Hiện đã bước vào mùa mưa, sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng với hàng chục ca mắc mỗi tuần.
Hiện đã bước vào mùa mưa, sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng với hàng chục ca mắc mỗi tuần.
Khẩu hiệu được ngành y tế phát động trong phòng ngừa SXH là “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Biện pháp diệt lăng quăng cũng khá dễ thực hiện, như: thả cá 7 màu, vệ sinh môi trường và xung quanh nhà ở, không để nước tù đọng... Tuy nhiên, người dân vẫn đang khá thờ ơ và chủ quan không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để.
* Biết nhưng không làm...
Tham gia đoàn giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại hộ gia đình ở một số địa phương trong tỉnh, chúng tôi ghi nhận hầu như người dân đều nắm được các kiến thức cơ bản về dịch bệnh SXH và cách phòng chống. Khi được hỏi bệnh SXH do nguyên nhân gì gây nên, cách phòng ngừa như thế nào, người dân đều nắm khá rõ. Chị Nguyễn Thị Lan (xã Hóa An, TP. Biên Hòa) cho biết: “Bệnh SXH do muỗi vằn gây nên và cách phòng bệnh như ngủ mùng, diệt lăng quăng, khai thông cống rãnh, đậy kín các vật dụng chứa nước…”.
Cộng tác viên y tế tới nhà dân truyền thông về dịch bệnh tại xã Hóa An (TP. Biên Hòa). |
Mặc dù người dân đã có kiến thức để phòng chống dịch bệnh, thế nhưng thực tế qua kiểm tra tại các hộ gia đình, nhiều người vẫn để các vật dụng chứa nước mà không đậy kín nắp, các vật dụng bỏ đi như lốp xe, gáo dừa… vứt bừa bãi ngoài vườn tạo điều kiện cho lăng quăng phát triển. Đoàn giám sát đã nhắc nhở, giải thích cho người dân hiểu về cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm thế nhưng nhiều người dân lỗi do bận nhiều việc, không có thời gian để dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Anh N.V.H. (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) bộc bạch: “Chúng tôi cũng biết vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để nước tù đọng… thì lăng quăng sẽ không phát triển được, nhưng nhiều lúc đi làm về muộn, phải lo nhiều việc khác nên chưa thực sự quan tâm đến các biện pháp phòng bệnh”.
Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp, ngành y tế đã tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động phòng chống. Bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, cho hay: “Sở Y tế đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn giám sát tình hình dịch để triển khai nhiều hoạt động, trong đó ngành đã tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng 3 lần/năm, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các điểm nguy cơ bùng phát dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để kịp thời xử lý, tránh lây lan diện rộng; đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức, như: tuyên truyền phòng chống bệnh SXH qua các phương tiện truyền thông đại chúng; cấp tờ rơi, treo băng rôn tại các địa điểm có nhiều người dân qua lại; huy động nguồn lực cộng tác viên y tế đến hộ gia đình tuyên truyền, giải thích, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh…”.
* Tăng cường truyền thông
Mặc dù ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống SXH, thế nhưng hiện nay công tác phòng chống SXH còn gặp khó khăn do người dân chưa thực sự phối hợp tốt. Bác sĩ Nguyễn An Linh, Giám đốc Trung tâm truyền thông - giáo dục sức khỏe tỉnh, cho biết trung tâm đã phối hợp với các đơn vị từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh dưới nhiều hình thức để người dân nắm bắt được các biện pháp phòng bệnh, cũng như thay đổi hành vi tích cực trong bảo vệ sức khỏe cho họ. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, người dân ít có điều kiện tiếp xúc với báo, đài, internet thì sẽ huy động lực lượng cộng tác viên y tế thôn, ấp cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa các bệnh tật để công tác chống dịch đạt kết quả cao.
Từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết đang tăng cao trở lại và có nguy cơ bùng phát sau nhiều năm giảm liên tục. Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2015 toàn tỉnh ghi nhận 1.250 ca, 2 trường hợp tử vong, tăng 90,25% so với cùng kỳ năm 2014. Các địa phương có số mắc cao là TP.Biên Hòa với 611 ca, huyện Trảng Bom 123 ca. |
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cũng nhấn mạnh, bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng biện pháp phòng bệnh SXH lại đơn giản và dễ thực hiện, như: diệt lăng quăng, diệt muỗi, đậy kín các vật dụng chứa nước, ngủ mùng, vệ sinh xung quanh nhà ở và môi trường… Để làm tốt điều này, rất cần mỗi người dân cùng vào cuộc, thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH ngay tại hộ gia đình thì công cuộc phòng chống dịch bệnh mới hiệu quả.
Theo đó, mỗi tuần, mỗi gia đình hãy dành 10 phút để kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách: thường xuyên lau rửa, đậy nắp kín các lu, khạp, bể chứa nước, thả cá màu; thường xuyên thay nước ở các bình hoa, cho muối vào bát nước kê chân chạn, đồng thời loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng đến để không cho muỗi đẻ trứng...
Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện kiểm tra, giám sát để người dân thực sự hiểu được ý nghĩa của các hành động cụ thể để họ cùng vào cuộc “tẩy chay” SXH.
Gia Nhi