Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chủ quan với bệnh thủy đậu

12:03, 24/03/2015

Hiện nay, bệnh thủy đậu đang có chiều hướng gia tăng trong tỉnh. Trong tháng 2 đã xuất hiện 1 ổ dịch thủy đậu tại tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa).

Hiện nay, bệnh thủy đậu đang có chiều hướng gia tăng trong tỉnh. Trong tháng 2 đã xuất hiện 1 ổ dịch thủy đậu tại tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa).

Điều trị cho trẻ bị thủy đậu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Đ.NGỌC
Điều trị cho trẻ bị thủy đậu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Đ.NGỌC

 Từ đầu tháng 3 đến nay, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai có trên 120 ca thủy đậu khám ngoại trú và có 4-5 ca bị bội nhiễm phải điều trị nội trú.

Bác sĩ Lê Văn Giai, Trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết bệnh thủy đậu thường bùng phát vào thời điểm mùa đông - xuân (tháng 1 đến tháng 5). Có năm, bệnh thủy đậu khá yên ắng có thể do trẻ được tiêm ngừa đầy đủ. Năm nay, bệnh bùng phát nhiều có thể do phụ huynh lo ngại sau một số sự cố trong tiêm ngừa xảy ra ở các tỉnh, thành khác và cũng có thể do chưa được tiêm ngừa bệnh thủy đậu do loại vaccine này đã hết từ nhiều tháng nay.

Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella-zoster gây ra, có đặc điểm lâm sàng là phát ban dạng mụn nước rất ngứa ở da và niêm mạc, bệnh thường lành tính ở trẻ em hơn người lớn, tuy nhiên một số trường hợp có thể tử vong do biến chứng. Thời gian ủ bệnh 10-20 ngày, trung bình 14 ngày, thường không có triệu chứng. Thời kỳ khởi phát 1 hoặc 2 ngày với sốt vừa hồng ban nhỏ rải rác trên da kèm theo ngứa; theo sau là thời kỳ toàn phát 3-4 ngày, bóng nước nổi trên nền hồng ban chứa chất dịch màu trắng, sau đó hóa đục, dễ vỡ, đóng mày rất ngứa. Bệnh tự khỏi sau 7-10 ngày, hầu hết các mụn nước đóng mày và không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu để bội nhiễm trên sang thương da có thể để lại sẹo nhỏ.

Bệnh thủy đậu lây nhiễm chủ yếu là đường hô hấp, qua những giọt nước bọt có chứa virus bắn ra từ người bệnh, một số ít lây từ sang thương ở da và niêm mạc. Trong những vụ dịch, có thể lây qua không khí.

Biến chứng thường gặp là nhiễm trùng da, nếu không xử lý sẽ dẫn đến viêm mô tế bào, viêm áp xe dưới da, viêm hạch, viêm phổi, viêm khớp. Ngoài ra, viêm não là biến chứng thần kinh thường gặp nhất và có thể gây tử vong.

Theo bác sĩ Lê Văn Giai, may mắn bệnh thủy đậu là bệnh nhiễm siêu vi có thuốc chủng ngừa và thuốc điều trị kháng virus đặc hiệu. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm ngừa đúng lịch để phòng bệnh. Trong trường hợp bị nhiễm bệnh, cần chú ý phát hiện sớm để đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời sẽ giảm tiến trình bệnh, hạn chế nốt đậu mọc nhiều, giảm các biến chứng nguy hiểm. Khi nhiễm bệnh, không nên kiêng tắm cho trẻ mà cần tắm rửa hàng ngày bằng xà phòng để sát khuẩn giảm nguy cơ gây bội nhiễm; cho trẻ nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát; cắt móng tay tránh làm vỡ bóng nước khi trẻ gãi dễ gây nhiễm trùng.

Nếu trẻ sốt cao, mụn nước mọc nhiều, nhiễm trùng da lan rộng, ho khó thở tăng hoặc rối loạn chi giác nên cho trẻ tái khám ngay để được chẩn đoán và điều trị biến chứng nếu có, kịp thời.   

Đặng Ngọc

 

 

Tin xem nhiều