Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với tai nạn thương tích

10:06, 04/06/2015

Vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hè, Khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã cấp cứu và điều trị cho nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích do chấn thương và bỏng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn cho trẻ là do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn.

Vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hè, Khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã cấp cứu và điều trị cho nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích do chấn thương và bỏng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn cho trẻ là do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn.

Bé Đ.T.A. 23 tháng tuổi, nhà ở xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) bị bỏng toàn bộ bàn chân phải do đạp vào đống than. Ảnh: N.THƯ
Bé Đ.T.A. 23 tháng tuổi, nhà ở xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) bị bỏng toàn bộ bàn chân phải do đạp vào đống than. Ảnh: N.THƯ

Đó là trường hợp của bé Đ.D., 3 tuổi, nhà ở KP.6, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) bị gãy cả 2 chân vì tai nạn giao thông. Theo các bác sĩ ở khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, đây là ca hiếm gặp vì rất ít trường hợp trẻ nhập viện mà gãy cả 2 xương đùi như bé D., điều đó có nghĩa là cú va chạm phải rất mạnh. Hiện bé đang bó bột cả 2 chân, cố định bằng nẹp nên phải nằm một chỗ.

* Những tai nạn vì bất cẩn

Anh V.T., cha của bé D., cho biết khi đi đón con từ trường về nhà, anh chạy sát con lươn giữa đường, vì không làm chủ được tay lái đã đâm mạnh vào con lươn khiến bé D. văng ra đường, gãy cả 2 chân. Rất may, bé D. có đội mũ bảo hiểm nên không bị chấn thương ở đầu. Vừa quạt cho con, anh T. vừa chia sẻ: “Bây giờ tôi rất hối hận, giá như tôi làm chủ được tốc độ thì con tôi đã không ra nông nỗi này”.

Hay như trường hợp bé M.T., 5 tuổi, nhà ở KP.5, phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) bị chấn thương đầu, rạn xương sọ, xuất huyết não do té cầu thang. Chị M.H., mẹ của bé T. cho biết vào khuya 23-5, bé T. ngủ cùng bà ngoại ở trên gác. Đến khuya, bé thức dậy, tự xuống cầu thang để đi vệ sinh thì bị hụt chân té từ trên cao xuống bất tỉnh. Qua 1 tuần điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, bé vẫn đau đầu, ói ra máu và đang tiếp tục được theo dõi chấn thương sọ não.

Bên cạnh các ca chấn thương đầu thì tại khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng cũng có nhiều ca trẻ bị bỏng do người lớn bất cẩn. Như trường hợp bé T.A., 23 tháng tuổi, nhà ở xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) bị bỏng toàn bộ bàn chân phải đạp vào đống than còn nóng do người nhà đốt lửa từ chập tối, nhưng không tưới nước dập lửa. Hoặc bé T.X., 10 tháng tuổi, nhà ở KP.8, phường Long Bình (TP.Biên Hòa) bị một người chị họ mới 3 tuổi đổ nước sôi trong phích vào người khiến bé X. bị bỏng toàn bộ khu vực háng, mông và 2 chân.

* Phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ

Bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình - bỏng, cho biết trong những ngày cuối tháng 5, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho 10 trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích, trong đó có đến 60% ca nhập viện bị chấn thương đầu. Nguyên nhân chấn thương đầu do tai nạn giao thông, ngã cầu thang, bị ẩu đả và... do tivi treo tường rớt trúng đầu. Trong đó, té cầu thang là một trong những nguyên nhân thường gặp của các ca chấn thương đầu điều trị tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Té ngã cầu thang có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ, từ chấn thương tay, chân, ngực, bụng đến chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa chú ý đến an toàn của các cầu thang trong nhà, như: đặt lan can thấp, tay vịn không an toàn, thậm chí nhà thiết kế không có ban công. Do đó, bên cạnh việc chú ý an toàn khi thiết kế cầu thang, phụ huynh phải dạy cho trẻ lên, xuống cầu thang để trẻ biết cái nên và không nên làm khi đi cầu thang.

Bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, cho biết từ đầu năm đến nay, các bác sĩ trong khoa đã phẫu thuật cho 10 trẻ bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Ngoài ra, có 4 trẻ bị chấn thương sọ não nặng, hôn mê sâu phải chuyển lên Bệnh viện nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh). Để phòng ngừa chấn thương sọ não cho trẻ, phụ huynh cần đội mũ bảo hiểm, sử dụng dây đai an toàn cho trẻ nhỏ khi đi xe máy. Điều quan trọng khi chở theo trẻ em, tuyệt đối không uống rượu, bia. 

Cũng theo bác sĩ Phạm Đông Đoài, nhiều ca bỏng nhập viện trong thời gian qua do đạp lên than, gạch nung hoặc bỏng nước sôi, bỏng cháo khiến các bé bị bỏng ở tay chân, mặt, thậm chí bỏng cả bộ phận sinh dục. Nguyên nhân bỏng hay gặp nhất vẫn là bỏng điện. Các ca bỏng điện thường rất nặng, dù có chữa khỏi vẫn để lại di chứng nặng nề do sẹo co rút. Do đó, để phòng ngừa tai nạn bỏng cho trẻ, đối với trẻ 1-3 tuổi phải luôn luôn có người trông coi. Vì trẻ ở độ tuổi này đã biết đi, hay tò mò, thích với cao để lấy đồ chơi hoặc sờ vào ổ điện nên rất dễ bị bỏng. Việc điều trị bỏng, nhất là những ca bỏng sâu mất nhiều thời gian, khi bình phục còn để lại di chứng nặng nề, thậm chí nhiều ca bỏng nặng có thể tử vong.  

Ngọc Thư

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều