Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ Tịch Hồ Chí Minh -Anh hùng giải phóng dân tộc,nhà văn hoá lớn

10:05, 12/05/2005

Chủ Tịch Hồ Chí Minh - người anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà văn hóa lớn hiện thân của tinh hoa văn hóa Việt Nam

Bác Hồ thăm đại biểu giáo viên toàn miền Bắc ( 1958)

* Hồ Chí Minh - người  anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Năm 1930 đánh dấu một mốc son chói lọi, một bước ngoặt lịch sử của cách mạng nước ta với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam   mà người sáng lập là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Hồ Chủ tịch, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chấm dứt thời kỳ đấu tranh tự phát, chuyển sang giai đoạn mới với phương hướng rõ ràng và bước đi vững chắc. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo, gắn kết dân tộc thành một khối, khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh tiềm tàng của toàn dân tộc, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước  công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngày 2-9-1945, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới "Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập".

Giành được chính quyền đã khó, giữ được chính quyền còn khó khăn hơn nhiều. Chính quyền cách mạng non trẻ mới ra đời, thù trong, giặc ngoài tìm cách phá hoại đất nước; cùng lúc đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trước tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã sáng suốt, tài tình, lãnh đạo đất nước vượt qua cơn hiểm nghèo, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.

Đất nước ta, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng trường kỳ kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân cũ - đứng đầu là thực dân Pháp và chủ nghĩa thực dân mới - đứng đầu là đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy khí phách anh hùng của cả dân tộc với những lời kêu gọi vang dậy núi sông: "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết tâm giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc" v.v...

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay", Đảng ta kiên định những vấn đề quan điểm có tính nguyên tắc, lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc  Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, giành được những thắng lợi  to lớn và có ý nghĩa rất quan trọng, củng cố độc lập dân tộc, tiến bước vững chắc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những tình huống phức tạp và hiểm nghèo. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 (khóa IX), đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: "Nhìn lại 20 năm đổi mới, chúng ta nhất trí rằng, thành tựu đạt được là to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử trên cả hai mặt thực tiễn và lý luận ... Những thành tựu to lớn đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn và sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam".

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng ta đã xác định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa  các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

* Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn hóa lớn hiện thân của tinh hoa văn hóa Việt Nam

Thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tinh hoa văn hóa thế giới và các giá trị văn hóa dân tộc, hòa mình trong hoạt động phong phú của nhân dân, Hồ Chí Minh đã nhận rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa khi Người chỉ  rõ: "Văn hóa soi đường quốc dân đi".

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi lãnh đạo toàn dân giành lại độc lập cho dân tộc cũng đã trả lại vị trí xứng đáng cho văn hóa Việt Nam , mở ra một thời đại  mới cho văn hóa Việt Nam . Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào nhân dân không chỉ tồn tại một cách trừu tượng trên lĩnh vực ý thức - tư tưởng mà đã thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội của dân tộc, đã trở thành văn hóa dân tộc. Hồ Chí Minh - tư tưởng của Người, thiên tài và toàn bộ sự nghiệp của Người trở thành biểu tượng cao đẹp và sáng ngời của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đó là sự trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi cái gì đã đi vào văn hóa thì sẽ sống mãi với dân tộc, với loài người.

Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới đang bàn đến văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh, văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh, văn hóa lao động, văn hóa sống Hồ Chí Minh v.v... Hiện nay nhiều ý tưởng được bàn rộng ra như: văn hóa lãnh đạo, văn hóa Đảng, văn hóa cơ quan, văn hóa lao động ... theo tư tưởng Hồ Chí Minh là như thế nào, cần thể hiện những đặc trưng và phẩm chất gì? Nghiên cứu, làm sáng tỏ những điều đó chắc chắn sẽ là một đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống văn hóa cổ, kim, đông, tây; đặc biệt là tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, đỉnh cao của tư tưởng nhân văn của nhân loại, nhờ đó đã kết tinh ở Người những giá trị văn hóa vừa dân tộc, vừa hiện đại, vừa nhân văn. Là chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng, đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, tình thương và lẽ phải trên trái đất, sự đóng góp của Người về văn hóa rất phong phú và đa dạng, thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người, được tỏa sáng trong từng việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc  tế. Cái cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người và niềm tin đối với con người hết sức bao la, sâu sắc, tất cả vì con người, tất cả do con người. Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống rất nhân văn, là đạo đức cách mạng của người Cộng sản. Người quan niệm: "Nghĩ  cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải  thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức". Chính vì vậy, suốt đời Người đã hy sinh chiến đấu chống áp  bức bất công, đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc, cho nhân loại. Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc mà còn là một nhà hoạt động thực tiễn đầy tài năng; không chỉ là một nhà chính trị vĩ đại mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Ngay từ năm 1923, nhà thơ Nga Ô-xíp Man-đen-xtan đã nhận xét rằng: "Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai".

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và nhân loại, năm 1990, thế giới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên hợp quốc ra nghị quyết công nhận  Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn.

 

Tin xem nhiều