Từ đầu tháng 2 đến nay, số ca bệnh về tiêu hóa nhập viện điều trị tại khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày có 10-25 bệnh nhân mới nhập viện, tăng khoảng 20% so với tháng trước.
Từ đầu tháng 2 đến nay, số ca bệnh về tiêu hóa nhập viện điều trị tại khoa tiêu hóa Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tăng cao. Trung bình mỗi ngày có 10-25 bệnh nhân mới nhập viện, tăng khoảng 20% so với tháng trước.
Trong số hơn 80 bệnh nhân nằm điều trị nội trú tại khoa mỗi ngày thì có đến 2/3 bị tiêu chảy, tiêu chảy cấp do ngộ độc thức ăn. Nhiều trường hợp bị mất nước nặng phải truyền dịch bằng đường tĩnh mạch.
* Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh tiêu hóa
Sau nhiều ngày điều trị tại khoa tiêu hóa, bé Huỳnh Anh Dũng, 9 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu đã khỏe lại và có thể ăn uống bình thường. Trước đó, vào ngày 2-2, sau khi ăn phở tại một quán phở ở xã Thạnh Phú, bé Dũng bị ói, sốt cao, chân tay co quắp và tiêu chảy nhiều lần phải nhập viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng đường ruột do ngộ độc thức ăn.
Bác sĩ Hà Văn Thiệu (Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai) khám bệnh cho bé Huỳnh Anh Dũng. Ảnh: A.AN |
Bác sĩ Hà Văn Thiệu, Trưởng khoa tiêu hóa, cho biết vào mùa này ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra do thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa đông - xuân, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về virus phát triển mạnh, trong đó có các bệnh về tiêu hóa, như: tiêu chảy do vi khuẩn và tiêu chảy do virus. Trong đó tiêu chảy do vi khuẩn thường do ngộ độc thức ăn do uống nước lã, nước đá không được vô khuẩn, thức ăn ôi thiu, thức ăn để lâu ngày…
Trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, như: đau bụng nhẹ, đầy hơi, biếng ăn, tiêu chảy, không sốt hoặc trẻ dưới 12 tháng hay khóc, biếng ăn, biếng bú, ưỡn bụng... cha mẹ có thể theo dõi tại nhà, cho trẻ uống nước biển khô oresol để bù lượng nước thiếu hụt cho cơ thể hoặc men tiêu hóa để cân bằng đường ruột. Trong trường hợp nặng, như: ói, sốt, tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày, lừ đừ, mệt mỏi, vật vã thì nên nhập viện để theo dõi, điều trị kịp thời. |
Đặc biệt, vào dịp cận tết và tết, cha mẹ thường bận rộn với công việc nên thường ít chăm chút nấu ăn cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi nên dễ xảy ra tình trạng trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Cha mẹ thường cho trẻ ăn thức ăn nhanh, thức ăn đường phố hoặc cho trẻ ăn thức ăn để trong tủ lạnh nhiều ngày. Nhiều thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập cơ thể trẻ gây các bệnh về tiêu hóa, trong đó có ngộ độc thực phẩm.
* Đề phòng rối loạn tiêu hóa
Để đề phòng rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong dịp tết, theo bác sĩ Hà Văn Thiệu, cha mẹ nên chú trọng bữa ăn cho con cái, tốt nhất là nên tự tay chế biến thức ăn cho trẻ, phải rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn. Lưu ý, trong những ngày tết không nên ăn dồn quá nhiều thức ăn vào một lúc khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu. Nhất là không nên cho trẻ ăn thức ăn để nhiều ngày trong tủ lạnh vì thức ăn dễ bị ôi, thiu.
Nếu gia đình đi chơi xa nên chuẩn bị cho các bé có chế độ thức ăn riêng dùng trong ngày để đảm bảo hợp vệ sinh. Nếu phải mua thực phẩm bên ngoài, nên mua thức ăn ở những nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Cha mẹ không để cho trẻ uống nhiều nước ngọt có ga trong một ngày, vì nếu uống nhiều sẽ kích thích hệ tiêu hóa làm giảm bớt sự thèm ăn và không có cảm giác đói.
An An