Báo Đồng Nai điện tử
En

Những tâm tình của cố nhạc sĩ Trần Hoàn về Bác Hồ kính yêu

08:05, 13/05/2005

Nhắc đến nhạc sĩ Trần Hoàn là chúng ta nhắc đến một nhạc sĩ lớn và có nhiều đóng góp cho cách mạng, nhất là những chùm ca khúc của ông viết về Đảng, về Bác Hồ kính yêu - những ca khúc được đánh giá là những viên ngọc quí trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Nhiều người còn cho rằng ông là một trong số không nhiều nhạc sĩ có những chùm bài viết về Bác Hồ hay và xúc động.

Đ/c Lê Hoàng Quân, Bí thư Tỉnh ủy (nay là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM) tặng hoa cho nhạc sĩ Trần Hoàn

Nhắc đến nhạc sĩ Trần Hoàn là chúng ta nhắc đến một nhạc sĩ lớn và có nhiều đóng góp cho cách mạng, nhất là những chùm ca khúc của ông viết về Đảng, về Bác Hồ kính yêu - những ca khúc được đánh giá là những viên ngọc quí trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Nhiều người còn cho rằng ông là một trong số không nhiều nhạc sĩ có những chùm bài viết về Bác Hồ hay và xúc động.

Khán giả thường nhắc tới những ca khúc gây dấu ấn mạnh mẽ như: "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm", "Cảm xúc từ làng Sen", "Thăm bến Nhà Rồng" và "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"... của người nhạc sĩ tài hoa này. Với tình cảm chân thành và nghệ thuật diễn đạt xúc động qua các giai điệu thấm đẫm chất dân ca, những bài hát về Bác Hồ của nhạc sĩ luôn được nhiều tầng lớp nhân dân yêu thích và có sức sống trường tồn. Tuy nhiên, để có những ca khúc viết về Bác Hồ có sức lay động lòng người đó, nhạc sĩ đã phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật đầy tâm huyết và trăn trở. Nhạc sĩ đã từng tâm sự rằng : "Là nhạc sĩ, ai cũng muốn viết về Bác và viết cho hay. Nhưng ai cũng lo lắng vì thân thế, sự nghiệp, đức hạnh, tài năng của Bác quá lớn, mà sức suy tư của mình thì quá nhỏ và nghèo nàn. Tôi đã từng nghe những bài hát ca ngợi Lê-nin, Mao Trạch Đông của Liên Xô, Trung Quốc. Rất hay, nhưng nếu viết về Bác theo cách ca ngợi như trên thì e khó đạt hiệu quả...". Và năm 1965, khi còn ở Hải Phòng, nhạc sĩ cũng đã có ca khúc viết về Bác Hồ. Đó là bài "Lời Bác là lời nước non". Bài hát đã được Hoàng Phú-một ca sĩ quân đội đi học ở Liên Xô - về trình diễn. Nhưng, theo nhạc sĩ thì "bài hát không có sức sống lâu bền, với những từ còn hoa mỹ và khuôn sáo". Năm 1966, nhạc sĩ đi B. Tâm tình về Bác vẫn đau đáu hàng ngày. Ngày 2-9-1969 , tin Bác mất lan đi như sét đánh ngang tai. Lúc đó, nhạc sĩ cũng gián tiếp viết một ca khúc về Bác với tựa đề "Nếu ai hỏi? ". Nhưng rồi bài hát cũng đi qua mà không để lại một dư âm nào. Đã có lúc nhạc sĩ tỏ ra bất lực với đề tài như vậy. Năm 1970, nhạc sĩ lại ra Bắc để chữa bệnh. Thời gian này, nhạc sĩ được nghe các bài "Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" của Trần Kiết Tường; "Trồng cây lại nhớ tới Người" của Đỗ Nhuận; "Người là niềm tin tất thắng" của Chu Minh, nhạc sĩ rất yêu thích và khâm phục. Từ đó, nhạc sĩ cũng rút ra cho mình những bài học bổ ích. Đúng như lời tâm sự của nhạc sĩ "Tôi tự xác định phải thực sự gắn bó với quần chúng, sống và rung động, sự rung động của dân, thì mới viết được về Bác, vì Bác là hiện thân của quần chúng cần lao được giác ngộ và vươn dậy đấu tranh. Cũng từ đó, khi trở vào chiến trường vào mùa thu năm 1970, tôi đã thay đổi lối viết, đi sâu hơn vào khai thác các âm hưởng dân tộc và đã có thành công trong một vài ca khúc". Nhưng những dấu ấn trong những ca khúc viết về Bác thì phải đợi đến khi đất nước thống nhất, được ra Hà Nội công tác (1983), có điều kiện thăm lăng Bác, thăm nhà sàn đơn sơ, thăm hàng cây "xanh bốn mùa" do Bác trồng, xem bảo tàng Hồ Chí Minh, về quê Bác, quan sát từng di tích, họp với các nhà bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước, rồi xem những thước phim về cảnh sinh hoạt của Bác ở chiến khu, Bác đánh bóng chuyền, Bác hành quân, Bác tắm giặt ở suối, tắm xong Bác lại tiếp tục hành quân, Bác vừa đi vừa nêu cao cây gậy mắc chiếc áo mới giặt để hứng nắng gió cho chóng khô và nhất là được trực tiếp nghe chuyện Bác qua lời kể của bác Vũ Kỳ thì sự xúc động thật sự về đức hy sinh của Bác đã nhen nhóm trong nhạc sĩ những nguyên liệu cần và đủ cho sự sáng tạo nghệ thuật.

Thật đáng quí, chính sự tìm kiếm trong quá trình lao động miệt mài đó mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã để lại cho chúng ta những ca khúc về Bác đi mãi cùng năm tháng. Còn đó, một "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm" giàu suy tưởng, triết lý, và cũng bởi do xúc động trước sự hưởng ứng của khán giả châu Âu với bài dân ca "Giận mà thương" (nữ ca sĩ Hồng Vân trình bày ở Mạc Tư Khoa) mà có. Sau ca khúc này, nhạc sĩ cho ra đời lần lượt các ca khúc ấn tượng khác như "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Kể chuyện cây xanh bốn mùa", "Thăm bến Nhà Rồng"...

Nguyễn Thi Thọ (TP. Huế)

 

Tin xem nhiều