Báo Đồng Nai điện tử
En

Những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam thật to lớn và đáng tự hào (*)

09:06, 20/06/2005

(Trích phát biểu của đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 19-6 tại Hà Nội)

Đồng chí Phan Diễn phát biểu tại lễ kỷ niệm.

...Ngày tờ báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập ra số đầu tiên cách đây 80 năm đã mở đầu truyền thống lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. 80 năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta không ngừng tiến lên và giành được những thành tựu to lớn. Lớp lớp đội ngũ các nhà báo Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên định, vững vàng trong những biến động của lịch sử, đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngay sau khi ra đời, bằng việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, giới thiệu về Cách mạng tháng Mười Nga, về thành tựu của Nhà nước Xô Viết và kinh nghiệm đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, tuyên truyền, cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân chống áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân phong kiến, báo Thanh niên đã có những đóng góp quan trọng vào việc chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930. Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành chính quyền, đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng đã trực tiếp viết báo, sử dụng báo chí, cả báo công khai và báo bí mật, làm công cụ quan trọng để truyền bá các tư tưởng cách mạng của Đảng, tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp quần chúng, từng bước xây dựng lực lượng cách mạng để khi thời cơ đến làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám lịch sử, giành lại nền độc lập, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở nước ta và ở Đông Nam Á, mà sắp tới đây chúng ta sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và trong những cuộc chiến đấu sau đó không kém phần khó khăn, gian khổ, với không ít hy sinh để hồi sinh và bảo vệ đất nước, báo chí luôn là một binh chủng hùng mạnh cổ vũ, động viên chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sản xuất, chiến đấu, ở hậu phương cũng như ngoài tiền tuyến để dân tộc ta vượt qua những thử thách hiểm nghèo, lập nên những kỳ tích mới. Trong sự nghiệp cao cả đó, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tự hào về đội ngũ báo chí cách mạng của nước nhà, mãi mãi ghi nhớ công lao, sự hy sinh cao cả của các nhà báo - liệt sĩ cho đất nước. Đặc biệt, trong 20 năm đất nước đổi mới vừa qua, báo chí Việt Nam đã phát triển đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, đẹp và hấp dẫn hơn về hình thức, phản ánh nhanh nhạy nhiều mặt của cuộc sống, cung cấp cho độc giả và khán giả tri thức, thông tin nhiều mặt và nhiều chiều, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới. Báo chí đã nhanh nhạy tuyên truyền và cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ các nhân tố mới, phát hiện, giới thiệu những cách làm ăn có hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu bằng lao động sáng tạo, bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy dân chủ, nhất là xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Không ít nhà báo đã có công phát hiện, kiên trì, dũng cảm đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong xã hội và các tệ nạn xã hội nhức nhối khác. Báo chí đã góp phần tích cực ổn định tình hình chính trị, xã hội, tăng cường kỷ cương, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, thực hiện dân chủ hóa đời sống, phát huy vai trò giám sát xã hội của công luận, vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, vừa là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Đồng thời, báo chí đã tích cực tham gia đấu tranh, phê phán các luận điệu sai trái, các âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực cơ hội, thù địch, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Báo chí còn góp sức rất có hiệu quả vào công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 80 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Những thành tích, đóng góp của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta 80 năm qua thật là to lớn và đáng tự hào. Đảng, Nhà nước, nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, đóng góp ấy, đã dành cho đội ngũ những người làm báo nhiều phần thưởng cao quý. Tôi nhiệt liệt chúc mừng và chia sẻ niềm vui, niềm tự hào cùng các đồng chí, những nhà báo và những người làm công tác báo chí nhân lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày truyền thống của báo chí cách mạng nước ta.

Trải qua 20 năm đổi mới, đất nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được nhân dân ta và bạn bè quốc tế đánh giá cao, đang mở đường cho chúng ta vươn tới những triển vọng và mục tiêu phấn đấu mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trong chặng đường trước mắt, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất gay gắt do những diễn biến phức tạp khó lường của tình hình thế giới và do cả những hạn chế, yếu kém chủ quan của chúng ta trên nhiều lĩnh vực gây ra, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu rất cao, rất quyết liệt để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 như các nghị quyết của Đảng đã xác định. Trong sự nghiệp lớn lao đó, báo chí có vai trò và trách nhiệm to lớn.

Về những nhiệm vụ, trách nhiệm của báo chí, của phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản các tờ báo và Hội Nhà báo Việt Nam trước những yêu cầu của đất nước, nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước đã nêu rất rõ và đầy đủ. Trong dịp này, tôi chỉ xin nêu một số khía cạnh thời sự của vấn đề để các đồng chí cùng tham khảo suy nghĩ.

Ngày nay, những thành tựu mới của khoa học công nghệ trong thời đại toàn cầu hóa đã tạo ra cho báo chí những công cụ mạnh mẽ, những thuận lợi to lớn để phát triển, nâng cao vai trò và ảnh hường của báo chí trong đời sống xã hội. Cùng với các tờ báo truyền thống có lượng bản phát hành ngày càng nhiều, hình thức ngày càng hấp dẫn thì mạng thông tin toàn cầu (Internet), các báo điện tử, các trang thông tin điện tử (Website) đã vượt qua những giới hạn về không gian, thời gian, biên giới quốc gia, bất kể ngày đêm, chuyển tải những khối lượng thông tin to lớn, với tốc độ cao, gần như tức thì tới mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức ở mọi quốc gia trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, báo chí ngày càng có ảnh hưởng và tác động to lớn, nhanh nhạy tới nhận thức, tình cảm và thái độ của nhân dân, tới tâm trạng và dư luận xã hội trong và ngoài nước, tới tình hình kinh tế, chính trị, an ninh, tới hình ảnh và uy tín của đất nước trên thế giới.

Chính vì ảnh hưởng và tác động của báo chí đã lớn hơn trước, "lợi hại" hơn trước mà trách nhiệm của người làm báo với xã hội cũng nặng nề hơn. Phải cân nhắc nhiều hơn khi viết, để làm sao nội dung mỗi bài báo riêng lẻ, cũng như cơ cấu nội dung tổng thể của các thông tin trên báo chí giúp cho xã hội nhận thức đúng được bản chất của sự việc, chiều hướng chủ đạo của các hiện tượng và nhất là giúp cho mọi người xác định được ý thức trách nhiệm và thái độ tích cực với cuộc sống, với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước vĩ đại hôm nay, giữ vững niềm tin và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh kiên quyết, kiên trì chống những thói hư, tật xấu, các tiêu cực, hư hỏng, tội ác và càng chăm lo phát hiện, vun xới, khuyến khích phát triển những nhân tố tích cực, những gương người tốt, việc tốt, những ý nghĩ và tâm hồn cao đẹp, những ý tưởng sáng tạo và những hành động anh hùng. Mặt khác, không thể dễ dãi, tùy tiện khi viết... Chẳng hạn khi viết về những cái hư hỏng, tiêu cực dù cho những hư hỏng, tiêu cực đó có lớn đến đâu, nghiêm trọng đến đâu, và quá trình đấu tranh với những cái đó có quanh co, gian khổ thế nào thì chúng ta cũng nhất thiết không được làm cho người đọc mất lòng tin và dũng khí, ngược lại phải làm cho mọi người có thêm dũng khí, quyết tâm và niềm tin tham gia tích cực hơn, chủ động hơn với tinh thần trách nhiệm và thái độ tỉnh táo, sáng suốt đấu tranh đến cùng, để khắc phục, đẩy lùi và xóa bỏ những hư hỏng sai trái đó. Hiện nay, các phần tử xấu, các đối tượng cơ hội chính trị ở trong nước và các thể lực phản động ở nước ngoài cũng triệt để lợi dụng báo chí, nhất là các loại hình báo chí điện tử để tuyên truyền, phá hoại chế độ ta, kích động, gây rối nội bộ, chia rẽ dân với Đảng và Nhà nước, phá hoại khôi đại đoàn kết toàn dân, làm giảm uy tín quốc tế của nước ta, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Một thủ đoạn mà chúng thường dùng là sự xuyên tạc tình hình, đưa tin bịa đặt, bôi xấu cán bộ lãnh đạo và các tổ chức Đảng và Nhà nước một cách rất xảo quyệt, nhiều khi đưa tin dựng đứng mà như thật. Càng đến gần Đại hội Đảng, chúng càng làm việc này một cách điên cuồng, trắng trợn. Đã đến lúc đội ngũ những người làm báo chúng ta phải tổ chức đấu tranh phản bác lại những hành động và luận điệu sai trái đó một cách kiên quyết, mạnh mẽ, kịp thời, có sức thuyết phục cao ở cả trong nước và quốc tế. Đội ngũ đông đảo những người làm báo đã được rèn luyện, trưởng thành trong chiến đấu và công cuộc đổi mới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, theo dõi, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta tin rằng nhất định báo chí nước ta sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh và trọng trách cao cả của mình trước đất nước và dân tộc, sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy được truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.

(*) Tựa do báo Đồng Nai đặt.

 

Tin xem nhiều