Nhân ngày thế giới dành cho những người tự nguyện hiến máu (14-6) :
Cần quan tâm hơn nữa đến người tự nguyện hiến máu

09:06, 14/06/2005

Hằng năm, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không biết có bao nhiêu người cần phải truyền máu. Những trường hợp cần truyền máu cấp cứu như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, các tai biến sản khoa... đặc biệt là nạn nhân của những vụ tai nạn cháy nổ xe khách, cháy nhà...

Nhân viên Cục Hải quan Đồng Nai tham gia hiến máu.

Hằng năm, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, không biết có bao nhiêu người cần phải truyền máu. Những trường hợp cần truyền máu cấp cứu như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, các tai biến sản khoa... đặc biệt là nạn nhân của những vụ tai nạn cháy nổ xe khách, cháy nhà... thường phải truyền máu cấp cứu với số lượng lớn. Thực tế này đòi hỏi phải có máu dự trữ và xây dựng ngân hàng máu sống tại cộng đồng. Tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa nếu không được truyền máu một cách kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh phẫu thuật cần truyền máu như: phẫu thuật dạ dày, phẫu thuật gan mật, phẫu thuật tim mạch. Đối với những người bị bệnh máu như: ung thư máu, suy tủy xương, xuất huyết giảm tiểu cầu..., đặc biệt là những người bệnh bị mắc bệnh hemophila (bệnh ưa chảy máu do di truyền), thì máu là thứ thuốc không thể thiếu; không được truyền máu đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc đời họ. Hầu hết trong số họ đều là những người có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm chỉ thu gom được khoảng 81 triệu đơn vị máu (1 đơn vị máu = 450 ml) nhưng chỉ có 27 triệu đơn vị máu thu được từ những nước đang phát triển, trong khi dân số ở khu vực này chiếm tới 82% số dân toàn cầu. Hiến máu tức là hiến một phần cơ thể của mình để cứu chữa người bệnh. Hiến máu cứu người là thể hiện lòng nhân ái, sự văn minh của mỗi con người, mỗi gia đình, cộng đồng và dân tộc. Hiến máu để cứu người và cũng là để cứu chính bản thân mình. Ở các nước đang phát triển, người cho máu tình nguyện không lấy tiền mới chỉ có 25%, còn các nước công nghiệp phát triển đã đạt từ 94 đến 100%. Hiện nay đã có 39 quốc gia dẫn đầu về người cho máu không lấy tiền (100%). Ở nước ta, người hiến máu hiện nay chủ yếu là thanh niên và thân nhân của người mắc bệnh. Hiện nay ở nước ta, Đảng, Nhà nước đã có những quyết định quan trọng ưu tiên cho công tác an toàn truyền máu như: Quyết định số 19/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28-12-2004 về an toàn truyền máu giai đoạn 2001 - 2010. Theo đó, đến năm 2005, cả nước phải đạt 50% và năm 2010 phải đạt 70% người cho máu tình nguyện không nhận tiền. Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 15-1-2002 giai đoạn 2002 - 2007. Dự án xây dựng bốn trung tâm truyền máu khu vực (tại các thành phố Hà Nội, Huế, Cần Thơ, Hồ Chí Minh). Chúng ta hoan nghênh sự đóng góp của hàng triệu tình nguyện viên, tuyên truyền viên và nhất là những người trực tiếp tham gia hiến máu, cứu sống được nhiều bệnh nhân và nạn nhân. Để việc hiến máu nhân đạo được phát triển rộng lớn trong cộng đồng, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền vận động, chúng ta còn rất cần phải củng cố các cơ quan chức năng tham gia công việc này, trước hết cần tôn trọng và thật sự có trách nhiệm chăm lo săn sóc tới những người tình nguyện - hoàn thiện các khâu kỹ thuật đảm bảo an toàn cho người hiến máu và nhận máu. Bước vào giai đoạn mới, dựa trên chiến lược phát triển của phong trào Chữ Thập đỏ quốc tế, cũng như các tổ chức quốc tê khác hưởng ứng chủ đề "Ngày thế giới dành cho người hiến máu 14-6", Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thành lập "Ban tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo" để huy động ngày càng đông đảo người tham gia hiến máu.

Mỗi cấp hội, mỗi cán bộ, hội viên, thành viên, thanh niên, thiếu niên, người tình nguyện hãy bằng tấm lòng nhân nái, có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực hưởng ứng ngày "Hiến máu nhân đạo".

GS. TSKH Nguyễn Văn Thưởng

(Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam )

 

 

Tin xem nhiều