Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam

10:05, 06/05/2005

LTS : Với những cống hiến to lớn đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn.

Hồ Chủ tịch lúc nhỏ đã sống trong ngôi nhà này ở làng Sen, quê nội, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn,tỉnh Nghệ An

LTS : Với những cống hiến to lớn đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn.

 Ngay từ Đại hội Đảng lần thứ II (năm 1951) đến nay, Đảng ta luôn khẳng định rõ vai trò, ý nghĩa to lớn của đường lối chính trị, tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Năm nay, kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2005) chính là dịp để mỗi người Việt Nam ôn lại, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người. Trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thêm vững vàng bước tới tương lai, quyết tâm thực hiện thắng lợi hoài bão của Người là "xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Kể từ số này, báo Đồng Nai trân trọng giới thiệu đến bạn đọc những bài viết về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Tất Thành) sinh ngày 19-5-1890 trong một gia đình nhà nho thanh bạch, yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Chứng kiến cảnh nhân dân sống lầm than, cực khổ dưới ách  thực dân tàn bạo, những thất bại đau đớn của các vị yêu nước tiền bối, người thanh niên  ưu tú của dân tộc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Với hành trang ban đầu là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập, tự do, Người đã chọn con đường không giống với con đường mà các bậc cách mạng tiền bối đã đi. Bước chân của Người đã đặt đến nhiều trung tâm văn minh nhất cũng như những nơi bần cùng nhất của thế giới thời đó. Nơi đầu tiên Người đến là nước Pháp, một trung tâm văn minh của thế giới và cũng là đất nước của kẻ thù đang thống trị dân tộc mình. Ngày 18-6-1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Véc-xây  bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Sau gần  mười năm tìm đường cứu nước, đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại. Từ một người yêu nước nồng nhiệt, Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin như một tất yếu lịch sử, trở thành người cộng sản. Và được chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng, Nguyễn Ái Quốc "vụt lớn lên, ngang tầm sứ mệnh của con người làm ra lịch sử"(1).

Những năm hoạt động trong phong trào cộng sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, học tập kinh nghiệm của Đảng Cộng sản, kinh nghiệm của Liên Xô  - quê hương của Cách mạng tháng Mười, Người đã tích lũy được những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, hình thành dần dần đường lối cứu nước. Người đi đến khẳng định: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản". Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua. Để kết hợp cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế và phong trào  giải phóng dân tộc trên thế giới, Người tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp  (1921), xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp (1922). Năm 1923, Người được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân. Năm 1924, Người tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản  và được chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp  bức ở châu Á, xuất bản hai cuốn sách nổi tiếng: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và Đường Cách mệnh (1927).

Để tiến tới chuẩn bị thành lập Đảng của những người Cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức cộng sản đoàn làm nòng cốt cho Hội đó, đào tạo cán bộ để lãnh đạo Hội truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta. Năm 1929, những tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời ở Việt Nam . Ngày 3-2-1930, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Người đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng do Người trực tiếp soạn thảo như Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của nước ta, trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta.

 Từ năm 1930-1940, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoạt động  cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và của các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn và gian khổ.

Năm 1941, Người về nước, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc trong giai đoạn mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, chuẩn bị căn cứ địa, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945) thắng lợi, ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946).

Cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh  đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.

Ngày 19-12-1946 , Người kêu gọi cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng tháng Tám.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954).

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955), Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hai nhiệm vụ chiến lược  của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam . Quốc hội khóa II, khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cùng với Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế  quốc Mỹ, lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam , đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người sáng lập ra Đảng Mácxít - Lêninnít ở Việt Nam, sáng lập ra Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế. Người là tấm gương sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức và đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến  sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Người được tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) phong tặng danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam , Nhà văn hóa lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969 , hưởng thọ 79 tuổi.

(1)       Phạm Văn Đồng - Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp. Nxb. Sự thật, Hà Nội 1990, tr.14.

 

 

Tin xem nhiều