Báo Đồng Nai điện tử
En

80 năm báo chí cách mạng Việt Nam - Lịch sử chiến đấu vẻ vang và tương lai phát triển hứa hẹn

10:06, 15/06/2005

"80 năm báo chí Việt Nam - một lịch sử chiến đấu vẻ vang và tương lai phát triển hứa hẹn"- Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc gia do Phân viện Báo chí và tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức sáng 14-6-2005, tại Hà Nội.

"80 năm báo chí Việt Nam - một lịch sử chiến đấu vẻ vang và tương lai phát triển hứa hẹn"- Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc gia do Phân viện Báo chí và tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức sáng 14-6-2005, tại Hà Nội. Các nhà báo lão thành: Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Đỗ Phượng, Phan Quang, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về báo chí; đại diện các cơ quan thông tin đại chúng; đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Phân viện Báo chí - tuyên truyền đã tham gia hội thảo.

48 tham luận gửi đến và trình bày tại hội thảo đã khẳng định: 80 năm qua, báo chí cách mạng luôn đồng hành với lịch sử dân tộc, lịch sử báo chí cách mạng gắn bó hữu cơ, thực sự là bộ phận không thể tách rời của tiến trình cách mạng Việt Nam. Gần 20 năm đổi mới, nền báo chí của nước ta đã có bước phát triển chưa từng thấy về kỹ thuật công nghệ, về quy mô ảnh hưởng cũng như trình độ tác nghiệp. Báo chí Việt Nam đã bắt kịp trình độ phát triển hiện đại, hội nhập với các đồng nghiệp khu vực và quốc tế. Nền báo chí ngày càng giữ vai trò to lớn trong đời sống kinh tế - văn hóa  xã hội của đất nước. Trong mặt trận chống tiêu cực, báo chí như người chiến sĩ tiên phong, dũng cảm phát hiện vạch trần nhiều vụ việc, góp phần ngăn chặn thiệt hại cho Nhà nước, nhân dân, gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh, giáo dục đối với xã hội. Bên cạnh đó, các tham luận cũng nêu rõ những mặt hạn chế, tồn tại của báo chí nước ta: Đó là xu hướng chạy theo mục đích thương mại hóa, không thực hiện nghiêm túc tôn chỉ mục đích, còn hiện tượng đưa tin thiếu chính xác, thiếu cảnh giác gây hại đến lợi ích của đất nước. Đúc rút 7 bài học kinh nghiệm từ lịch sử 80 năm phát triển của nền báo chí cách mạng, các tham luận nhấn mạnh: để báo chí có thể phát huy vai trò, sức mạnh to lớn của mình, tiếp tục phát triển hệ thống báo chí là một yêu cầu khách quan. Vấn đề cấp thiết hiện nay là cần củng cố, tăng cường bộ máy quản lý báo chí nhất quán từ trung ương đến địa phương, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật để có thể điều chỉnh kịp thời những khía cạnh mới nảy sinh trong báo chí hiện đại, tăng cường tính nghiêm minh trong kiểm tra, đánh giá và xử lý vụ việc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ có ý nghĩa quyết định chi phối chất lượng, hiệu quả và yêu cầu quản lý báo chí. Khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của báo chí hiện nay là một yêu cầu khách quan, một điều kiện cần thiết để tiếp tục xây dựng, phát triển nền báo chí ngang tầm với những yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

P.V

Tin xem nhiều