 người dân tộc thiểu số, chiếm 5,85% dân số toàn huyện. Tạo điều kiện cho đồng bào an cư lập nghiệp, phát triển bền vững là mục tiêu mà Đảng bộ huyện đã đề ra cách đây 5 năm. Từ chủ trương này, những làng dân tộc ở Xuân Lộc đã ra đời...

Một hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Xuân Lộc được chính quyền cấp bò để nuôi.

Xuân Lộc có 12.252 người dân tộc thiểu số, chiếm 5,85% dân số toàn huyện. Tạo điều kiện cho đồng bào an cư lập nghiệp, phát triển bền vững là mục tiêu mà Đảng bộ huyện đã đề ra cách đây 5 năm. Từ chủ trương này, những làng dân tộc ở Xuân Lộc đã ra đời...

Sóc Ba Buông (ấp 1, xã Xuân Hòa) là làng dân tộc đầu tiên của huyện được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng. Khái niệm làng dân tộc bắt đầu từ đây khi các công trình  2 km đường cấp phối nối từ quốc lộ 1 vào làng, những cây cầu bê tông bắt qua suối, điện lưới quốc gia kéo đến từng hộ dân, đập nước phục vụ tưới tiêu được xây dựng... Những công trình này đã kéo trên 140 người Stiêng ở lại với vùng đất Xuân Hòa không còn tình trạng du canh du cư, bức mây chặt rừng nữa. Những chòi lá cũ rách đã được thay thế bằng 33 căn nhà xây gạch lợp tôn. Rồi một lớp học dành cho các cháu ra đời tại làng. Từ làng dân tộc ở sóc Ba Buông đã xuất hiện những điển hình tiêu biểu vượt lên đói nghèo nhờ Nhà nước hỗ trợ bò giống để nuôi, hướng dẫn cách trồng bắp, trồng lúa cho năng suất cao.

Ở Xuân Hòa còn có làng dân tộc của người Châu Ro. Để ngôi làng này hình thành, cán bộ xã và huyện phải nhiều lần xuống vùng núi Mây Tàu, Bình Châu, núi Bể... để vận động đồng bào trở về quê sinh sống. Bên cạnh  việc vận động, chính quyền địa phương đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như: làm đường, kéo điện, khoan giếng nước và xây dựng nhà tình thương tặng bà con. Từ chỗ ban đầu chỉ có 14 hộ với 50 nhân khẩu sinh sống, đến nay số hộ trong làng đã tăng lên 21 (với 97 nhân khẩu). Đồng bào ở đây được cấp bò nuôi. Đến nay, nhiều hộ khá lên từ  việc nuôi bò, có tiền mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Còn đồng bào dân tộc Châu Ro ở ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú) thì có lợi thế là định canh định cư được gần nửa thế kỷ qua và là ngôi làng có đông dân (221 hộ với 1.145 nhân khẩu). Ông Thổ Hùng, phó ban ấp kiêm trưởng công an ấp và là một trong số những đảng viên người dân tộc nơi đây, cho biết: "Đa số các hộ gia đình ở đây có ruộng, rẫy sản xuất. Nhiều thanh niên được học hành nên đi làm công nhân, thu nhập ổn định. Làng tôi có nhiều hộ khá lên nhờ sinh ít con, biết đem khoa học kỹ thuật vào nuôi con bò, trồng cây bắp cho năng suất cao như bà Thị Út, ông Nguyễn Văn Riềng...". Già làng Hùng Văn Xứng cho biết thêm: "Chính quyền giúp chúng tôi giữ đất sản xuất, cấp bò cho nuôi, xây dựng xưởng hạt điều và ưu tiên cho thanh niên dân tộc vào làm công nhân. Chính quyền còn xây cho một trường học tại làng, xây nhà văn hóa để đồng bào sinh hoạt, làm đường nhựa, kéo điện về cho dân thắp sáng. Nhờ vậy, đến nay phần lớn dân làng tôi thoát  khỏi đói nghèo".

Riêng với đồng bào dân tộc Châu Ro ở hai ấp Gia Hòa và Trung Sơn (xã Xuân Thọ) thì ngoài việc được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, xây tặng nhà tình thương, chính quyền địa phương còn đầu tư trên 193 triệu đồng xây dựng nhà rông - nhà văn hóa. Tại nhà rông này, hàng ngày đông đảo đồng bào dân tộc ở hai ấp kéo đến sinh hoạt. Thanh niên chơi bóng đá, bóng chuyền; những người còn lại đi bộ, tập thể dục hoặc xem truyền hình, tổ chức múa hát theo các làn điệu của dân tộc mình. Ông Điểu Nhum, một người dân ở đây, nhận xét: "Chính cuộc sống khá hơn, điều kiện thuận lợi hơn thì đồng bào mới tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao thoải mái như vậy".

Nói đến các làng dân tộc ở huyện Xuân Lộc không thể không kể đến làng của đồng bào Chăm ở ấp 4 (xã Xuân Hưng). Ngôi làng này nổi tiếng hơn trong những năm gần đây khi một thánh đường lớn, khang trang được xây dựng nằm cạnh quốc lộ 1A. Ở làng này còn có 2 thánh đường nhỏ khác tồn tại từ lâu để phục vụ cho trên 1.700 người dân theo đạo Hồi nơi đây đến hành lễ mỗi ngày. Việc tổ chức hỏi cưới, tang chế, lễ hội ở đây đều diễn ra đơn giản, lành mạnh, không lãng phí và giữ được nét truyền thống. Đây là một trong số ít ngôi làng dân tộc ở Xuân Lộc có 100% hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Đặc biệt, phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao ở làng Chăm như: múa hát dân ca, bóng chuyền đã thu hút nhiều người tham gia. Không ít gia đình ở làng Chăm đã biết vận động nhau không sinh đông con, lo cho trẻ đến trường, học lên cao, từ bỏ hôn nhân đa thê, chịu nghe và chấp nhận đưa cách thức sản xuất, chăn nuôi khoa học vào sản xuất...

Để xây dựng được những công trình ở các làng dân tộc, vận động đồng bào từ bỏ tập tục lạc hậu vươn lên sống cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn là cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và  nhân dân Xuân Lộc. Đảng bộ, chính quyền và  các cấp, các ngành ở Xuân Lộc còn đang quyết tâm xây dựng tất cả các làng dân tộc trong huyện theo hướng phát triển bền vững.

Trường Quân

 

Tin xem nhiều