Bác sĩ Vũ Thanh Tâm, Phó khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết những ngày gần đây xuất hiện nhiều ca ngộ độc rượu nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ Vũ Thanh Tâm, Phó khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết những ngày gần đây xuất hiện nhiều ca ngộ độc rượu nhập viện cấp cứu. Thậm chí có ca rất nặng, bệnh nhân bị hôn mê sâu, nguyên nhân do người nhà tưởng bệnh nhân ngủ say sau khi uống rượu nên không để ý, đến khi gọi không thấy bệnh nhân tỉnh dậy mới đưa đi cấp cứu khiến não bị thiếu ôxy quá lâu, bệnh nhân đã bị hôn mê.
Theo bác sĩ Tâm, dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc rượu là sau khi uống rượu tối thiểu là 24 giờ, nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, mắt mờ... Có 2 dạng ngộ độc rượu: nếu ngộ độc rượu có chứa cồn ethanol sẽ gây ngộ độc rượu rồi lại tỉnh; nếu ngộ độc rượu do cồn methanol thì nạn nhân uống say dễ gây tử vong, vì cồn methanol là loại cồn công nghiệp, không được sử dụng trong thực phẩm sẽ dễ gây ngộ độc cho người sử dụng.
Để phòng, tránh ngộ độc rượu, đặc biệt trong những ngày tết, bác sĩ Vũ Thanh Tâm, Phó khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khuyến cáo tốt nhất không nên uống rượu. Trong trường hợp vẫn phải uống rượu thì nên uống liều lượng hạn chế, không quá 30ml/ngày. Đặc biệt, nên mua và sử dụng các loại rượu đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, địa chỉ sản xuất đáng tin cậy. Ngoài ra, không uống rượu tự pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây lạ, vì loại rượu này sẽ có nhiều tạp chất dễ gây ngộ độc cho cơ thể. |
Độc tính của methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy bệnh nhân thường có biểu hiện loạng choạng, mắt mờ, rối loạn cảm giác về màu sắc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, tụt huyết áp, ngừng thở, ngừng tim và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh.
Tuy nhiên, dù ngộ độc dạng nào, nếu người nhà thấy nạn nhân có những biểu hiện nêu trên, không nên tự tiện cho bệnh nhân uống các loại thuốc giảm đau hay thuốc bổ vì sẽ có hại cho gan, đường tiêu hóa của nạn nhân. Tốt nhất cần nhanh chóng đem vào bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp ngộ độc nặng, tại bệnh viện, bệnh nhân được rửa ruột, sử dụng thuốc giúp tránh những độc tố của rượu ảnh hưởng đến chức năng gan, thậm chí phải lọc máu.
An An (ghi)