Vào dịp tết, nhiều người phải nhập viện do bị các bệnh về tiêu hóa, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh xuất huyết tiêu hóa do uống quá nhiều rượu, bia.
Vào dịp tết, nhiều người phải nhập viện do bị các bệnh về tiêu hóa, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh xuất huyết tiêu hóa do uống quá nhiều rượu, bia.
Bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết theo thống kê có đến 35-50% số ca xuất huyết tiêu hóa nhập viện do loét dạ dày, tá tràng và khoảng 8-15% do loét dạ dày tá tràng thủng. Phần lớn trong số đó có uống nhiều rượu, bia. Bệnh xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu vào trong lòng ống tiêu hóa, sau đó được tống ra ngoài bằng 2 phương thức là ói ra máu và đi cầu ra máu. Đó là dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất của xuất huyết tiêu hóa.
Bệnh xuất huyết tiêu hóa là một biến chứng biểu hiện của nhiều hội chứng mang tính chất cấp cứu liên quan đến nhiều chuyên khoa, đặc biệt là nội và ngoại khoa. Vì vậy, cần chẩn đoán đúng nguyên nhân chảy máu càng sớm càng tốt, hồi sức nội khoa là bước điều trị quan trọng đầu tiên. Do đó, người bệnh cần nhập viện ngay tức thì để được khám chẩn đoán một cách chính xác để từ đó đưa ra hướng điều trị hợp lý. Các bước điều trị, gồm: hồi sức nội khoa, làm các xét nghiệm cơ bản, phân loại mức độ xuất huyết tiêu hóa, nội soi để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị cầm máu qua nội soi khi có chỉ định.
Để phòng ngừa bệnh, theo bác sĩ Minh cần ăn uống nghỉ ngơi hợp lý; tránh lạm dụng thức ăn có vị chua, cay, nóng. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng rượu bia, nhất là uống với số lượng nhiều trong thời gian dài. Khi có triệu chứng khó chịu vùng trên rốn, như: đau, ợ chua, ợ nóng, nuốt nghẹn, nuốt vướng, đầy bụng, khó tiêu, vàng da, vàng mắt… cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Lưu ý khi bị nôn ra máu và đại tiện phân đen phải đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đặng Ngọc (ghi)