Báo Đồng Nai điện tử
En

Ảnh hưởng của thiếu kẽm đến sức khỏe trẻ em

09:09, 22/09/2015

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển, chất lượng của bữa ăn kém là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thiếu kẽm cũng như các vi chất dinh dưỡng khác.

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển, chất lượng của bữa ăn kém là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thiếu kẽm cũng như các vi chất dinh dưỡng khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bác sĩ Hà Văn Thiệu, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết thiếu kẽm trẻ sẽ còi cọc và chậm dậy thì do kẽm giúp tăng hấp thu, tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào nên có tác động rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ, vị thành niên và phụ nữ mang thai rất dễ bị thiếu kẽm do nhu cầu tăng cao. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng cung cấp cho bào thai phát triển, trẻ sinh ra bị thiếu cân và dễ sinh non; mẹ thiếu sữa. Thiếu kẽm ở trẻ nhỏ sẽ gây chán ăn, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tăng trưởng, mất cân, cơ teo nhão. Ở trẻ lớn, chậm tăng chiều cao, chậm dậy thì, thiểu năng sinh dục.

* Những ảnh hưởng nguy hiểm

Thiếu kẽm trẻ sẽ bị rối loạn vị giác và khứu giác: Thiếu kẽm nên sự chuyển hóa của các tế bào vị giác bị ảnh hưởng gây tình trạng giảm vị giác, không biết đói, rõ nhất trong bệnh chán ăn tâm thần, giảm khứu giác.

Thiếu kẽm trẻ sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch: Kẽm giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật do thúc đẩy các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, làm lành vết thương. Vì vậy, thiếu kẽm trẻ dễ bị nhiễm trùng (viêm da quanh các lỗ tự nhiên, viêm da vùng mặt trước chi dưới, mụn bỏng ở da, mụn mủ, dầy sừng, viêm niêm mạc miệng, viêm lưỡi, loạn dưỡng móng, viêm mé móng, rụng tóc…); tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy cấp, viêm đường hô hấp, sốt rét...; chậm lành vết thương.

Thiếu kẽm trẻ sẽ bị rối loạn thị giác: Sợ ánh sáng, mù đêm, viêm mí mắt.

Thiếu kẽm, trẻ sẽ có sự thay đổi về lông, tóc, móng tay chân: tóc giòn dễ gãy, đầu mút của tóc nhọn, hói tóc, loạn dưỡng móng, viêm mé móng, móng biến dạng…

Thiếu kẽm còn ảnh hưởng xấu đến thần kinh: Do kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, mà canxi lại giúp ổn định thần kinh. Vì vậy, thiếu kẽm trẻ sẽ hay quấy khóc đêm, dễ thay đổi tính tình, dễ bị kích thích, run, khàn giọng; suy yếu hoạt động của não, dễ mắc các bệnh về thần kinh, như: thờ ơ vô cảm, chứng mất điều hòa lời nói, tăng động.

Thiếu kẽm thường kết hợp với sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác: Do thiếu kẽm gây giảm sút mức tiêu thụ năng lượng và các chất dinh dưỡng, các thiếu hụt dinh dưỡng kết hợp với thiếu kẽm hay gặp là thiếu máu, thiếu sắt, thiếu vitamin A.

* Tại sao trẻ thiếu kẽm?

Thiếu kẽm thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ sinh non, không được bú mẹ, trẻ suy dinh dưỡng thể còi, trẻ nhiễm trùng và ký sinh trùng. Nguyên nhân là do thiếu hụt từ chế độ ăn (còn gọi là thiếu kẽm nguyên phát), hàm lượng kẽm được hấp thu trong các thực phẩm tự nhiên thấp hoặc bị mất trong quá trình chế biến. Do thành phần của kẽm thấp bất thường trong sữa mẹ. Do thiếu sữa mẹ kết hợp với cho ăn bổ sung kém chất lượng. Do nhiễm trùng tái diễn hay mạn tính (viêm phổi, tiêu chảy…). Do bổ sung sắt hoặc đồng làm cạnh tranh hấp thu kẽm. Do nuôi bằng đường tĩnh mạch kéo dài, nuôi bằng chế độ ăn tổng hợp. Do kém hấp thu kéo dài ở những trẻ mắc bệnh coeliac, bệnh crohn, tiêu chảy cấp và mạn tính, cắt ruột, bệnh thalassemia, bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng Down, tiểu đường, thiểu năng tụy, thiểu năng gan, bại não, trẻ em khuyết tật. Do mắc bệnh di truyền (bệnh ruột viêm da đầu chi).

* Làm thế nào để đủ kẽm?

Theo bác sĩ Thiệu, nhu cầu kẽm thay đổi theo từng độ tuổi: Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm thì nên cho trẻ bú sữa mẹ, vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với  sữa bò. Lượng kẽm trong sữa mẹ ở tháng đầu tiên là cao nhất (2-3 mg/l), sau 3 tháng thì giảm dần còn 0,9 mg/l. Do đó, người mẹ cần ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu kẽm cho cả hai mẹ con. Trẻ dưới 1 tuổi cần khoảng 5 mg/ngày, ở trẻ 1-10 tuổi khoảng 10 mg/ngày. Các bà mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ qua các thực phẩm hàng ngày, như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng), cùi dừa già, khoai lang…

Tuy nhiên cần lưu ý, trong quá trình bảo quản và chế biến thực phẩm thì lượng kẽm không còn giữ nguyên được theo đúng hàm lượng của nó. Bên cạnh đó, sự bài tiết dịch vị ở dạ dày, thức ăn nhiều sắt vô cơ, phytate cũng có thể làm giảm hấp thu kẽm. Phytate có nhiều trong ngũ cốc thô, đậu nành và các thực phẩm giàu chất xơ. Vì vậy, cần bổ sung thêm vitamin C để tăng hấp thu kẽm. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây tươi, như: cam, chanh, quít, sơ ri, cóc, ổi, bưởi, táo, xoài, dưa hấu, đu đủ... và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, rau cải, cà chua, khoai tây...

Hoài An (ghi)

 

Tin xem nhiều