Báo Đồng Nai điện tử
En

"Sát thủ" vô hình

09:05, 26/05/2015

Người hút thuốc lá phải đối mặt với nhiều bệnh tật nguy hiểm, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - COPD), còn được mệnh danh là "sát thủ vô hình". Đây là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao với trên 600 triệu người trên thế giới bị bệnh, hơn 3 triệu người chết mỗi năm.

 

Người hút thuốc lá phải đối mặt với nhiều bệnh tật nguy hiểm, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - COPD), còn được mệnh danh là “sát thủ vô hình”. Đây là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao với trên 600 triệu người trên thế giới bị bệnh, hơn 3 triệu người chết mỗi năm.

* Khó thở vì COPD

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, cho biết COPD là bệnh lý mạn tính ở phổi gây nên tình trạng tắc nghẽn sự lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở, suy giảm chức năng hô hấp. 

Nhiều bệnh về phổi nguy hiểm, trong đó có bệnh phổi mạn tính phần lớn là do hút thuốc lá, thuốc lào. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện phổi Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh minh họa
Nhiều bệnh về phổi nguy hiểm, trong đó có bệnh phổi mạn tính phần lớn là do hút thuốc lá, thuốc lào. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện phổi Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh minh họa

Ông T.T.Đ., 76 tuổi, ở xã Đắk Lua (huyện Tân Phú) không thể nhớ nổi mình đã nhập viện cấp cứu bao nhiêu lần vì lý do khó thở. Ông Đ. có thói quen hút thuốc lào suốt 50 năm qua, ông từng bị lao phổi và đã được điều trị khỏi. Sau khi chữa khỏi bệnh lao, ông lại bị ho, khạc đàm kéo dài, khó thở và được chẩn đoán đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Sống chung với căn bệnh này hơn 6 năm qua, dù đã bỏ hút thuốc, tình trạng khó thở vẫn ngày càng nặng, đến nỗi ông phải trang bị máy tạo oxy ở nhà để thở khi mệt. Mọi sinh hoạt thường ngày rất khó khăn vì ông bị khó thở ngay cả khi không gắng sức nhiều.

Theo bác sĩ Khánh, phần lớn các bệnh nhân COPD đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của COPD. Thậm chí, hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc do người khác hút) cũng có thể tăng nguy cơ bị bệnh. COPD thường xảy ra ở các đối tượng nam giới trên 40 tuổi, đã hoặc đang hút thuốc với các triệu chứng như ho, khạc đàm kéo dài và tình trạng khó thở tăng dần. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng gây ra COPD, như: tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi nghề nghiệp, tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với khói bếp than, bị nhiễm khuẩn hô hấp khi còn nhỏ.

Cũng theo bác sĩ Khánh, COPD tuy không lây nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày và sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Lâu nay, nhiều người đến điều trị bệnh khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn, khi tình trạng tắc nghẽn đã nặng. Thậm chí có người đến điều trị bệnh nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị, vẫn không chịu bỏ thuốc lá, thuốc lào khiến bệnh tình ngày càng nặng.

* Điều trị sớm và liên tục

Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, đối với COPD nếu không bỏ hút thuốc và điều trị sớm sẽ khiến chức năng hô hấp suy giảm nhanh, người bệnh ngày càng khó thở, dẫn đến biến chứng nguy hiểm gây suy hô hấp, suy tim (tâm phế mạn) dẫn đến tử vong. Hiện tại, dù chưa thể chữa khỏi hoàn toàn COPD nhưng nếu bệnh nhân được khám và điều trị sớm, thường xuyên sẽ giúp làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, từ tháng 7-2011, tại Bệnh viện phổi Đồng Nai đã thành lập Câu lạc bộ COPD và quản lý điều trị ngoại trú. Đến nay bệnh viện đang quản lý điều trị hơn 1,1 ngàn bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Giám đốc Bệnh viện phổi Đồng Nai, khuyến cáo bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý hô hấp mạn tính có thể dự phòng và điều trị được, trong đó quan trọng nhất là phải bỏ hút thuốc lá, thuốc lào - tác nhân chủ yếu và trực tiếp gây bệnh. Ngoài ra, phải giữ cho môi trường sống thật trong lành, sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói và các loại khí độc hại. Song song đó phải thường xuyên tập thể dục, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; những người đã bị bệnh cần tuân thủ điều trị, tập các bài tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ Mai Văn Mạnh, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện phổi Đồng Nai, chia sẻ bệnh nhân tham gia câu lạc bộ sẽ thường xuyên được cung cấp các thông tin về bệnh để hợp tác, phối hợp trong điều trị, như: cách sử dụng thuốc, cách xử trí cơn khó thở tại nhà, giải đáp thắc mắc trong quá trình điều trị, cách tập luyện phù hợp với sức khỏe. Qua đó, giúp bệnh nhân COPD giảm triệu chứng bệnh, tăng cường khả năng gắng sức, đỡ phải nhập viện, giảm tử vong.

Ông T.H. ngụ tại ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) đã có “thâm niên” hơn 30 năm hút thuốc. Ông H. cho hay, cách đây 2 năm ông đã có các triệu chứng của COPD nhưng do chủ quan nên chỉ đi khám rồi mua thuốc về uống chứ không tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Vì vậy, cứ khi thời tiết thay đổi hoặc khi làm việc gắng sức là ông bị nghẹt thở. Đến khi tham gia vào Câu lạc bộ COPD, ông mới hiểu bệnh này phải điều trị liên tục nên đã sắp xếp công việc đi tái khám hàng tháng. Đồng thời được các bác sĩ tư vấn về các phương pháp tập luyện, ăn uống nên thấy sức khỏe cải thiện nhiều hơn, các cơn khó thở không còn xuất hiện thường xuyên. Tuy nhiên, chính căn bệnh này đã khiến ông không còn sức khỏe để lao động lo cho gia đình như trước đây.

An An

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều