Thư giãn bằng thơ
(Đọc "Vịnh Kiều" và "Âm vang Bình Đa")
Trên tay tôi là hai tập thơ của hai câu lạc bộ những người cao tuổi yêu thơ: tập Vịnh Kiều của Câu lạc bộ thơ Long Bình và tập Âm vang Bình Đa của Câu lạc bộ Bình Đa đều do Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh xuất bản.
Góp mặt trong tập Vịnh Kiều là gần 200 bài thơ của hơn 80 tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là có nhiều hội viên Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai: Kiều Văn Phẩm, Nguyễn Thị Hồng Phương, Phan Quang Hợp, Lê Văn Thuấn, Phạm Bình Minh, Hoàng Minh Tranh và ông chủ "vườn Kiều" Long Bình Phạm Bá Khoát.
Lang thang dạo "vườn", tôi chợt dừng chân trước chùm thơ làm theo lối khoán thủ của cây bút thơ cao tuổi Lâm Bài (Khánh Hòa). Đây là bài "Nỗi lòng":
Tin nhạn sang sông, ngấn lệ cài
Sương mơn cành biếc, ngỡ hồn ai
Luống trao sóng mắt, vương mày liễu
Những trải dòng thơ, khựng gót hài
Rày tưởng mưa chiều, buông rặng trúc
Trông chờ nắng sớm, đọng ngàn mai
Mai tàn, gió lạnh, thuyền xuôi mái
Chờ én đưa xuân, luống thở dài
Tin sương luống những rày trông mai chờ - phấp phỏng những buồn trông mong nhớ và là ý chủ đạo của bài thơ làm theo lối cổ này. Ta vẫn cảm nhận được, vẫn thấy buồn tê tái nỗi niềm của người mấy trăm năm trước. Cùng dạo vườn Kiều như ta nhưng tác giả Kiều Văn Phẩm lại "trách Kiều nhẹ dạ", và theo ông, nàng phải: "Tiền Đường ... tạ tội Từ Công. Hồng nhan muốn trốn bụi hồng dễ đâu" là "phải phép". Còn tác giả Phạm Bá Khoát thì mơ màng cùng "giấc mơ Kim - Kiều": "Vườn Kiều thấp thoáng kẻ vào người ra. Cách tường có bóng thướt tha. Trông chừng như đợi ai mà ngẩn ngơ". Phan Quang Hợp tỉnh táo hơn trong lối nhìn hiện đại:
Dừng chân núi giả nhìn sang
Giấu dây buộc ngựa trên đàng Vương ông
Tường xưa rũ sạch rêu phong
Trâm cài ai rớt mà mong duyên thầm
(Vườn Kiều)
Thật là mỗi người mỗi vẻ.
* * *
Tạm chia tay "vườn Kiều", tôi về Bình Đa với câu lạc bộ thơ mới ra đời năm 2006 do ông Kiều Văn Phẩm tham gia sáng lập. Nói như ai đó: văn nghệ là chim gọi bầy, nhiều hội viên Câu lạc bộ thơ Long Bình cũng lại "đầu quân" về đây.
Âm vang Bình Đa là lứa quả mùa đầu, là đứa con tinh thần vừa đầy tuổi tôi của câu lạc bộ có hơn 40 hội viên này. 165 bài thơ của 39 tác giả - có lẽ thế cũng đã là nhiều trong lần góp mặt đầu tiên này. Hội viên Hội Văn nghệ Đồng Nai kiêm họa sĩ Tấn Hoài góp mặt với chùm thơ năm bài: Ngôi nhà sàn ấy, Tiếng giao thừa, Chiều xuân, Núi đi và Nhớ ngày giỗ mẹ. Đây là một trong những chùm thơ khá nhất trong tập. Bài thơ "Ngôi nhà sàn ấy" viết về một đề tài lớn: Bác Hồ, khá thành công:
Ngôi nhà sàn ấy màu son
Cây xanh ôm bóng núi non thuở nào
Mặt ao rụng cánh hoa đào
Một vầng trăng sáng lặn vào trong thơ
Kiều Văn Phẩm cũng góp mặt chùm thơ năm bài: Xuân Đinh Hợi, Màu xanh, Không đề, Quán tình xưa và Mẹ chồng. Cũng là bài học đạo đức, cũng là diễn tả mối quan hệ tình cảm khá tế nhị nhưng viết như thế này có thể gọi là khá tinh tế và đem lại được một cái nhìn mới, làm đẹp thêm tình cảm gia đình:
Mỗi lần anh ngả về em
Vô tình quên mẹ ngày đêm nhọc nhằn
Trăm điều vụng mẹ bỏ qua
Một điều hiếu kính dễ mà ta quên
Em xin làm cánh hoa mềm
Tỏa hương thơm để ấm êm hiếu tình
(Mẹ chồng)
Cùng với hai ông còn một số hội viên Hội Văn nghệ Đồng Nai khác nữa làm nòng cốt cho Câu lạc bộ và chủ lực của tập thơ như: Xuân Bảo, Phan Quang Hợp, Tiêu Thanh Giang, Nguyễn Thị Hồng Phương... Xuân Bảo có những vần thơ viết về liệt sĩ khá cảm động:
Nơi đây các anh nằm lại
Có đàn bướm trắng lượn quanh
Có hoa bốn mùa thắm mãi
Lời ru đất mẹ yên lành
(Lễ tưởng niệm Bến Cát)
Đối với những hội viên câu lạc bộ khác xin ghi nhận ở họ tấm lòng và tình cảm yêu thơ - như thế cũng là đáng quý, đáng trân trọng. Dân tộc mình có truyền thống yêu thơ. Làm thơ cũng là một thú chơi tao nhã, bồi bổ tinh thần, thêm bè kết bạn. Rất mong trên địa bàn tỉnh ta có thêm nhiều câu lạc bộ những người yêu thơ khác. Đây cũng chính là những hoạt động thiết thực và bổ ích làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Phước Long Giang