Báo Đồng Nai điện tử
En

Cha mẹ với kỳ nghỉ hè của trẻ

07:06, 14/06/2005

Với học trò, không có niềm vui nào bằng là được đón nhận kỳ nghỉ hè. Oái oăm thay, trong những năm gần đây, niềm vui ấy hoàn toàn không trọn vẹn với các em cũng như với hầu hết các bậc phụ huynh.

Trẻ em rất thích du lịch trong mùa hè.

Với học trò, không có niềm vui nào bằng là được đón nhận kỳ nghỉ hè. Oái oăm thay, trong những năm gần đây, niềm vui ấy hoàn toàn không trọn vẹn với các em cũng như với hầu hết các bậc phụ huynh. Bởi lẽ, ba tháng hè là một vấn đề hết sức nan giải: nào áp lực của chuyện học thêm, học trước, nào người quản lý trẻ ... Tùy theo độ tuổi của trẻ, điều kiện làm việc của cha mẹ, điều kiện sinh hoạt và kinh tế của gia đình mà mỗi nhà có cách giải quyết khác nhau. Chính vì thế, trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề chung nhất. Đó là, dù ở hoàn cảnh nào, các bậc cha mẹ cũng nên quan tâm giúp trẻ sử dụng tốt thời gian nghỉ hè, nghĩa là giúp trẻ vui chơi, lao động, ôn tập sao cho thật thoải mái.

Cha mẹ cần có kế hoạch, chương trình cụ thể về hoạt động hè của con. Trước hết hãy cho trẻ được "xả hơi" sau 9 tháng đèn sách. Nhà có điều kiện thì cho các cháu về quê thăm nội ngoại, đi các tua du lịch sinh thái ... Nhà không có điều kiện cũng cố gắng thu xếp cho các cháu vài chuyến đi chơi trong những ngày nghỉ cuối tuần tới các khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Bửu Long, công viên Biên Hùng... Những chuyến  đi chơi vừa để các cháu thư giãn vừa tăng thêm hiểu biết về thiên nhiên, về môi trường sống mới nhằm bổ sung cho việc nuôi dưỡng tâm hồn các cháu. Thực ra, nếu ta biết cách tính toán thì cũng không tốn kém bao nhiêu. Trong những chuyến đi chơi, nhất thiết phải có người lớn đáng tin cậy quản lý các cháu dù ở độ tuổi nào. Nên cho các cháu tham gia hoạt động  hè, theo các lớp năng khiếu như vẽ, hát nhạc, thể thao... ở Nhà thiếu nhi, Trung tâm văn hóa - thể thao hoặc ở trường, ở địa phương theo tổ chức Đoàn - Đội. Cha mẹ chú ý không để các cháu suốt ngày xem ti-vi, chơi game.

Song song với việc vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, các cháu cũng cần được rèn luyện bước đầu về lao động chân tay. Gia đình nào có nghề phụ, các cháu có thể tham gia lao động để đỡ đần cha mẹ trong cuộc sống hoặc tập làm việc nhà nhiều hơn. Hãy mạnh dạn giao việc cho trẻ, đừng sợ chúng vụng về gây đỗ vỡ, hỏng việc. Nếu chúng chưa quen thì chỉ bảo đến nơi đến chốn. Hiện nay, một số cha mẹ cho rằng con mình chỉ có nhiệm vụ ăn học, ăn cho khỏe và học cho giỏi, không phải làm bất cứ việc gì. Thực ra, quan niệm đó chỉ làm hại trẻ hơn là lợi. Các cháu sẽ dễ trở nên vụng về, lười biếng và ích kỷ. Rèn ý thức, kỹ năng, thói quen và tình yêu lao động chính là một phần của giáo dục nhân cách toàn diện.

Nửa sau của kỳ nghỉ, xen kẽ với những hoạt động vui chơi, lao động giúp đỡ gia đình, trẻ còn cần ôn luyện kiến thức. Không nên bắt các cháu học quá sớm (ngay đầu tháng sau), học trước chương trình và cũng không nên để trẻ bỏ bê sách vở suốt 3 tháng hè vì thời gian nghỉ dài quá sẽ làm trẻ quên kiến thức, mất thói quen suy nghĩ. Tùy theo khả năng, điều  kiện  của mình mà cha mẹ có thể trực tiếp giúp con cái ôn tập hoặc giao cho anh chị kèm em hoặc cho trẻ theo các lớp học hè. Cuối năm học, cha mẹ cần nắm được kết quả học tập của con mình ra sao không chỉ ở điểm số, thứ hạng mà cần hiểu cụ thể những môn con học còn yếu cần trau dồi thêm, những môn khá giỏi cần được bồi dưỡng nâng cao; những kiến thức, kỹ năng cơ bản ở từng bộ môn chính để từ đó có kế hoạch giúp con ôn luyện. Ví dụ, ở cấp tiểu học, nhìn chung cha mẹ có thể tự kèm bằng cách lên lịch cụ thể: một tuần viết mấy bài chính tả, làm mấy bài toán, thuộc mấy bản cửu chương, mấy bài thơ ... Ở cấp THCS, ngay từ đầu hè, khuyến khích các cháu tìm đọc trọn vẹn những tác phẩm văn học mà các cháu sẽ được học đoạn trích trong chương trình năm tới. Tốt nhất cho các cháu làm thẻ thư viện để các cháu đọc sách báo thoải mái; tuy nhiên đọc sách gì, cha mẹ cần hướng dẫn, kiểm tra không để trẻ học đọc quá nhiều loại truyện tranh với những câu thoại ngắn và nội dung mang tính bạo lực.

Riêng đối với môn ngoại ngữ thì không nên nghỉ mà ngày nào cũng phải tiếp xúc (nghe,đọc, nói, viết) với nó khoảng 15-20 phút. Có thể yêu cầu trẻ mỗi ngày viết và thuộc lòng mấy câu.

Xin quý vị phụ huynh đừng thờ ơ, coi thường kỳ nghỉ của các cháu. Mỗi gia đình hãy cùng với các tổ chức đoàn thể quan tâm giúp đỡ các cháu có được một  kỳ nghỉ thật bổ ích và lý thú.

                      Lan Hương

(Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai)

Tin xem nhiều