Hằng năm, cứ đến ngày 21-6, giới báo chí nước ta long trọng tổ chức kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngày này, cách đây 80 năm (21-6-1925), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta: báo Thanh Niên.
Bác Hồ thường xuyên theo dõi và chỉ đạo báo chí cách mạng. |
Tờ báo là cơ quan Trung ương của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐCH), làm nhiệm vụ tuyên truyền tôn chỉ và mục đích của Hội, giải thích đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, làm rõ thêm những điều mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trình bày vắn tắt trong tác phẩm "Đường Kách Mệnh" của Người.
Báo được in ở Quảng Châu (Trung Quốc), được chuyển về nước bằng nhiều con đường khác nhau (do bị địch khủng bố gắt gao nên đường thủy là con đường tương đối thuận tiện) và báo được phát hành bí mật. Báo được đưa đến từng Chi bộ VNTNCMĐCH, những người có cảm tình với Hội và những người có tinh thần yêu nước, kể cả những cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Pháp và Thái Lan. Do vậy mà báo Thanh Niên đã có ảnh hưởng sâu rộng trong Hội và đông đảo lực lượng những người yêu nước, có tinh thần dân tộc.
Báo Thanh Niên ra hằng tuần. Số đầu tiên ra ngày 21-6-1925 đến tháng 4-1927. Báo ra được 88 số. Báo gồm các mục: xã luận hay bình luận, diễn đàn của phụ nữ, vấn đáp, thơ ca, tin tức, phê bình, trả lời bạn đọc... Bác Hồ trực tiếp điều hành, chỉ đạo tờ báo. Người đã viết nhiều bài quan trọng, có giá trị lớn, bổ sung cho kho tàng lý luận của Đảng ta, của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chẳng những thế, Bác còn tham gia vẽ tranh châm biếm và viết khẩu hiệu cho báo. Hầu hết những bài đăng trên báo đều được viết ngắn gọn, lời văn giản dị, trong sáng, hay dùng số liệu, người thật - việc thật, dùng cách so sánh để giải thích các vấn đề. Báo chí thời ấy hầu hết đều dùng tiếng Pháp, chỉ dành cho giới thượng lưu... Còn báo Thanh Niên được viết bằng tiếng Việt, người ít chữ nghĩa cũng có thể đọc và hiểu được.
Sau khi thành lập báo Thanh Niên, Bác Hồ còn sáng lập báo Công Nông (12-1926) dành cho công nhân và nông dân nước ta, báo Lính Kách Mệnh (2-1927) dành cho binh lính người Việt Nam, tờ báo này chính là tiền thân của báo Quân đội Nhân Dân ngày nay. Báo Lính Kách Mệnh đã nêu lên quan điểm cách mạng bạo lực của chủ nghĩa Mác-Lênin: Muốn làm cách mạng thành công phải dùng bạo lực, lấy bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, phải xây dựng quan điểm cách mạng.
Ở Thái Lan, trong cộng đồng người Việt yêu nước, cách mạng có tờ Đồng Thanh, là cơ quan tuyên truyền của Hội Thân Ái (phát hành từ năm 1927). Bác Hồ chủ trương đổi tên báo thành Thân Ái (1928) cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội. Báo đã góp phần quan trọng vào việc vận động kiều bào ta, mở rộng các cơ sở quần chúng, củng cố và phát triển tổ chức cách mạng, đào tạo cán bộ, xây dựng nếp sống mới, khí thế mới trong kiều bào Thái Lan.
Cuối mùa thu năm 1929, tờ báo Đỏ xuất bản ở Hương Cảng, là cơ quan tuyên truyền của An Nam Cộng sản Đảng. Bác Hồ đã chỉ đạo nội dung tờ báo này nhằm nêu những vấn đề: Làm thế nào để có một Đảng Cộng sản chính thức ở Việt Nam? Nhận định về cơ sở tổ chức cộng sản ở trong nước...
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng ở trong nước ngày 3-2-1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc) do Bác Hồ chủ trì, đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng... chủ trương xuất bản một tạp chí lý luận và 3 tờ báo tuyên truyền ở 3 xứ.
Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, Bác đã chỉ đạo nội dung và viết một số bài cho hai tờ báo do đồng chí Nguyễn Lương Bằng phụ trách: tờ Kèn Gọi Lính dành cho binh lính người Việt Nam, tờ Hồng Quân viết bằng tiếng Pháp dành cho binh lính người Pháp.
Thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939 do Đảng ta lãnh đạo, báo Tiếng nói chúng ta (NOTRE VOIX) là tuần báo công khai của Đảng ta xuất bản tại Hà Nội. Mặc dù đang ở Trung Quốc nhưng Người theo dõi rất sát và có bài "Thơ từ Trung Quốc" gởi về đăng trên báo nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhận rõ bọn Tờ-rốt-kít là tay sai của chủ nghĩa phát-xít.
Ở Sài Gòn khi ấy có báo Dân Chúng (xuất bản từ tháng 7-1938), là cơ quan ngôn luận của Đảng ta. Bác Hồ đã đánh giá: "Dân chúng là tờ báo đầu tiên đã biết chống đạo luật cấm phát hành nếu không được phép trước. Sau khi nó ra đời được một tháng, quyền tự do báo chí được ban hành, nhưng hằng ngày người ta cứ tìm cách cắt xén và thủ tiêu đi... Dân Chúng cũng là tờ báo được nhiều người đọc nhất ở Đông Dương và số lượng phát hành của nó lớn hơn tất cả, mỗi số một vạn bản" (*).
Năm 1940, kiều bào ta ở Vân Nam (Trung Quốc) được tuyên truyền cách mạng, xây dựng một số cơ sở do Bác trực tiếp chỉ đạo và ra tờ báo ĐT (hiểu là Đảng Ta, Đấu Tranh hay Đánh Tây cũng được). Báo xuất bản và phát hành bí mật.
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, tháng 2-1941, Bác Hồ về nước, cùng với Trung ương lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người thành lập Mặt trận Việt Minh, ra báo Cờ Giải Phóng - là cơ quan của Trung ương Đảng. Mặt trận Việt Minh có báo Cứu Quốc để tuyên truyền đường lối chiến lược và sách lược của Đảng. Ngày 1-8-1941 lại có thêm báo Việt Nam Độc Lập (số ra đầu tiên ở rừng Khuôi Nậm) do Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo. Do điều kiện kháng chiến, báo đã phải di chuyển đến một số hang đá thuộc tỉnh Cao Bằng. Báo ra đến ngày 30-9-1943 được 229 số. Bác đã nêu tôn chỉ: mở mang dân trí, đoàn kết đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do. Tờ báo đã góp phần quan trọng cho thắng lợi cách mạng tháng 8-1945. Chẳng những thế mà nó còn để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về tính chiến đấu và tính quần chúng của báo chí cách mạng.
Sau ngày 2-9-1945, báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh được xuất bản công khai ở Hà Nội, là tờ báo hằng ngày để thông tin kịp thời, chính xác tình hình trong nước và thế giới, phân tích, bình luận để hướng dẫn dư luận. Báo còn chú trọng tuyên truyền, giải thích chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Năm 1946, Hà Nội có báo Quốc Gia do một số nhân sĩ, trí thức thành lập để tăng cường đoàn kết, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến kiến quốc. Ngoài ra, báo Vệ Quốc Quân của quân đội ra từ năm 1945 vẫn tiếp tục, đến ngày 20-10-1949 thì nhập chung với báo Quân Du Kích thành báo Quân Đội Nhân Dân. Ngày 11-5-1951, Bác Hồ sáng lập báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng. Số báo đầu tiên đăng tuyên ngôn của Đảng cùng các văn kiện Đại hội 2 của Đảng. Lúc đầu báo ra nửa tháng một kỳ, sau tăng lên tuần, rồi chuyển thành báo ngày.
80 năm trôi qua, kể từ ngày tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ sáng lập cho đến nay, báo chí nước nhà đã không ngừng phát triển và tiến bộ vượt bậc. Đội ngũ những người làm báo hôm nay rất tự hào về những kỳ tích của báo chí cách mạng trong 8 thập kỷ qua, đồng thời cũng không quên công ơn to lớn của Bác Hồ - Người khai sinh báo chí cách mạng, Người dìu dắt và giáo dục nhiều thế hệ nhà báo trưởng thành, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhất Thống
(*) Đảng CSVN- văn kiện Đảng (30-45) NXB Sự Thật, Hà Nội 1977, trang 340-341.