...Trong bức tranh chung sự phát triển của báo chí hôm nay, xu hướng tích cực, đáp ứng các yêu cầu phát triển và tiến bộ xã hội là xu hướng cơ bản. Đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, có một số hạn chế mà dư luận và các cơ quan quản lý báo chí đã nói đến nhiều.
...Trong bức tranh chung sự phát triển của báo chí hôm nay, xu hướng tích cực, đáp ứng các yêu cầu phát triển và tiến bộ xã hội là xu hướng cơ bản. Đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, có một số hạn chế mà dư luận và các cơ quan quản lý báo chí đã nói đến nhiều. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến hai vấn đề - không phải chỉ là những hạn chế - mà thực tiễn đang yêu cầu chúng ta xem xét một cách khoa học: Thứ nhất, do nhu cầu nhận thức và do có sự phân ngành trong các lĩnh vực, đã xuất hiện ngày càng nhiều báo và tạp chí mang tính chuyên sâu, hoặc tổng hợp, dẫn đến việc nhiều tờ báo ở các chuyên ngành khác nhau nhưng lại có nội dung trùng lặp, giống nhau, gây lãng phí, mà nguyên nhân do các báo đều muốn thu hút nhiều độc giả và có lượng phát hành cao. Sự phát triển ngày càng đa dạng của báo chí từng bước tạo điều kiện hình thành những tập đoàn báo chí - truyền thông lớn, trong đó có nhiều loại hình báo chí cùng tồn tại sẽ là một xu hướng cần được quan tâm nghiên cứu sớm. Thứ hai, trong cơ chế thị trường hiện nay, một số tờ báo rất năng động đã tự trang trải và có được lợi nhuận không nhỏ, là điều đáng mừng, nhưng cũng đang làm xuất hiện xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi nhuận đơn thuần và thị hiếu tầm thường của một số ít công chúng, quá lạm dụng những sự kiện giật dân, câu khách, thoát ly tính định hướng dư luận vốn là một chức năng quan trọng của báo chí cách mạng; một số tờ báo về danh nghĩa thuộc tổ chức nhà nước, hay đoàn thể, hiệp hội, nhưng lại đang có xu hướng xa rời tôn chỉ mục đích và trách nhiệm, thoát ly sự lãnh đạo của các cơ quan chủ quản...
Tình hình trên đặt ra yêu cầu với công tác quản lý nhà nước về báo chí, hơn bao giờ hết, rất đa dạng và phức tạp. Tôi mong công tác quản lý phải bắt kịp trình độ phát triển rất cao của kỹ thuật, công nghệ và sự biến chuyển của xã hội; cần xây dựng tốt quy hoạch phát triển báo chí, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực báo chí, kiện toàn tổ chức và bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, đặc biệt là nâng cao năng lực và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, chăm lo tốt hơn nữa đời sống của cán bộ hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Đứng trước yêu cầu mới của cách mạng, đội ngũ báo chí trong cả nước phải thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ và có bản lĩnh nhìn thấu đáo quá trình vận động mọi mặt của đời sống xã hội, thấy rõ sự liên quan giữa các sự vật, hiện tượng tưởng như rời rạc, tản mạn, hợp lại thành một chỉnh thể và đề xuất vấn đề một cách chính xác, toàn diện và tiến bộ. Tôi mong mỗi nhà báo chúng ta hãy là một ngọn lửa của "cái tâm" luôn tự vượt qua mình để lớn lên từng ngày; hãy truyền cho từng người niềm say mê và hoài bão để biến những ước mơ của cả dân tộc thành hiện thực trong một tương lai gần.