Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo chí Việt Nam trên đường đổi mới

10:06, 17/06/2005

Báo chí bất kỳ ở nước nào cũng là cơ quan thông tin thực tiễn đa dạng trong nước và toàn cầu, và là cơ quan giao lưu hội nhập quốc tế lợi hại. Chỉ năm hôm sau ngày thành lập chế độ cộng hòa, đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng "Tuyên ngôn độc lập" do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Ðình.

Hồ Chủ tịch chụp ảnh lưu niệm với các nhà báo trong nước và nước ngoài đưa tin chụp ảnh về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III ( 9-1960 )

Báo chí bất kỳ ở nước nào cũng là cơ quan thông tin thực tiễn đa dạng trong nước và toàn cầu, và là cơ quan giao lưu hội nhập quốc tế lợi hại. Chỉ năm hôm sau ngày thành lập chế độ cộng hòa, đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng "Tuyên ngôn độc lập" do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Ðình.

Sau chương trình tiếng Việt là tiếng Pháp, tiếng Anh, và tiếp đó lần lượt tiếng Trung Quốc (theo cách phát âm Quảng Ðông), quốc tế ngữ Esperanto, tiếng Lào... Một tuần sau nữa, Thông tấn xã Việt Nam ra mắt.

Trong thời kỳ đổi mới, báo chí Việt Nam nở rộ với đủ các loại hình: báo in, báo nói, báo hình, báo mạng... Chưa bao giờ hệ thống báo chí đối ngoại của Việt Nam hùng hậu như ngày nay. Ðài phát thanh, đài truyền hình, hãng thông tấn quốc gia ngày ngày phát đi mấy chục chương trình bằng tiếng nước ngoài. Những tờ báo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc đều đều ra mắt bạn đọc. Mặt khác, báo chí thế giới đang là một nguồn tin quan trọng để báo chí Việt Nam lựa chọn khai thác.

Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên có uy tín của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) từ những năm 50 thế kỷ trước. Sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Ðông  Nam Á (ASEAN), Hội Nhà báo là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đầu tiên tham gia một tổ chức liên quốc gia khu vực: Liên đoàn báo chí các nước Ðông Nam Á (CAJ). Giao lưu quốc tế của báo chí vươn tới nhiều quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khác ta qua nhiều hình thức: trao đổi phóng viên, cử người đi đào tạo hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, mời chuyên gia đến làm việc, bồi dưỡng nhà báo trẻ... Chúng ta gặt hái được không ít thành công, đồng thời cũng có một số cống hiến đối với bạn bè quốc tế.

Giao lưu, hội nhập cộng đồng thế giới là một chức năng tự thân của báo chí. Chiều dày lịch sử 140 năm (trong đó có 80 năm báo chí cách mạng) cho phép chúng ta tự tin tiếp tục quá trình chủ động hội nhập trong bối cảnh mới. Hoàn toàn đủ cơ sở để tin rằng, dù ở môi trường quốc tế nào, báo chí Việt Nam vẫn là một nền báo chí rộng mở với bạn bè mà luôn giữ vững bản sắc của mình.

Ngày nay, toàn cầu hóa không còn là một dự báo, một khả năng. Nó hiện hữu kia. Nó đang tác động vào đời sống của dân tộc ta cũng như của mọi quốc gia trên thế giới. Bài toán đặt ra là làm sao sống chung với nó, tận dụng những mặt tích cực và hạn chế đến mức thấp nhất, những tiêu cực do nó mang lại. Tình hình ấy đòi hỏi chúng ta có tầm nhìn xa, thể hiện bằng những dự báo trung hạn và dài hạn. Trên cơ sở đó, xây dựng nhiều phương án hành động cho những tình huống khác nhau có thể xảy ra ngày một ngày hai. Các phương án là cơ sở để tiến hành những khâu chuẩn bị cần thiết, mai đây cho dù tình hình diễn biến theo chiều hướng nào, ta vẫn không bị động.

Các lộ trình từng bước chủ động hội nhập quốc tế của báo chí Việt Nam ngày nay được chủ động chuẩn bị ra sao? Trong tương lai, mươi lăm năm nữa, báo chí ta sẽ chuyển động như thế nào? Bộ mặt của nó lúc ấy ra sao? Báo chí Việt Nam đang và sẽ tiếp tục chịu những tác động gì từ toàn cầu hóa và từ chính sự vận động nội thân của báo chí ta, của xã hội ta, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia sẽ chuyển động rất mạnh sau khi ta gia nhập WTO? Những vấn đề gì sẽ xuất hiện, buộc chúng ta xử lý? Vẫn biết đã có chiến lược phát triển thông tin, báo chí đến năm 2010, nhưng theo tôi, thời điểm 2010 sắp gõ cửa tới nơi, và nội dung văn kiện quan trọng ấy, tôi mạo nghĩ, vẫn mang tính khép, có nghĩa chúng ta quan tâm giải quyết những vấn đề đã đặt ra, chứ chưa đủ mở ra tương lai, do tầm nhìn bị khoanh lại và thiếu những dự báo xa.

Cá nhân tôi từ trước tới nay luôn tin tưởng tuyệt đối rằng báo chí Việt Nam là một nền báo chí dân chủ, tự do và có trách nhiệm, với nội hàm dân chủ, tự do, trách nhiệm cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia vẫn được ai đó coi là "thuộc thế giới dân chủ" với mưu đồ đối lập với báo chí ta mà họ vu cáo là "do chính quyền kiểm soát". Chúng ta vẫn vững bước tiến lên. Dù sao, nhìn từ mặt khác, tự do, dân chủ, trách nhiệm là những phạm trù luôn luôn tự thân vận động, luôn luôn có đòi hỏi tự thân hoàn thiện. Vậy chúng ta sẽ hoàn thiện tự do, dân chủ, trách nhiệm trong báo chí - di sản quý báu của báo chí cách mạng Việt Nam - theo những phương sách nào phù hợp với hoàn cảnh và hiệu quả cao?

Một câu hỏi đặt ra là một loạt đòi hỏi về chính sách, pháp luật, quy chế phải nghiên cứu, dự kiến, ban hành. Một khối công việc không nhỏ phải xử lý ngay, hoặc tạo tiền đề ngay từ bây giờ để ung dung đối sự khi có nhu cầu.

Nỗi băn khoăn của tôi lâu nay mỗi khi nghĩ tới những vấn đề đặt ra cho báo chí nước nhà trong tương lai, là liệu chúng ta có chậm trễ chăng trong nhận thức về tính bức xúc của thời cuộc, và từ đó phần nào chậm trễ chăng trong khâu chuẩn bị? Có thể là cái nhìn của tôi còn nông cạn, phiến diện, song hẳn cũng có ích đối với sự bàn thảo của chúng ta về vấn đề lớn là báo chí Việt Nam tiếp tục đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế như thế nào cho đúng hướng, nhanh, vững chắc và hiệu quả

Phan Quang

(Nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam )

 

Tin xem nhiều