Báo Đồng Nai điện tử
En

Những "con sâu làm rầu nồi canh"...

02:06, 21/06/2005

Trong các hoạt động thường ngày, các cơ quan báo chí nói chung và nhà báo nói riêng đã phát hiện và phê phán những tiêu cực, những mặt trái của xã hội, góp phần cùng các ngành chức năng giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội.

Văn nghệ mừng 80 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng ủy khối kinh tế tổ chức

Trong các hoạt động thường ngày, các cơ quan báo chí nói chung và nhà báo nói riêng đã phát hiện và phê phán những tiêu cực, những mặt trái của xã hội, góp phần cùng các ngành chức năng giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Thế nhưng, bản thân các cơ quan báo chí và nhà báo liệu đã thực sự công tâm và trong sạch? Nhân ngày báo chí Việt Nam 21-6, các nhà báo hãy tự nhìn lại chính mình...

* Từ những ý kiến đóng góp thẳng thắn, chân tình ở một cơ sở...

Ngày 17-6, trong không khí cởi mở, chân tình của buổi họp mặt, tọa đàm với đại diện các cơ quan báo chí của tỉnh do Thị ủy Long Khánh phối hợp với báo Đồng Nai tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Thị ủy mong muốn các nhà báo và các cơ quan báo chí trong tỉnh sắp tới sẽ có những thông tin, tuyên truyền về thị xã nhiều hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn so với trước. Bởi, theo đồng chí, trong thời gian qua, lượng thông tin về địa phương được đăng phát trên các cơ quan báo chí của tỉnh (trong đó có báo Đồng Nai, báo Lao động Đồng Nai, tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và đài PTTH Đồng Nai) vẫn còn quá ít, chưa góp phần phát hiện, động viên kịp thời các điển hình, nhân tố mới, kể cả phát hiện tiêu cực, phát hiện mặt trái của xã hội một cách trung thực, chính xác để giúp địa phương kịp thời chấn chỉnh, khắc phục. Các nhà báo tham dự tọa đàm cũng tỏ ra rất đồng tình với nhận định nêu trên. Thậm chí, nhiều nhà báo còn tỏ ra bức xúc khi cho rằng, hình như có một "rào cản" vô hình nào đó, nên thực tế thời gian qua, khi "tác nghiệp" trên địa bàn thị xã Long Khánh, các nhà báo rất khó tiếp cận với các nguồn thông tin chính thức của thị xã, trong đó có cả việc lãnh đạo một số địa phương và một số ngành còn có biểu hiện né tránh, không muốn tiếp xúc, cung cấp thông tin cho các báo...

Trao đổi với các nhà báo về vấn đề này, đồng chí Bí thư Thị ủy Long Khánh thừa nhận, đây đó trong thời gian qua vẫn còn một số đơn vị, địa phương, một số ngành và kể cả một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của thị xã đã có những biểu hiện "dị ứng" với báo chí. Tuy nhiên, theo đồng chí, mọi thứ xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Bởi, thực tế thời gian qua có những nhà báo, nhất là một số cộng tác viên cho các báo, đài Trung ương, địa phương đã có những hoạt động thiếu "trong sáng" trên địa bàn. Nhiều "nhà báo" loại này thường tìm đến các đơn vị, địa phương và các ngành, chủ yếu chỉ để vòi vĩnh kiếm tiền hoặc gạ gẫm làm quảng cáo là chính. Một số thủ trưởng các cơ quan, đơn vị do không chịu nổi sự "tác động" thường xuyên của số nhà báo này nên họ thường né tránh, nhất là vào thời điểm các báo chuẩn bị ra số tết! Đó là chưa kể, một số tờ báo đã sử dụng những thông tin thiếu chính xác của cộng tác viên nhưng khi địa phương phản ánh ngược lại, thì mọi thứ sau đó vẫn không được đính chính cho minh bạch. Bí thư Thị ủy cũng cho rằng, số nhà báo loại này hoạt động trên địa bàn thực tế không nhiều nhưng rõ ràng chính "con sâu" đã "làm rầu nồi canh", hình ảnh tốt đẹp của các nhà báo vì thế đã bị không ít kẻ nghi ngờ...

*Đến những phản ứng đau lòng...

Người viết bài này có một anh bạn thân tên D. học cùng lớp từ thời phổ thông nay đang là giám đốc của một Công ty xây dựng có tầm cỡ ở một tỉnh miền Trung. Một lần, qua bạn bè cùng lớp, biết tôi đang làm báo tại Đồng Nai, anh bạn điện thoại mời ra chơi nhưng lại kèm theo một lời dặn xanh dờn: "Nếu có dịp, mời ông ghé công ty thăm chơi, nhưng nhớ nói rõ tên chứ đừng xưng nhà báo, bảo vệ sẽ không cho vào!". Mời mãi đến vài năm sau vẫn không thấy tôi ra thăm, D. đích thân tìm đến tận nhà tôi tại TP. Biên Hòa. Nghe tôi nhắc lại lời dặn cũ, D. bật cười: "Thì ra vì tự ái đến nỗi không chịu ra thăm?". Thấy tôi ậm ừ, D. bảo: "Cánh nhà báo các ông có một số người kỳ cục lắm. Họ đến công ty không vì mục đích hỗ trợ, tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi thực sự của đơn vị để đề xuất với Nhà nước và các ngành chức năng giúp đỡ, mà thực chất họ tới chủ yếu chỉ để làm quảng cáo. Thậm chí, có người gạ mãi không được, thì quay sang đặt thẳng vấn đề xin tiền. Tiếp mãi cánh nhà báo kiểu này riết rồi cũng chán, nên nhiều doanh nghiệp phải yêu cầu bảo vệ hễ nghe có nhà báo tới tìm, thì cứ nói thẳng...giám đốc đã đi vắng!"

Kiểu phản ứng của D. - bạn tôi - với cánh báo chí, làm tôi chợt nhớ có lần chính tôi cũng đã bị cầm giữ ngay ngoài cổng Công ty đường Biên Hòa với một lý do tương tự. Năm đó, bản thân người viết bài này được cơ quan giao nhiệm vụ trực tiếp làm việc với Công ty đường Biên Hòa, một đơn vị vừa mới được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới để chuẩn bị bài vở cho số báo kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30-4. Vốn ỷ lại đã có thời gian làm việc lâu dài và rất có uy tín với chị Phạm Thị Sum, giám đốc Công ty đường Biên Hòa, nên ngay ngày hôm đó, tôi rất tự tin tìm đến nhà máy, mà không gọi điện báo trước. Thế nhưng, ngay tại cổng công ty, sau khi xuất trình thẻ nhà báo theo yêu cầu của bảo vệ, tôi được cho biết, giám đốc đã đi họp ở Tổng công ty mía-đường II. Đầu giờ chiều cùng ngày, sau một buổi sáng lòng vòng ở Khu công nghiệp Biên Hòa I, tôi quay trở lại Công ty đường Biên Hòa với hy vọng sẽ gặp được giám đốc. Ấy vậy nhưng cũng giống như buổi sáng, lần này bảo vệ cũng cho biết, giám đốc đi họp chưa về. Do không còn thời gian để chờ đợi, lại không nhớ số điện thoại riêng của chị Sum, nên tôi tức tốc quay trở về cơ quan và gọi điện ngay cho chị. Lần này, sau khi nghe tôi tự xưng danh tánh và mục đích làm việc, chị Sum đã niềm nở mời ra ngay và giao cho anh Nhu, chủ tịch công đoàn trực tiếp đón tiếp. Tại đây, khi nghe tôi kể lại những chuyện gian khó buổi sáng, những người có trách nhiệm của công ty đã phân trần: "Anh thông cảm, trong thời gian gần đây có rất nhiều người tự xưng là nhà báo đến đăng ký xin làm việc với giám đốc nhưng thực chất khi làm việc họ chỉ hỏi đôi ba chuyện bâng quơ, rồi cuối cùng vòi vĩnh xin tiền hoặc đặt vấn đề quảng cáo, làm công ty hết sức ngại vì phải mất rất nhiều thời gian dành cho họ..."

                                                                                    * * *

Thực ra, các dạng "nhà báo" mà D.-bạn tôi hoặc Công ty đường Biên Hòa gặp phải không nhiều. Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Thắng đã rất có lý khi đề xuất thẳng với cánh báo chí của tỉnh ngay tại buổi họp mặt, tọa đàm tổ chức vào hôm 17-6-2005 rằng, trước hết, các cơ quan báo chí phải tự làm trong sạch đội ngũ của mình, phải gạt bỏ cho hết những "con sâu làm rầu nồi canh", lúc đó báo chí mới thực sự trở thành một lực lượng tin cậy, góp phần tham gia quản lý và phát triển đất nước, đem lại sự tiến bộ chung cho toàn xã hội...   

 

      

Hoàn Vũ

 

Tin xem nhiều