Mới đây, các bác sĩ Khoa chấn thương, chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã phẫu thuật thành công cho cụ bà Cao Thị Chuộng, 100 tuổi, ở xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái bằng phương pháp đặt nẹp vít ở vùng gãy, nắn chỉnh qua C - Arm.
Mới đây, các bác sĩ Khoa chấn thương, chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã phẫu thuật thành công cho cụ bà Cao Thị Chuộng, 100 tuổi, ở xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái bằng phương pháp đặt nẹp vít ở vùng gãy, nắn chỉnh qua C - Arm. Hiện sức khỏe cụ bà đã ổn định, vết thương khô. Đây là một ca mổ phức tạp vì bệnh nhân đã lớn tuổi, lại bị hở van tim 2 lá, hở van động mạch chủ, thiếu máu.
Bác sĩ Võ Xuân Hoàng Trí, Phó khoa chấn thương, chỉnh hình, cho biết trong thời gian qua, khoa chấn thương, chỉnh hình đã điều trị cho nhiều trường hợp gãy xương ở người từ 60 tuổi trở lên, chủ yếu là gãy liên mấu chuyển xương đùi và gãy cổ xương đùi. Nguyên nhân là do loãng xương gây gãy xương và té ngã. Đối với các bệnh nhân này, dù đã được phẫu thuật thành công nhưng việc hồi phục còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như: tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, tập vật lý trị liệu... Vì vậy, việc sinh hoạt của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Do đó, để phòng ngừa gãy xương do loãng xương cần có biện pháp phòng ngừa từ sớm, nhất là những người có nguy cơ cao, như: phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh hoặc người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Theo đó, chế độ ăn uống phải giàu canxi, như: tôm, cua, cá, sữa và những sản phẩm từ sữa... Đồng thời, việc bổ sung canxi phải theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, trên thị trường có nhiều thuốc canxi, có cả những loại can xi bệnh nhân bị tiểu đường không sử dụng được. Do đó, cần đi khám để được đo độ loãng xương, tùy theo bệnh lý để bác sĩ cho bổ sung loại canxi phù hợp. Ngoài ra, chế độ tập thể dục cũng rất quan trọng. Đối với người bị loãng xương nên đi tập thể dục đều đặn. Tuy nhiên không nên gắng sức, chỉ nên tập những môn nhẹ nhàng như đi bộ hay tập dưỡng sinh.
Đặng Ngọc